Quyền cơ bản của thương nhân

Thương nhân bao gồm hai quyền cơ bản là quyền tự do kinh doanh và quyền bình đẳng trong hoạt động thương mại của thương nhân. Bài viết sẽ phân tích cụ thể về vấn đề này.

I- QUYỀN CƠ BẢN CỦA THƯƠNG NHÂN

1- Quyền tự do kinh doanh

Quyền tự do kinh doanh là một bộ phận hợp thành trong hệ thống các quyền tự do của công dân. Cùng với việc ghi nhận về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong chương 2 Hiến pháp năm 2013 (từ Điều 14 đến Điều 49), Điều 33 Hiến pháp ghi nhận: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Cụ thể hoá Hiến pháp, khoản 1 Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: doanh nghiệp có quyền “Tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm”. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 6 Luật Thương mại năm 2005 cũng quy định: “Thương nhân có quyền hoạt động thương mại trong các ngành nghề, tại các địa bàn, dưới các hình thức và theo các phương thức mà pháp luật không cấm”. Như vậy, ở đây quyền tự do kinh doanh của thương nhân được tiếp cận dưới góc độ quyền chủ thể.
Dưới góc độ quyền chủ thể, quyền tự do kinh doanh của thương nhân được hiểu là thương nhân được thực hiện các hoạt động thương mại mà pháp luật không cấm.
Thương nhân có quyền tự do kinh doanh, nhưng không có nghĩa là tự do kinh doanh vô chính phủ, vô tổ chức mà phải kinh doanh trong khuôn khổ của pháp luật, tôn trọng quyền tự do kinh doanh của thương nhân khác. Tự do kinh doanh trong khuôn khổ của pháp luật có nghĩa là ngoài việc chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh mà pháp luật không cấm, khi thực hiện quyền tự do kinh doanh, thương nhân phải tuân thủ những điều kiện pháp luật quy định hoặc phải có một số nghĩa vụ tương ứng.
Nội dung của quyền tự do kinh doanh của thương nhân gồm:
(i) Tự do thành lập doanh nghiệp;
(ii) Tự do lựa chọn ngành nghề và quy mô kinh doanh;
(iii) Tự do lựa chọn khách hàng và trực tiếp giao dịch với khách hàng;
(iv) Tự do lựa chọn lao động theo nhu cầu kinh doanh;
(v) Tự do lựa chọn hình thức, cách thức giải quyết tranh chấp;
(vi) Các quyền tự do khác mà pháp luật không cấm.
Quyền tự do kinh doanh
Quyền tự do kinh doanh

2- Quyền bình đẳng trong hoạt động thương mại của thương nhân

Tương tự quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng của công dân nói chung và của thương nhân nói riêng được pháp luật hiện hành ghi nhận trong Hiến pháp cũng như các văn bản luật. Cụ thể: (i) Điều 16 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội; (ii) Điều 10 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật trong hoạt động thương mại”; Theo tinh thần của các quy định pháp luật về quyền bình đẳng của thương nhân, để đảm bảo cho thương nhân thực hiện quyền tự do kinh doanh, Nhà nước thừa nhận sự bình đẳng giữa các thương nhân (doanh nghiệp) đồng thời bảo đảm quyền bình đẳng giữa các thương nhân (doanh nghiệp).
Trong quá trình hoạt động của mình, thương nhân sẽ tham gia vào các quan hệ trao đổi, mua bán trên thị trường. Các quan hệ này nảy sinh không chỉ giữa các thương nhân (doanh nghiệp) trong một thành phần kinh tế mà cả giữa các thương nhân (doanh nghiệp) thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Các quan hệ đó có tính chất vừa hợp tác với nhau, vừa cạnh tranh lẫn nhau. Sự hợp tác và cạnh tranh đó chỉ có thể phát triển một cách lành mạnh trong điều kiện các thương nhân (doanh nghiệp) đều bình đẳng với nhau trước pháp luật.
Quyền bình đẳng trước pháp luật được hiểu là các thương nhân (doanh nghiệp) thuộc tất cả các thành phần kinh tế, trong cùng điều kiện, hoàn cảnh như nhau, có quyền và nghĩa vụ như nhau.
xét trong một mối quan hệ hợp đồng song vụ cụ thể. Xét trong một mối quan hệ hợp đồng song vụ cụ thể, quyền bình đẳng của các thương nhân tham gia quan hệ đó được hiểu là quyền của thương nhân này sẽ được đảm bảo bằng nghĩa vụ tương ứng của phía bên kia và ngược lại.
Nội dung quyền bình đẳng giữa các thương nhân (doanh nghiệp) là phạm vi hoạt động của thương nhân cần được đối xử bình đẳng. Nội dung này được thể chế hoá trong các quy định pháp luật và khi nội dung của quyền này được quy định bằng pháp luật sẽ tạo cơ sở cho các chủ thể xã hội ứng xử thống nhất. Là một quyền chủ thể của thương nhân (doanh nghiệp) quyền bình đẳng giữa các thương nhân (doanh nghiệp) đòi hỏi bình đẳng trong suốt thời gian tồn tại của nó, từ khi thành lập, đi vào hoạt động thương mại (kinh doanh) và khi giải thể, phá sản doanh nghiệp/thương nhân.
Quyền bình đẳng trong hoạt động thương mại của thương nhân
Quyền bình đẳng trong hoạt động thương mại của thương nhân

[a] Quyền bình đẳng của thương nhân (doanh nghiệp) trong đăng ký thành lập doanh nghiệp
Sự bình đẳng trước pháp luật giữa thương nhân (doanh nghiệp) với nhau trước hết thể hiện ngay trong việc đăng ký doanh nghiệp. Các thương nhân (doanh nghiệp) muốn thành lập đều phải theo những điều kiện chung, những thủ tục pháp luật quy định về việc thành lập và đăng ký doanh nghiệp.
Đăng ký doanh nghiệp là quan hệ hành chính giữa cơ quan quản lý nhà nước (cơ quan đăng ký kinh doanh) với thương nhân (doanh nghiệp). Do đó, để có sự bình đẳng giữa các thương nhân (doanh nghiệp) đòi hỏi các quy định của Nhà nước về điều kiện kinh doanh, thủ tục đăng ký doanh nghiệp phải có căn cứ khoa học xác đáng và đảm bảo tính nguyên tắc, thống nhất thực thi. Cán bộ, công chức đại diện cho cơ quan nhà nước thực thi đăng ký doanh nghiệp có những nghĩa vụ và quyền hạn nhất định, phải sử dụng quyền và thực hiện trách nhiệm của mình một cách công bằng, bình đẳng theo tiêu chuẩn đạo đức công vụ.

[b] Quyền bình đẳng giữa các thương nhân (doanh nghiệp) trong hoạt động kinh doanh
Quyền bình đẳng giữa các thương nhân (doanh nghiệp) trong hoạt động kinh doanh là bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, trong ký kết hợp đồng lao động, hợp đồng thương mại, trong cạnh tranh và giải quyết các tranh chấp của doanh nghiệp, trong thực hiện các nghĩa vụ thuế, đền bù thiệt hại và thực hiện trách nhiệm xã hội.
Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp đương nhiên phải quan hệ với nhau. Song các mối quan hệ đó đều xuất phát từ sự tự nguyện của các bên. Hợp đồng ký kết giữa các doanh nghiệp phải tuân thủ nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và các bên cùng có lợi. Trong quan hệ hợp đồng, không bên nào có quyền yêu cầu bên kia phải thực hiện những quyền và nghĩa vụ không phù hợp với ý chí và lợi ích của họ. Nếu xảy ra tranh chấp, các bên đều có thể trở thành nguyên đơn hoặc bị đơn trong quá trình tố tụng.
Các doanh nghiệp có quyền bình đẳng trước pháp luật còn có nghĩa là các doanh nghiệp đều phải có nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước thông qua việc đóng thuế. Hiện nay, Nhà nước ta đang sử dụng thuế như là một công cụ điều tiết nền kinh tế, khuyến khích phát triển một số ngành nghề nhất định, đồng thời hạn chế sự phát triển một số ngành nghề khác cho nên tùy từng lĩnh vực kinh doanh cũng như quy mô của chúng mà mức đóng góp có khác nhau. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mức đóng góp khác nhau này không có nghĩa là các doanh nghiệp quốc doanh đóng góp khác, các doanh nghiệp dân doanh đóng góp khác mà có nghĩa là các doanh nghiệp trong ngành, nghề này sẽ đóng góp khác với các doanh nghiệp trong các ngành, nghề khác dù là doanh nghiệp quốc doanh hay dân doanh. Chính sự đóng góp khác nhau đó cũng là một điều kiện tạo nên sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
[c] Quyền bình đẳng của thương nhân (doanh nghiệp) trong việc giải thể, phá sản
Bình đẳng trong giải thể, phá sản doanh nghiệp là mọi doanh nghiệp, không phân biệt sở hữu hay hình thức tổ chức đều có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố phá sản khi đủ điều kiện, hay đăng kí giải thể doanh nghiệp một cách tự nguyện hoặc đều bị buộc phải thực hiện giải thể, phá sản doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Để mọi doanh nghiệp có quyền bình đẳng trong giải thể, phá sản, pháp luật cần quy định thống nhất về điều kiện giải thể, phá sản, thủ tục giải quyết yêu cầu giải thể, phá sản, thủ tục phân chia tài sản và các vấn đề liên quan khác. Quyền bình đẳng của thương nhân (doanh nghiệp) trong giải thể, phá sản chỉ có thể được bảo đảm khi không tồn tại bất kỳ quy định ngoại lệ nào và các cơ quan thực thi thực hiện một cách nghiêm túc, triệt để pháp luật về giải thể, phá sản doanh nghiệp.
Bên cạnh việc ghi nhận những quyền cơ bản của thương nhân (doanh nghiệp), pháp luật hiện hành còn quy định những quyền và nghĩa vụ cụ thể của thương nhân (doanh nghiệp).
Q
Quyền bình đẳng trong hoạt động thương mại của thương nhân

II- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Quyền cơ bản của thương nhân được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Quyền cơ bản của thương nhân có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: [email protected].