Chủ thể của Luật Thương mại bao gồm các tổ chức, cá nhân tham gia vào các quan hệ thương mại và chủ thể chính là thương nhân.Bài viết phân tích cụ thể như sau:
I- Chủ thể của Luật Thương mại
1- Thương nhân
Nội dung chủ yếu của Luật Thương mại quy định về thương nhân và hành vi thương mại của họ. Do vậy, ở tất cả các quốc gia, thương nhân luôn là chủ thể chủ yếu của Luật Thương mại. Thương nhân bao gồm doanh nghiệp và các chủ thể kinh doanh khác, thường xuyên tham gia vào các quan hệ thương mại, giữ vị trí trung tâm ở tất cả các quan hệ thương mại và tham gia vào quan hệ pháp luật khác cần phải thực hiện trong quá trình hoạt động thương mại, bao gồm quan hệ đầu tư góp vốn, hợp đồng thương mại, đăng ký kinh doanh, giải quyết tranh chấp thương mại, giải thể, phá sản... Thương nhân cũng chiếm vị trí chủ thể chủ yếu do số lượng đông và ngày càng phát triển. Doanh nghiệp và các thương nhân khác hoạt động ở tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế và thuộc nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế khác nhau, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, quyết định sự phát triển của nền kinh tế. Thương nhân là chủ thể chủ yếu của Luật Thương mại, xuất hiện trong các trường hợp sau đây:
(i) Thương nhân là chủ thể đầu tư, góp vốn để thành lập doanh nghiệp. Trừ một số trường hợp bị hạn chế quyền tiếp tục đầu tư, góp vốn, các thương nhân là cá nhân, pháp nhân được quyền đầu tư, góp vốn để thành lập doanh nghiệp khác và trở thành chủ sở hữu của doanh nghiệp đó.
Ví dụ: Công ty TNHH A có quyền đầu tư 100% Vốn để thành lập một công ty con (Công ty TNHH A phía Bắc) và trở thành công ty mẹ của công ty này. Hoặc Công ty TNHH A có quyền góp vốn cùng với các tổ chức, cá nhân khác để thành lập Công ty cổ phần B và trở thành một cổ đông của Công ty B.
Trong các trường hợp này, thương nhân là chủ thể của quan hệ đầu tư, phải tuân thủ quy định pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật về đầu tư.
(ii) Thương nhân là chủ thể thực hiện các hoạt động thương mại như mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thương mại, xúc tiến thương mại...
Chức năng, nhiệm vụ chính của thương nhân là hoạt động thương mại nhằm mục tiêu lợi nhuận. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ và mục tiêu đó, thương nhân hoạt động thương mại với tính chất nghề nghiệp, thường xuyên, liên tục và là chủ thể chủ yếu trong các quan hệ mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thương mại, xúc tiến thương mại...
(iii) Thương nhân là chủ thể thực hiện các hoạt động đăng ký kinh doanh (đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp).
Bên cạnh việc khẳng định và bảo hộ quyền tự do kinh doanh của thương nhân, nhà nước cũng khẳng định vai trò của mình trong quản lý về kinh tế và kiểm soát việc thực hiện quyền tự do kinh doanh, theo đó, ai kinh doanh, kinh doanh cái gì, kinh doanh ở đâu, mức vốn bao nhiêu... đều phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp và khi doanh nghiệp đang hoạt động nhưng có thay đổi những thông tin này. Thực hiện các thủ tục bắt buộc này là căn cứ để xác định tính hợp pháp của hoạt động kinh doanh của thương nhân khi họ sử dụng quyền tự do kinh doanh mà Hiến pháp đã quy định.
(iv) Thương nhân là chủ thể thực hiện các hoạt động tổ chức lại doanh nghiệp (hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi doanh nghiệp), là chủ thể thực hiện các hoạt động rút khỏi thị trường (giải thể, phá sản doanh nghiệp) và là chủ thể của tranh chấp thương mại và quan hệ giải quyết tranh chấp thương mại.
2- Các chủ thể khác có quan hệ pháp lý với thương nhân
Trong quá trình thành lập, hoạt động thương mại và giải quyết tranh chấp thương mại của thương nhân các chủ thể khác có quan hệ với thương nhân bao gồm:
[a] Tổ chức, cá nhân không có đăng ký kinh doanh
Tổ chức, cá nhân không có đăng ký kinh doanh (không phải là thương nhân) có thể tham gia vào quan hệ thương mại và trở thành chủ thể của Luật Thương mại. Tổ chức, cá nhân khi thực hiện đầu tư, góp vốn thành lập doanh nghiệp và trở thành chủ thể của quan hệ đầu tư vào tổ chức kinh tế. Tổ chức, cá nhân ký hợp đồng mua bán hàng hoá, uỷ thác mua bán hàng hoá, môi giới... với thương nhân và trở thành chủ thể quan hệ thương mại hỗn hợp (quan hệ thương mại có một bên là thương nhân, một bên không phải và thương nhân).
Ví dụ:
- Các ông bà A, B, C thoả thuận góp vốn và thành lập ra Công ty cổ phần ABC. Trong quá trình thành lập và hoạt động của Công ty cổ phần ABC, các ông bà A, B, C đóng vai trò là chủ đầu tư, chủ sở hữu công ty và có các quyền và nghĩa vụ đối với công ty theo quy định của pháp luật doanh nghiệp.
- Bệnh viện A ký hợp đồng uỷ thác mua bán hàng hoá với Công ty B để mua một số thiết bị y tế. Đây là quan hệ thương mại hỗn hợp, có một bên là thương nhân. Trường hợp bên uỷ thác là Bệnh viện A (không phải là thương nhân) chọn áp dụng Luật Thương mại cho quan hệ hợp đồng này thì cả hai bên của hợp đồng đã được coi là chủ thể của Luật Thương mại. Tuy nhiên, Bệnh viện A chỉ trở thành chủ thể của Luật Thương mại khi tham gia vào quan hệ thương mại, do vậy, đây không phải là chủ thể chủ yếu, thường xuyên của Luật Thương mại.
[b] Cơ quan đăng ký kinh doanh
Cơ quan đăng ký kinh doanh là đầu mối quan trọng thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và chủ thể kinh doanh khác. Cơ quan đăng ký kinh doanh là nơi tiến hành các thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, đăng ký tạm ngừng, chấm dứt hoạt động kinh doanh...
Cơ quan đăng ký kinh doanh được tổ chức ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Ở cấp tỉnh, Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư có thẩm quyền cấp đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân (Điều 6 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã). Phòng Đăng ký kinh doanh có thể tổ chức các điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thuộc Phòng Đăng ký kinh doanh tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn cấp tỉnh. Ở cấp huyện, Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện thực hiện nhiệm vụ đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký hợp tác xã (gọi chung là cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện).
[c] Cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực chuyên ngành
Trong quá trình hoạt động thương mại, để đảm bảo quản lý nhà nước về kinh tế, thương nhân phải thực hiện một số nghĩa vụ cần thiết tại cơ quan quản lý chuyên ngành, tuỳ thuộc vào loại hoạt động thương mại mà họ thực hiện. Ví dụ: thực hiện các thủ tục về đảm bảo điều kiện kinh doanh tại Sở Y tế/Bộ Y tế khi kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh phải đảm bảo điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện các thủ tục về đảm bảo điều kiện kinh doanh tại cơ quan công an khi kinh doanh các ngành, nghề phải đảm bảo điều kiện về an ninh, trật tự; thực hiện các thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan khi thực hiện hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu...
[d] Tổ chức, cá nhân thực hiện chức năng giải quyết tranh chấp thương mại của thương nhân
Khi hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại, Toà án, tổ chức trọng tài, hoà giải viên (khi thực hiện hoà giải thương mại), trọng tài viên của hội đồng trọng tài vụ việc được coi là chủ thể của Luật Thương mại. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các tổ chức, cá nhân này với tư cách là chủ thể của Luật Thương mại phụ thuộc vào việc có tranh chấp thương mại xảy ra hay không, số lượng vụ tranh chấp nhiều hay ít và thương nhân của vụ tranh chấp lựa chọn cách thức nào để giải quyết tranh chấp xảy ra giữa họ.
3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Chủ thể của Luật Thương mại được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Chủ thể của Luật Thương mại có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: [email protected].
Bình luận