Quan hệ pháp luật tố tụng dân sự là một dạng cụ thể của quan hệ pháp luật. Bài viết sẽ phân tích về đặc điểm của quan hệ pháp luật này.
[a] Khái niệm quan hệ pháp luật tố tụng dân sự
Việc giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự làm nảy sinh nhiều quan hệ khác nhau giữa tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự, đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, người định giá tài sản và những người liên quan. Các quan hệ này phát sinh trong tố tụng dân sự - từ khi người khởi kiện nộp đơn khởi kiện đến khi thi hành xong bản án, quyết định của toà án. Các chủ thể tham gia vào các quan hệ này với những động cơ, mục đích nhất định nhưng nhận thức của họ rất khác nhau dẫn đến cách xử sự của họ có thể khác nhau. Để bảo đảm việc giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự nhanh chóng và đúng đắn, luật tố tụng dân sự đã tác động lên các quan hệ này bằng việc quy định quyền, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia các quan hệ đó, tức là điều chỉnh nó. Theo lý luận Mác-Lênin về nhà nước và pháp luật thì quan hệ pháp luật là hình thức pháp lý của các quan hệ xã hội. Do vậy, các quan hệ phát sinh trong tố tụng dân sự nói trên là quan hệ pháp luật tố tụng dân sự. Quan hệ pháp luật tố tụng dân sự là quan hệ giữa tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự, đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, người định giá tài sản và những người liên quan phát sinh trong tố tụng dân sự và được các quy phạm pháp luật tố tụng dân sự điều chỉnh.
Quan hệ pháp luật tố tụng dân sự là một dạng cụ thể của quan hệ pháp luật. Tuy vậy, tính đa dạng và phong phú của các quan hệ phát sinh trong tố tụng dân sự đã dẫn đến sự đa dạng và phong phú của các quan hệ pháp luật tố tụng dân sự. Như tất cả các quan hệ pháp luật khác, các quan hệ pháp luật tố tụng dân sự đều được hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở nền kinh tế xã hội.
[b] Đặc điểm của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự
Là một dạng cụ thể của quan hệ pháp luật, quan hệ pháp luật tố tụng dân sự mang đầy đủ các đặc điểm của quan hệ pháp luật là quan hệ có ý chí, xuất hiện trên cơ sở các quy phạm pháp luật, nội dung được cấu thành bởi quyền và nghĩa vụ pháp lý mà việc thực hiện được bảo đảm bằng sự cưỡng chế nhà nước. Tuy vậy, do quan hệ pháp luật tố tụng dân sự cụ thể là quan hệ nảy sinh giữa các chủ thể nhất định có quyền và nghĩa vụ pháp lý nên ngoài những đặc điểm chung của quan hệ pháp luật xã hội chủ nghĩa, quan hệ pháp luật tố tụng dân sự còn có những đặc điểm riêng sau:
(i) Toà án thường là một bên của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự. Toà án là chủ thể đặc biệt duy nhất được thực hiện quyền lực của Nhà nước để giải quyết vụ việc dân sự, có quyền ra các quyết định buộc các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan phải thi hành. Đe thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình toà án tham gia vào hầu hết các quan hệ nảy sinh trong tố tụng nên trở thành chủ thể chủ yếu của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự
(ii) Các quan hệ pháp luật tố tụng dân sự phát sinh trong tố tụng và do luật tố tụng dân sự điều chỉnh. Việc giải quyết vụ việc dân sự làm phát sinh các quan hệ khác nhau giữa những cơ quan, tổ chức và những người tham gia vào quá trình đó. Các quan hệ này được các quy phạm pháp luật tố tụng dân sự điều chỉnh nên trở thành quan hệ pháp luật tố tụng dân sự. Tuy vậy, đối với những quan hệ phát sinh ngoài tố tụng thì không thuộc đối tượng điều chỉnh của luật tố tụng dân sự nên không phải là các quan hệ pháp luật tố tụng dân sự. Trên thực tế, quá trình giải quyết vụ việc dân sự có thể phát sinh nhiều quan hệ khác nữa như quan hệ giữa đương sự với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc công chứng, chứng thực bản sao các giấy tờ tài liệu liên quan đến vụ việc dân sự; chứng thực việc uỷ quyền V.V.. Các quan hệ này cũng không thuộc đối tượng điều chỉnh của luật tố tụng dân sự mà thuộc đối tượng điều chỉnh của luật hành chính. Chính vì thế, những quan hệ phát sinh trong quá trình tố tụng nhưng phải được luật tố tụng dân sự điều chỉnh mới là quan hệ pháp luật tố tụng dân sự.
(iii) Các quan hệ pháp luật tố tụng dân sự phát sinh, tồn tại trong một thể thống nhất. Tuy trong tố tụng, địa vị pháp lý của các chủ thể quan hệ pháp luật tố tụng dân sự khác nhau nhưng hoạt động tố tụng các chủ thể đều liên quan đến việc thực hiện mục đích của tố tụng dân sự là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Vì vậy, mồi hành vi tố tụng của một chủ thể đều liên quan đến nhau, dẫn đến những hậu quả pháp lý đối với nhiều chủ thể khác và góp phần tạo nên sự vận động và phát triển của quá trình tố tụng. Ví dụ: Nguyên đơn khởi kiện thì tòa án phải xem xét việc thụ lý vụ án. Khi giải quyết vụ án, toà án có quyền triệu tập những người tham gia tố tụng đến tham gia tố tụng V.V.. Chính điều này đã làm cho các quan hệ phát sinh trong quá trình tố tụng dân sự gắn kết lại với nhau, tồn tại cùng nhau.
2- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Đặc điểm của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Đặc điểm của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: [email protected].
Bình luận