-->

Từ Apple, nghĩ về chuyện bảo hộ thương hiệu ở Việt Nam

Thương hiệu (nhãn hiệu sản phẩm, dịch vụ) là tài sản sở hữu trí tuệ (SHTT) quan trọng nhất của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường, giá trị có thể lên đến hàng tỉ đô la Mỹ và phải trải qua quá trình đầu tư, gồm cả tiền bạc và thời gian, mới có được.

Việc tùy tiện xâm hại quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) của người khác không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh và động lực sáng tạo của con người.


Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 qua tổng đài: 19006198
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 qua tổng đài: 19006198


Thứ nhất, giá trị và tầm ảnh hưởng của quyền SHTT ngày càng lớn

Tháng 3-2017 đại diện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của hãng công nghệ nổi tiếng Apple gửi văn bản, yêu cầu các cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam đang sử dụng biểu tượng quả táo hay các nhãn hiệu (chữ) như Apple, iPhone, iPad, Macbook... của hãng này phải gỡ bỏ chúng ra khỏi biển quảng cáo (và ra khỏi các hình thức thể hiện khác) không phải là chuyện bất ngờ hay cá biệt.

Nhiều năm trước, những tên tuổi như Adidas hay Microsoft... cũng đã làm giống Apple, thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Từng có trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm hàng giả, hàng nhái theo những nhãn hiệu nổi tiếng.

Nói chung, trong nền kinh tế thị trường chắc chắn luôn tồn tại yếu tố cạnh tranh, nên việc bảo hộ quyền SHTT, chống cạnh tranh không lành mạnh... luôn cần được pháp luật quy định chặt chẽ, và các chủ thể kinh doanh bắt buộc phải tôn trọng.

Chúng ta từng biết những năm gần đây đã có những vụ kiện đòi bồi thường hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đô la Mỹ liên quan đến chuyện “chôm trộm” bản quyền, kiểu dáng hay bí quyết công nghệ, kỹ thuật giữa các “ông lớn” trên thế giới, tại những quốc gia có nền kinh tế, khoa học công nghệ phát triển như Mỹ, châu Âu... - điều đó cho thấy vai trò và giá trị của sản phẩm trí tuệ, thương hiệu và quyền SHTT ngày càng quan trọng và cao.

Câu chuyện của Apple không chỉ là luật pháp quốc tế, mà thực ra Luật SHTT Việt Nam từ lâu đã quy định người nào có hành vi xâm hại đối tượng SHTT của người khác, như tự ý sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự, thì chủ sở hữu bị xâm hại có quyền yêu cầu cơ quan chức năng xử lý, buộc chấm dứt hành vi. Về mặt dân sự, có thể kiện ra tòa án đòi bồi thường thiệt hại.

Thế nên, yêu cầu của Apple, đối với những nhãn hiệu, biểu tượng mà họ đã đăng ký và được bảo hộ tại Việt Nam là điều hoàn toàn dễ hiểu và hợp lý, là biện pháp cần thiết để “dẹp loạn”, bảo vệ uy tín nhãn hiệu, quyền kinh doanh hợp pháp của mình.

Thứ hai, Việt Nam xử lý vi phạm quyền SHTT còn nhẹ và đang bị xem nhẹ

Tại Việt Nam, hành vi xâm hại quyền SHTT, nếu ở mức độ nghiêm trọng, có quy mô thương mại lớn, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 171 Bộ luật Hình sự (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp), với khung hình phạt cao nhất (áp dụng cho trường hợp phạm tội có tổ chức) là ba năm tù.

Với mức hình phạt như vậy, nếu so với hành vi trộm cắp tài sản chẳng hạn, quy định trộm cắp 200 triệu đồng có thể bị phạt bảy năm tù, 500 triệu đồng có thể bị phạt tù chung thân, cho thấy, theo quan điểm của tôi, mặc dù tính chất nghiêm trọng và bản chất không khác nhau là bao, nhưng hành vi vi phạm pháp luật trong SHTT đã và đang được Nhà nước Việt Nam xác định và xử lý rất nhẹ, so với hành vi trộm cắp tài sản. Có lẽ chính vì vậy, mà “nạn” xâm hại nhãn hiệu, quyền SHTT mới có đất sống, đã và đang tồn tại một cách ngang nhiên.

Chúng ta có thể dễ dàng thấy điều này, khi đi trên đường phố. Rất nhiều cửa hàng vẽ, sử dụng trên biển hiệu của mình những logo, nhãn hiệu nổi tiếng nhất một cách vô tội vạ, thậm chí bôi bác! Chẳng hạn như đôi dép xốp cũng có thể vẽ hình trái táo của Apple lên (tất nhiên là trái phép).

Cuối năm 2015, tôi có tham dự một buổi tọa đàm, trao đổi thông tin về quá trình đàm phán tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương của Việt Nam. Diễn giả là một lãnh đạo thuộc Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cho biết vấn đề bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) là một “thách thức” cho phía Việt Nam. Trong khi nhiều đối tác (như Mỹ) có luật và đề nghị xử lý hình sự hành vi xâm hại quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT), thì phía Việt Nam tuy cũng có luật nhưng lâu nay nặng về xử lý hành chính, do các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện.

Chính điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn nặng về tư duy mang tính “bao cấp”, ôm đồm... mà chưa đánh giá đúng tầm mức nghiêm trọng của hành vi xâm hại quyền SHTT theo khuôn khổ và nhận thức chung của các nước kinh tế thị trường.

Có ý kiến cho rằng những nước có nền kinh tế thị trường phát triển ở tầm mức thấp như Việt Nam, trong khi thu nhập thấp, sức mua và dân số quá lớn, thì không thể đòi hỏi theo những chuẩn mực cao hay xử lý quá nghiêm. Tôi cho rằng đây chỉ là một cách hiểu mang tính bao biện, thậm chí hợp thức hóa cho hành vi sai phạm.

Quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) nói một cách nôm na, là quyền được sử dụng, định đoạt và khai thác kinh doanh những sản phẩm là kết quả từ sự sáng tạo trí não của con người. Nếu quyền SHTT không được tôn trọng và bảo hộ hiệu quả, có thể bị người khác “ăn cắp” và khai thác kinh doanh một cách dễ dàng, thậm chí công nhiên trắng trợn... thì rõ ràng chẳng ai, chẳng doanh nghiệp nào muốn động não, đầu tư tiền bạc, công sức để nghiên cứu, cải tiến, làm ra sản phẩm mới làm gì nữa. Động lực sáng tạo mà thui chột, thì lấy đâu cho sự phát triển của khoa học kỹ thuật, của nền kinh tế, xã hội loài người. Đó là chưa kể còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển lành mạnh và uy tín của nền kinh tế đất nước.

Luật gia Lê Hồng Sơn - Phòng Sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài 1900 6198,tổng hợp

Khuyến nghị:

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại, mà chỉ sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học, hoặc phổ biến kiến thức pháp luật;
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi đây có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected], [email protected]