-->

Sắp tới, các phiên tòa hình sự sẽ không còn hình ảnh chiếc vành móng ngựa

Thay vành móng ngựa bằng bục khai báo. Theo đó, bị cáo và người tham gia tố tụng khác sẽ có bục khai báo riêng. Vị trí bục khai báo của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác được bố trí đối diện với vị trí của HĐXX.


Đây là điểm mới đáng chú ý quy định tại dự thảo thông tư hướng dẫn hình thức bố trí phòng xử án do TAND Tối cao xây dựng, sắp được ban hành. Trước đây có hai quan điểm khác nhau. Thứ nhất cho rằng bục khai báo thể hiện tính nhân văn, phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội. Luồng ý kiến thứ hai đề nghị giữ vành móng ngựa nhằm thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật đối với bị cáo tại tòa.

Vậy, vành móng ngựa có lịch sử và ý nghĩa như thế nào?

Hiện nay, có rất nhiều quan điểm khác nhau về lịch sử và ý nghĩa của vành móng ngựa, tại sao lại gọi là vành móng ngựa. Sau đây là một số quan điểm cụ thể:

Thứ nhất, PGS-TS Phạm Văn Tình lý giải: “Sao người ta không nói là “vành móng trâu”, “vành móng bò”...? Điều này cũng có nguyên do của nó. Số là, trước đây ở La Mã, khi xử tội, trừng trị các phạm nhân, người ta thường dùng ngựa để xé xác hoặc dày xéo lên thân thể của họ”.

Theo tác giả, hình thức vành móng ngựa có xuất xứ từ La Mã. Đây là một trong những nhà nước cổ đại đầu tiên ở Châu Âu, tồn tại suốt 13 thế kỷ (từ thế kỷ VII trước CN đến thế kỷ VI sau CN). Một trong những thành tựu quan trọng nhất của đế quốc này là nhà nước điều hành xã hội qua một bộ luật hoàn chỉnh và có ảnh hưởng đến hầu hết đến luật pháp các nước Châu Âu cho đến ngày nay. Vành móng ngựa trong phiên tòa của nước ta hiện nay, không khác bao nhiêu so với vật tương tự công dụng được đặt ở các tòa án khắp nơi trên thế giới. Trong tiếng Anh, gọi đây là bar (of courts) hay bar (of judicature)...

Trong tiếng Pháp là barre (au tribunal)... được thiết kế giống theo hình chiếc móng ngựa, nên từ hình dáng này tiếng Việt quen gọi nó là vành móng ngựa. Nếu bảo rằng, chiếc vành móng ngựa dành cho các bị cáo đứng trong phiên tòa xuất phát từ hình thức tử hình xé xác, dày xéo bằng ngựa theo luật La Mã thì chưa chính xác, vì không phải ai cứ bị truy tố ra trước tòa án La Mã cũng đều là tội nhân bị tuyên án tử hình. Vả lại hình luật phạt tử hình trong luật La Mã tùy thuộc vào giai cấp mà hình phạt được áp dụng theo các hình thức hành hình khác nhau. Chỉ có thành phần dân tự do thì bị xử chết bằng thiêu hoặc cho ngựa xé; nô lệ thì bị giết chết bằng đóng cọc xuyên qua người hoặc dìm chết. Nhưng đối với giới quý tộc và binh lính thì bị chém bằng gươm. Ngoài ra thời cổ đại, tại Trung Quốc và vài nước khác cũng có phương pháp hành hình “Tứ (ngũ) mã phanh thây” chứ không chỉ có tại đế chế La Mã. Vậy chiếc vành móng ngựa mang ý nghĩa gì trong hình thức phiên tòa?

Ở Châu Âu, tập quán người dân nhiều nước sử dụng chiếc móng ngựa, khi treo trên tường hoặc phía trước cửa ra vào nhà, nó sẽ là công cụ linh thiêng bảo vệ gia chủ khỏi sự xâm phạm của cái ác và cái xấu. Ngoài ra với hình chữ U, khoảng không bên trong sẽ lưu giữ sự may mắn. Một truyền thuyết công giáo cho biết, Thánh Dunstan đã giam giữ một con quỷ nhỏ vào chiếc móng ngựa và treo nó lên cửa nhà. Từ đó các tín đồ sử dụng chiếc móng ngựa như một công cụ để xua đuổi ma quỷ quấy nhiễu. Ngoài ra ở Châu Âu, chiếc móng ngựa có hình dạng giống Omega, mẫu tự cuối trong bảng mẫu tự Hy Lạp, tượng trưng cho sự kết thúc, hoàn tất.

Từ thời cổ đại, luật La Mã đã quy định, trách nhiệm chứng minh thuộc về bên tố cáo, thuộc bên khẳng định chứ không phải bên phủ định. Đây được coi là cội nguồn của nguyên tắc “suy đoán vô tội” trong quy trình Tố tụng hình sự hiện nay của luật pháp hầu hết các nước. Nguyên tắc này thể hiện tính nhân văn trong hoạt động pháp lý. Ở nước ta, nguyên tắc “suy đoán vô tội” được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự với nội dung: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật” và “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. Nguyên tắc này thể hiện quyền được xét xử công bằng của bất kỳ người bị buộc tội nào. Trong Thông tư số 2225 HCTP của Bộ Tư pháp đã hướng dẫn: “Không nên có định kiến rằng hễ người bị truy tố là nhất định có tội mà đối xử như với người có tội; bị can trước khi tuyên án được coi như vô tội để toà án có thái độ hoàn toàn khách quan”.

Từ tập quán lâu đời của người Châu Âu về chiếc móng ngựa, kết hợp với các nguyên tắc pháp lý được áp dụng rộng rãi tại các quốc gia, có thể thấy, chiếc vành móng ngựa đặt trước mặt bị cáo trong phiên tòa mang một ý nghĩa hết sức nhân bản. Nó được hiểu như biểu trưng của nguyên tắc “suy đoán vô tội”, hàm ý bảo bọc chở che người vô tội trước định kiến (nếu có) của người “cầm cân nảy mực”, đồng thời chính nó cũng sẽ là vật cầm giữ cái xấu hay sự kết thúc một tội ác, chống lại con người. Hay chính xác hơn, nó biểu hiện cho nền văn minh nhân loại, thể hiện dưới góc độ luật học, hơn là nhằm thể hiện “sự nghiêm minh và hà khắc của pháp luật” bằng voi giày, ngựa xé, như bài báo trước đó đã dẫn.

Thứ hai,ôngĐinh Văn Quế -Nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao lại cho rằng vành móng ngựa có từ bao giờ chưa ai xác định chắc chắn nhưng có thể khẳng định là nó du nhập vào nước ta từ khi thực dân Pháp xâm lược. Chiếc vành móng ngựa từ thời Pháp thuộc ở trụ sở TAND Tối cao có lẽ giờ cũng không còn nhưng các phiên bản của nó thì tòa án nào cũng na ná nhau. Có nhiều giả thuyết giải thích về nguồn gốc ra đời của vành móng ngựa. Nhưng đa số cho rằng lúc đầu nó chỉ là một hàng chấn song ngăn cách giữa bị cáo với HĐXX. Sau đó, do việc vận chuyển khó khăn nên người ta đã thu bớt nó lại. Qua nhiều thời kỳ, đến khi nó có hình giống như chiếc vành móng ngựa nên người ta gọi nó là “vành móng ngựa”.

Đã không ít các hội thảo khoa học bàn về mô hình tố tụng hình sự nhưng ít thấy ai bàn về chỗ ngồi cho bị cáo là nhân vật trung tâm của phiên tòa. Thực tiễn xét xử cho thấy không chỉ bị cáo mà cả các chiến sĩ cảnh sát tư pháp cũng đứng vào đó nhưng đứng cạnh, đứng sau. Hình ảnh này khiến người ta cảm thấy không ổn nên thay bằng cái bục thì hay hơn. Khổ nhất vẫn là bộ phận chuẩn bị phiên tòa lưu động. Họ phải vận chuyển vành móng ngựa từ trụ sở tòa án đến địa điểm mở phiên tòa. Có khi vùng sâu, vùng xa phải đi cả ngày đường, chở bằng xe máy, xe đạp hay khiêng vác đều vất vả, có khi té gãy cả vành móng ngựa, người thì xây xát.

Vành móng ngựa là bộ phận không thể thiếu trong phiên tòa hình sự. Nhưng trong luật không quy định rõ bị cáo phải đứng trước vành móng ngựa. Thế nên mới có chuyện khi ra tòa, bị cáo nhất quyết không chịu đứng vào và cho rằng đứng vào đó là phải đi tù.

Dự thảo thông tư của TAND Tối cao về việc thay vành móng ngựa bằng bục khai báo có ý nghĩa như thế nào?

Thứ nhất, việc thay vành móng ngựa bằng bục khai báo là thuận lợi hơn cho bị cáo.

Dự thảo thông tư của TAND Tối cao thể hiện theo quan điểm thứ nhất. Theo đó, bị cáo và người tham gia tố tụng khác sẽ có bục khai báo riêng. Vị trí bục khai báo của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác được bố trí đối diện với vị trí của HĐXX. Bục này nằm phía dưới vị trí của đại diện VKS và người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Tại tòa người tham gia tố tụng khác cũng có thể đứng tại chỗ để khai báo theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa.

Có ý kiến cho rằng với những vụ án lớn, số lượng người tham gia tố tụng nhiều thì bục khai báo có thể gây cản trở. Bởi khi người tham gia tố tụng di chuyển từ chỗ ngồi lên bục khai báo và ngược lại sẽ mất thời gian, gây mất trật tự phiên tòa. Nhưng hầu hết ý kiến cho rằng đã đến lúc thay thế vành móng ngựa. Vì nó sẽ tạo thuận lợi cho người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo dõi diễn biến phiên tòa. Đồng thời khi có bục cũng tăng cường vai trò trung tâm của HĐXX trong việc điều hành và duy trì trật tự phiên tòa.


h

Sắp tới, các phiên tòa hình sự sẽ không còn hình ảnh chiếc vành móng ngựa

Thứ hai, việc thay vành móng ngựa bằng bục khai báo để tránh tâm lý đã có tội.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Văn Chiến phân tích theo tinh thần của Hiến pháp 2013 và quy định của BLTTHS 2013, một người không bị coi là có tội trước khi có bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa. Thời điểm bị cáo ra tòa để khai báo vẫn được coi là người chưa phạm tội, trong khi vành móng ngựa lại tạo tâm lý coi họ như họ đã có tội. Cạnh đó, khi không có luật sư bị cáo tự thực hiện quyền bào chữa thì sẽ gặp khó khăn vì vành móng ngựa không có chỗ đặt và sử dụng tài liệu.

Trong bản góp ý gửi cho cơ quan soạn thảo, luật sư Phan Trung Hoài (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cũng ủng hộ quy định tại dự thảo. Theo ông, bục khai báo có diện tích đủ rộng để bị cáo sử dụng tài liệu, chứng cứ chứng minh lời khai của mình. Nhưng với các bị cáo phạm tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì cần bố trí cảnh sát tư pháp hỗ trợ ngay sau bị cáo.

Còn chuyên gia Đinh Văn Quế chia sẻ phiên tòa hình sự của hầu hết nước không còn vành móng ngựa, mà thay bằng ghế bị cáo. Đối với các nước theo mô hình tranh tụng thì bị cáo không phải ngồi vào ghế vì việc tranh tụng chủ yếu giữa luật sư và công tố viên. Các nước theo mô hình thẩm vấn thì bị cáo ngồi vào ghế, tùy thuộc vào tình hình của mỗi nước mà ghế được cấu tạo khác nhau. Chẳng hạn ở Trung Quốc chiếc ghế được thiết kế đặc biệt, bị cáo đã ngồi vào thì gần như bị khóa, không phải còng tay, xích chân. Theo ông Quế, việc bỏ vành móng ngựa và thay vào đó là bục khai báo hoặc ghế bị cáo là phù hợp và cần thiết.

Luật sư Nguyễn Thị Yến - Trưởng nhóm tư vấn trực tuyến - Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp.