Công ty cổ phần được Luật Doanh nghiệp năm 2014 điều chỉnh với nhiều quy định mới so với Luật Doanh nghiệp năm 2005. Trong đó, đáng chú ý nhất là những quy định về sự tồn tại và sức ảnh hưởng của Ban kiểm soát trong cơ cấu tổ chức, quản lý của công ty cổ phần. Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định rõ các trường hợp phải buộc có ban kiểm soát.
Căn cứ pháp lý thành lập Ban kiểm soát trong công ty cổ phần
Ban kiểm soát trong công ty cổ phần được quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014, cụ thể như sau:
"Cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần: 1- Công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác: (a) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát..." (Điều 134);
Ban kiểm soát: "1- Ban kiểm soát có từ 03 đến 05 thành viên, nhiệm kỳ của Kiểm soát viên không quá 05 năm và Kiểm soát viên có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. 2- Các Kiểm soát viên bầu một người trong số họ làm Trưởng Ban kiểm soát theo nguyên tắc đa số. Quyền và nghĩa vụ của Trưởng Ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định. Ban kiểm soát phải có hơn một nửa số thành viên thường trú ở Việt Nam. Trưởng Ban kiểm soát phải là kế toán viên hoặc kiểm toán viên chuyên nghiệp và phải làm việc chuyên trách tại công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tiêu chuẩn khác cao hơn. 3- Trường hợp Kiểm soát viên có cùng thời điểm kết thúc nhiệm kỳ mà Kiểm soát viên nhiệm kỳ mới chưa được bầu thì Kiểm soát viên đã hết nhiệm kỳ vẫn tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ cho đến khi Kiểm soát viên nhiệm kỳ mới được bầu và nhận nhiệm vụ" (Điều 163);
Ban kiểm soát trong công ty cổ phần, có thể lựa chọn có hoặc không
Ban kiểm soát trong công ty cổ phần là cơ quan có chức năng giám sát hội đồng quản trịGiám đốc hoặc Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty; kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; thẩm định tính đầy đủ, hợp pháp và trung thực của báo cáo tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính và các hoạt động rà soát, giám sát hoạt động kinh doanh khác của công ty.
Như vậy, bản chất của Ban kiểm soát chính là đảm bảo sự thận trọng và minh bạch trong hoạt động kinh doanh của công ty cổ phần.
Thực tế cho thấy, cũng vì hoạt động kiểm tra, rà soát này mà đôi khi làm bộ máy của công ty cổ phần cồng kềnh, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh bình thường của công ty. Do vậy, công ty cổ phần có thể lựa chọn việc có Ban kiểm soát hay không trong cơ cấu tổ chức, quản lý công ty của mình.
Công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác:
(i) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát.
(ii) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị. Các thành viên độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty.
Như vậy, công ty cổ phần có thể không thành lập Ban kiểm soát trong trường hợp: Nếu lựa chọn mô hình tổ chức công ty bao gồm đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, và giám đốc hoặc tổng giám đốc (trong trường hợp này công ty phải đảm bảo ít nhất 20% số thành viên hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có ban kiểm toán nội bộ trực thuộc hội đồng quản trị để thực hiện chức năng kiểm soát hoạt động của công ty); Hoặc công ty cổ phầncó dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty.
Quy định mới về Ban kiểm soát trong công ty cổ phần
Quy định về Ban kiểm soát của Luật Doanh nghiệp năm 2014 có những điểm mới so với Luật Doanh nghiệp năm 2005.
Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về Ban kiểm soát trong công ty cổ phần có từ 03 đến 05 thành viên, nhiệm kỳ của Kiểm soát viên không quá 05 năm và Kiểm soát viên có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Các Kiểm soát viên bầu một người trong số họ làm Trưởng Ban kiểm soát theo nguyên tắc đa số. Quyền và nghĩa vụ của Trưởng Ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định. Ban kiểm soát phải có hơn một nửa số thành viên thường trú ở Việt Nam.
Trưởng Ban kiểm soát phải là kế toán viên hoặc kiểm toán viên chuyên nghiệp và phải làm việc chuyên trách tại công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tiêu chuẩn khác cao hơn. Trường hợp Kiểm soát viên có cùng thời điểm kết thúc nhiệm kỳ mà Kiểm soát viên nhiệm kỳ mới chưa được bầu thì Kiểm soát viên đã hết nhiệm kỳ vẫn tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ cho đến khi Kiểm soát viên nhiệm kỳ mới được bầu và nhận nhiệm vụ.
Như vậy, chế định công ty cổ phần được điều chỉnh với nhiều quy định mới, trong đó, đáng chú ý là những quy định về sự tồn tại và sức ảnh hưởng của Ban kiểm soát.
Một số vai trò trọng yếu của Ban kiểm soát trong công ty cổ phần
Căn cứ các quyền và nghĩa vụ của Ban kiểm soát, kiểm soát viên theo quy định của pháp luật, việc thành lập Ban kiểm soát và bổ nhiệm kiểm soát viên mang lại những lợi ích sau cho công ty:
Một là, đảm bảo hoạt động bình thường đúng pháp luật của công ty thông qua việc kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh, trong tổ chức công tác kế toán, thông kê và lập báo cáo tài chính của công ty.
Hai là, phát hiện kịp thời các hành vi sai phạm của những người quản lý trong công ty, góp phần phòng tránh, giảm thiểu các thiệt hại xảy ra cho công ty thông qua việc xem xét sổ kế toán và các tài liệu khác của công ty, các công việc quản lý, điều hành hoạt động của công ty bất cứ khi nào xét thấy cần thiết.
Ba là, được tư vấn các biện pháp sửa đổi, bổ sung, cải thiện cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của công ty.
Tóm lại, pháp luật quy định cho phép tự do lựa chọn mô hình quản trị đối vớicông ty cổ phầnvừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa phù hợp với thực tế đa dạng của doanh nghiệp về quy mô, tính chất sở hữu và sự đa dạng của cách thức quản trị công ty như hiện nay ở Việt Nam.
Mặt khác, quy định mới này cũng phù hợp với thực tế hoạt động của Ban kiểm soát trongcông ty cổ phần hiện nay. Mặc dù về lý thuyết, việc tồn tại Ban kiểm soát có vẻ mang đến nhiều lợi ích cho công ty, nhưng khi hoạt động, Ban kiểm soát khó có thể thực hiện được hết chức năng, nhiệm vụ của mình. Hội đồng quản trị, tổng giám đốc hoặc giám đốc thường tìm cách và đủ điều kiện để hạn chế vai trò của Ban kiểm soát. Đó là chưa kể, có thể một phần do tâm lý “người nhà” nên rất khó để cho các thành viên Ban kiểm soát hoạt động một cách công tâm.
Do vậy, giao quyền tự quyết có thành lập Ban kiểm soát hay không là hoàn toàn hợp lý theo nguyện vọng, mong muốn và nhu cầu của công ty cổ phần.
Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương - Luật sư của Công ty Luật TNHH Everest
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].
Bình luận