Quy định của pháp luật hiện hành về biện pháp bảo lưu quyền sở hữu

Theo quy định BLDS 2015, bảo lưu quyền sở hữu trong hợp đồng mua bán được tiếp cận với tư cách là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Cách tiếp cận mới này của Bộ luật Dân sự năm 2015 phù hợp với bản chất “bảo đảm thực hiện nghĩa vụ” của biện pháp bảo lưu quyền sở hữu

Bảo lưu quyền sở hữu được quy định tại Điều 461 Bộ luật Dân sự năm 2005 với tư cách là một thỏa thuận (một nội dung) trong hợp đồng mua trả chậm, trả dần. Đến Bộ luật Dân sự năm 2015, bảo lưu quyền sở hữu trong hợp đồng mua bán được tiếp cận với tư cách là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Cách tiếp cận mới này của Bộ luật Dân sự năm 2015 phù hợp với bản chất “bảo đảm thực hiện nghĩa vụ” của biện pháp bảo lưu quyền sở hữu. Nó cho thấy sự tiệm cận gần hơn với thông lệ quốc tế về biện pháp bảo đảm của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Luật sư tư vấn pháp luật dân sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật dân sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Lý luận chung về bảo lưu quyền sở hữu.


- Khái niệm

Bảo lưu là “Giữ lại ý kiến riêng của mình khác với ý kiến của đa số nghị quyết để tiếp tục làm sang tỏ sự đúng, sai trong những lần sau.Bảo lưu là cách tránh sự áp đặt ý kiến vẫn phải phục tùng tuyệt đối và hành động theo quyết định của tập thể và không được chống lại”.

Quyền sở hữu là quyền dân sự, “bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật”.

Trong Bộ luật dân sự 2005 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được đề cập đến trong điều 461 Mua trả chậm, trả dần như một trường hợp riêng của hợp đồng mua bán tài sản, dạng hợp đồng này được giao kết với điều kiện trì hoãn, bảo lưu quyền sở hữu của các bên đối với tài sản đã bán.

Đến Bộ luật dân sự 2015, Bảo lưu quyền sở hữu được định tại điều 331, là một biện pháp bảo đảm. Theo đó, Điều 331 quy định “trong hợp đồng mua bán, quyền sở hữu tài sản có thể được bên bán bảo lưu cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ”. Như vậy, có thể đưa ra định nghĩa vè bảo lưu quyền sở hữu như sau: bảo lưu quyền sở hữu là quy định bảo đảm quyền lợi của bên bán trong quan hệ hợp đồng mua bán. Theo đó, trong hợp đồng mua bán quyền sở hữu tài sản có thể được bên bán bảo lưu cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ.

Với quy định mới tại Điều 331 Bộ luật dân sự 2015 về Bảo lưu quyền sở hữu, khi xác lập quan hệ mua bán, mặc dù các bên đã thực hiện nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua, bên mua đã nhận vật nhưng quyền sở hữu vật vẫn thuộc về bên bán. Chỉ khi bên mua thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán thì bên bán mới thực hiện các thủ tục để chuyển quyền sở hữu cho bên mua. Nếu bên mua không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán thì bên bán vẫn có quyền sở hữu tài sản. Việc quy định biện pháp bảo đảm bảo lưu quyền sở hữu giúp cho bên mua khi nhận được tài sản phải sử dụng tài sản đó một cách hiệu quả và có trách nhiệm thanh toán tiền cho bên bán khi đến hạn. Còn bên bán được đảm bảo quyền lợi được thanh toán đầy đủ giá trị tài sản khi giao tài sản cho bên mua.

- Đặc điểm

  • Bên mua đã nhận vật nhưng quyền sở hữu vật vẫn thuộc bên bán. Lúc này việc mua bán vẫn chưa làm phát sinh quyền sở hữu với người mua mà chỉ xảy ra khi bên mua đã đồng ý lấy vật và thực hiện xong nghĩa vụ.
  • Khi nhận được tài sản mua bán và có quyền đưa tài sản vào khai thác công dụng, còn bên bán vẫn được sở hữu tài sản.
  • Khác với các biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ khác (cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký cược, kỹ quỹ, bảo lãnh, tín chấp, cầm giữ) bên nhận vật lại là bên có nghĩa vụ phải thực hiện công việc, hành vi nào đó.
Việc quy định vấn đề bảo lưu quyền sở hữu nhằm giúp cho bên mua khi nhận được tài sản họ phải sử dụng tài sản một cách có hiệu quả, có ý thức bảo vệ tài sản và có trách nhiệm thanh toán tiền cho bên bán khi đến hạn. Còn bên bán được quyền ưu tiên thanh toán khi mà bên mua có rủi ro, đảm bảo quyền lợi cho bên bán có thể nhận được đầy đủ giá trị tài sản khi giao tài sản cho bên mua.

Quy định về biện pháp bảo lưu quyền sở hữu.


- Hình thức của bảo lưu quyền sở hữu:

Biện pháp bảo lưu quyền sở hữu khác với các biện pháp bảo đảm khác như: cầm cố, thế chấp, đặt cọc, kỹ quỹ, ký cược, bên bảo đảm phải giao cho bên nhận bảo đảm tài sản bảo đảm để bảo đảm nghĩa vụ được thực hiện, còn trong biện pháp bảo lưu quyền sở hữu, bên nhận vật lại là bên có nghĩa vụ phải thực hiện. Biện pháp bảo lưu quyền sở hữu chỉ được áp dụng trong hợp đồng mua bán. Theo quy định tại khoản 2 Điều 331 Bộ luật dân sự 2015 thì “bảo lưu quyền sở hữu phải được lập thành văn bản riêng hoặc được ghi nhận trong hợp đồng mua bán” vì thế hình thức bảo lưu quyền sở hữu phải được lập thành văn bản riêng có ghi nhận điều khoản bảo lưu quyền sở hữu hoặc được ghi nhận là điều khoản trong hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, ở điểm này, luật chưa rõ ràng hợp đồng mua bán trong trường hợp này có bắt buộc phải bằng văn bản không? Trong khi nếu là một thỏa thuận riêng thì buộc phải bằng văn bản còn nếu nằm trong hợp đồng mua bán thì không bắt buộc phải bằng văn bản.

- Hiệu lực đối kháng đối với người thứ ba:

Bảo lưu quyền sở hữu có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký tài sản theo quy định tại khoản 3, Điều 331 Bộ luật dân sự 2015. Trên thực tế, có thể có bên thứ ba có quyền lợi liên quan đến đối tượng của hợp đồng mua bán khi tài sản này đã được chuyển giao cho bên mua. Như vậy, bên bán phải lưu ý để là bên có quyền lợi đối với tài sản bảo đảm thì phải tiến hành đăng ký tài sản bảo đảm là đối tượng của hợp đồng mua bán này.

-Quyền đòi lại tài sản:

Trường hợp bên mua không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho bên bán theo thỏa thuận, theo quy định tại Điều 322 Bộ luật dân sự 2015 thì bên bán có quyền đòi lại tài sản. Bên bán hoàn trả cho bên mua số tiền bên mua đã thanh toán sau khi trừ giá trị hao mòn do sử dụng. Trường hợp bên mua làm mất, hư hỏng tài sản thì bên bán có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong bảo lưu quyền sở hữu, mặc dù tài sản là đối tượng của hợp đồng mua bán đã chuyển giao cho bên mua nhưng quyền sở hữu vẫn chưa được chuyển giao mà bên bán vẫn có quyền “bảo lưu” cho đến khi bên mua thanh toán tiền. Trường hợp bên mua không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán thì bên bán có quyền đòi lại tài sản đã bán, tức là vẫn giữ nguyên quyền sở hữu tài sản của mình. Trong trường hợp này, bên bán phải hoàn trả cho bên mua số tiền hàng đã thanh toán sau khi trừ giá trị hao mòn tài sản do sử dụng. Nếu tài sản đã bị bên mua làm mất, hư hỏng thì bên bán có quyền yêu cầu bên mua bồi thường toàn bộ thiệt hại phát sinh. Như vậy, trong biện pháp bảo đảm bằng bảo lưu quyền sở hữu của bên bán đối với tài sản là đối tượng mua bán để đảm bảo cho người bán được hàng và thu được số tiền hàng mà bên mua phải trả. Đối với bên bảo đảm là bên mua, biện pháp bảo lưu quyền sở hữu khiến cho bên mua chưa phải là chủ sở hữu tài sản nhưng vẫn có quyền chiếm hữu, sử dụng khai thác tài sản đó.

- Về quyền và nghĩa vụ của bên mua tài sản:

Tại Điều 333 Bộ luật dân sự quy định bên mua tài sản có quyền “Sử dụng tài sản và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu có hiệu lực; chịu rủi ro về tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác” Quy định này cho thấy bên mua tài sản là bên bảo đảm trong giao dịch bảo đảm bảo lưu quyền sở hữu tài sàn. Khi nhận được tài sản mua bán, bên mua tài sản có quyền sử dụng tài sản và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu có hiệu lực. Nếu việc khai thác, sử dụng tài sản mua bán làm hư hỏng, mất tài sản thì trong trường hợp bên mua không thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ thanh toán thì bên mua phải chịu rủi ro trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu. Bên mua phải có nghĩa vụ phải bồi thường các thiệt hại nếu xảy ra thiệt hại đối với tài sản mua bán, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận là bên mua sẽ không phải chịu trách nhiệm đối với những rủi ro về tài sản mua bán đó.

- Chấm dứt bảo lưu quyền sở hữu:

Biện pháp bảo đảm bảo lưu quyền sở hữu chấm dứt trong trường hợp nghĩa vụ thanh toán được bên bán thực hiện xong được quy định tại Điều 334 Bộ luật dân sự 2015. Trong trường hợp này nghĩa vụ bảo đảm đã được thực hiện nên biện pháp bảo đảm chấm dứt. Ngoài ra, bên bán nhận lại tài sản bảo lưu quyền sở hữu là trường hợp bên mua không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ nên bên bán với tư cách là bên nhận bảo đảm đã nhận lại tài sản để bảo đảm quyền lợi của mình mà không chuyển giao quyền sở hữu cho bên mua. Đây là trường hợp nghĩa vụ bảo đảm không được thực hiện. Do đó, bên nhận bảo đảm có quyền nhận lại chính tài sản là đối tượng của hợp đồng mua bán. Biện pháp bảo đảm bảo lưu quyền sở hữu cũng chấm dứt khi bên mua nhận lại tài sản bảo đảm và biện pháp bảo đảm quyền sở hữu cũng chấm dứt khi các bên thỏa thuận.

Đánh giá quy định của pháp luật về bảo lưu quyền sở hữu.


Bảo lưu quyền sở hữu được quy định tại Điều 461 Bộ luật Dân sự năm 2005 với tư cách là một thỏa thuận (một nội dung) trong hợp đồng mua trả chậm, trả dần. Đến Bộ luật Dân sự năm 2015, bảo lưu quyền sở hữu trong hợp đồng mua bán được tiếp cận với tư cách là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Cách tiếp cận mới này của Bộ luật Dân sự năm 2015 phù hợp với bản chất “bảo đảm thực hiện nghĩa vụ” của biện pháp bảo lưu quyền sở hữu.

Vậy việc bổ sung biện pháp bảo đảm này tuy không mới nhưng cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý cho các bên tham gia vào giao dịch dân sự có nhiều phương án để lựa chọn biện pháp bảo đảm, đảm bảo được tính linh hoạt cho quá trình ký kết, tham gia, thực hiện hợp đồng dân sự của các chủ thể, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước.

Luật gia Hồ Nguyên Hồng - Phòng tư vấn pháp luật của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, tổng hợp.


Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].