Mức lương hưu 1.300.000 đồng/tháng (năm 2017) của giáo viên mầm non thoạt nhìn thì có vẻ bất thường nhưng nhìn tổng thể thì thấy rằng điều này là bình thường.
Dư luận xã hội năm 2017 đã "dậy sóng" trước câu chuyện của cô giáo mầm non Trương Thị Lan về hưu chỉ được hưởng mức lương 1.300.000 đồng/tháng, trong khi mức lương tối thiểu vùng thấp nhất hiện nay là 2.580.000 đồng/tháng.
Đáng chú ý, cô giáo Trương Thị Lan không phải là trường hợp duy nhất nhận mức lương hưu bèo bọt như trên. Sau khi câu chuyện của cô giáo Lan được đăng tải trên các phương tiện truyền thông thì sự thật về mức lương hưu bèo bọt của nhiều cô giáo mầm non ở các tỉnh thành khác cũng dần được hé lộ.
Và mới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố thống kê cho thấy, năm 2017 có tới hơn 3.000 người lao động nhận mức lương hưu dưới 1,3 triệu đồng/tháng.
Dưới góc độ pháp lý, nhiều chuyên gia luật cho rằng: Trường hợp mức lương hưu 1.300.000 đồng/tháng rất thấp của giáo viên mầm non thoạt nhìn thì có vẻ bất thường nhưng nhìn tổng thể của hệ thống tiền lương và biên chế hiện nay thì thấy rằng điều này là hoàn toàn bình thường.
Cơ quan BHXH đã tính đúng lương của cô giáo mầm non về hưu.
Luật sư Nguyễn Thị Yến - Công ty Luật TNHH Everest: khoản 1 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định mức lương hưu hằng tháng "Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%".
Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 47/2017/NĐ-CP ngày 24/04/2017 quy định về mức lương cơ sở như sau: "Từ ngày 01 tháng 7 năm 2017, mức lương cơ sở là 1.300.000 đồng/tháng".
Theo quy định tại Nghị định số 55/2016/NĐ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian làm việc trước năm 1995 và Thông tư số 23/2016/TT-BLĐTBXH ngày 15/7/2016 của BLĐTBXH hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng theo Nghị định số 55/2016/NĐ-CP: thì giáo viên mầm non có thời gian làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non trước ngày 01/01/1995 và đang hưởng lương hưu, nếu mức lương hưu sau khi đã được điều chỉnh theo quy định tại Điều 2 và Điều 3 Thông tư số 23/2016/TT-BLĐTBXH này mà vẫn thấp hơn mức lương cơ sở thì được điều chỉnh bằng mức lương cơ sở.
Cụ thể, theo quy định của pháp luật 15 năm đầu đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng 45%, sau đó thêm một năm được tính bằng 3% đối với nữ. Trường hợp cô Trương Thị Lan có 22 năm 8 tháng đóng bảo hiểm xã hội, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng là 69%. Như vậy,
Mức lương hưu của cô Lan: 1.829.218 đồng x 69% = 1.262.158 đồng.
Lương hưu phụ thuộc vào mức đóng bảo hiểm xã hội và thời gian đóng. Do chưa đủ số năm công tác để hưởng lương hưu mức tối đa, bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội thấp nên lương hưu của cô Trương Thị Lan chỉ là 1.262.000 đồng và được bù thêm 37.000 đồng để bằng mức lương cơ sở là 1.300.000 đồng/tháng.
Với viện dẫn và phân tích trên, luật sư Yến cho rằng, trường hợp cơ quan Bảo hiểm xã hội ra quyết định trả mức lương hưu cho cô giáo mầm non Trương Thị Lan là đúng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Lương hưu giáo viên mầm non thấp: Bất thường nhưng bình thường!
Đây là nhận định của luật sư Nguyễn Thị Yến (Công ty Luật TNHH Everest) về trường hợp rất cụ thể là cô Trương Thị Lan và đối với một người đã công tác mấy chục năm trong sự nghiệp trồng người. Do đó, khi được nêu lên tạo ra một sự quan tâm lớn của dư luận xã hội.
Luật sư Nguyễn Thị Yến người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức) thì chúng ta có thể thấy trường hợp của cô Trương Thị Lan là hết sức bình thường.
Ví dụ: Cán bộ công an xã (không có trình độ cao đẳng, đại học) hưởng mức mức phụ cấp có hệ số tối thiểu (1,0), tức là 1,3 triệu đồng/người/tháng). Thử hỏi, với mức lương thấp như vậy cộng thêm thời gian mà họ làm nhưng không được tham gia bảo hiểm xã hội thì khi nghỉ hưu, mức lương hưu họ được hưởng cũng chỉ tương đương với mức lương của cô Trương Thị Lan.
"Chúng ta có thể hình dung được là với mức lương và chế độ như vậy thì những cán bộ, công chức, viên chức có thể đảm bảo cuộc sống được không, có thể yên tâm để cống hiến cho xã hội được không?" - Luật sư Nguyễn Thị Yến.
Luật sư Nguyễn Thị Yến phân tích thêm: "trường hợp theo Luật Bảo hiểm xã hội mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở. Ví dụ: bố, mẹ không may qua đời, thân nhân là con chưa thành niên được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng bằng 50% mức lương cơ sở, tức là 650.000 đồng/tháng. Thử hỏi cuộc sống của những người con chưa thành niên như vậy có được đảm bảo không?"Muốn giải quyết tổng thể được vấn đề này thì phải đặt trong một bài toán cải cách toàn diện về tinh giản biên chế mà hàng chục năm qua vẫn chỉ là chủ trương".
Luật sư Nguyễn Thị Yến cho biết, theo quy định của pháp luật, trước đây có quy định hai loại lương: Một là lương tối thiểu chung áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức; hai là lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động có hợp đồng lao đông (sau đây gọi chung là người lao động).
Còn theo quy định của pháp luật hiện nay thì mức lương tối thiểu chung áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức gọi là lương cơ sở, mức lương cơ sở được pháp luật quy định những năm gần đây cụ thể như sau: Thời điểm 01/01/2008 là 540.000 đồng/tháng đến thời điểm 01/05/2016 là 1.210.000 đồng/tháng; thời điểm từ 01/07/2017 đến nay là 1.300.000 đồng/tháng.
Như vậy, mức lương cơ sở được tăng qua các thời kỳ là không đáng kể và gần mười năm mới tăng lên gấp đôi, với mức tăng như vậy thì mười năm nữa mức lương cơ sở mới ở mức 2.600.000 đồng/tháng.
"Với mức lương hiện nay, lương của người có trình độ đại học với hệ số lương 2.34 thì sẽ được hưởng mức lương là 3.042.000 đồng/tháng, tức là mức lương này thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu vùng hiện nay của người lao động.
Phải nói thêm rằng, khi nhà điều chỉnh lương cơ sở tăng lên đều ảnh hưởng lớn đến kế hoạch về ngân sách của nhà nước. Ví dụ, lương từ 1,3 triệu đồng nâng lên 1,8 triệu đồng, với hơn 2 triệu người hưởng, mỗi năm ngân sách sẽ phải chi thêm 12.000 tỷ đồng.
Chưa kể sẽ phải điều chỉnh lương hưu cho gần 2 triệu người - khoản tiền khổng lồ mà quỹ bảo hiểm xã hội phải gánh. Một trong những cách để giải quyết vấn đề này là giảm bớt bộ máy hành chính.
Giảm số lượng biên chế nhưng tổng quỹ lương không thay đổi thì mức lương cơ sở sẽ tăng lên. Cách làm này giữ được nguồn nhân lực tốt và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được cải thiện" - Luật sư Nguyễn Thị Yến.
Cô Trương Thị Lan, nguyên giáo viên trường Mầm non Lê Duẩn, hưởng lương hưu 1,3 triệu đồng mỗi tháng khi nghỉ hưu. Cô Trương Thị Lan có 37 năm công tác, tuy nhiên cô Lan mới có 22 năm 8 tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Trong đó 17 năm là giáo viên hợp đồng, truy đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm ở mức thấp nhất (chỉ từ 120.000 đến 830.000 đồng); 4 năm 8 tháng được tuyển dụng biên chế, đóng bảo hiểm xã hội trên mức lương 3.700.000 đồng đến 4.400.000 đồng.
Bình quân mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của cô Lan là 1.829.218 đồng/tháng. |
Bình luận