-->

Hợp đồng 'tiền hôn nhân', nên hay không?

Cứ 03 (ba) cặp kết hôn lại có 01 (một) cặp ly hôn, một tỷ lệ đáng lo ngại. Kéo theo những cuộc ly hôn là muôn vàn hệ lụy, trong đó phải kể tới cuộc chiến giành tài sản.

Quan hệ hôn nhân gia đình là mối quan hệ liên quan mật thiết với nhau. Đây là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau. Các bên có thể chung sống với nhau hài hòa trên cơ sở tình thân, tình yêu, ý thức trách nhiệm. Tuy nhiên, trong một xã hội hiện đại và ở từng thời kỳ xây dựng và phát triển mỗi gia đình luôn tồn tại những yếu tố mâu thuẫn rất dễ xảy ra xung đột.

Theo kết quả nghiên cứu xã hội học của Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa (Đại học KHXH & NV TP Hồ Chí Minh), tỷ lệ ly hôn/kết hôn ở Việt Nam là 31,4%, tức là cứ 03 (ba) cặp kết hôn lại có 01 (một) cặp ly hôn. Một tỷ lệ đáng lo ngại. Kéo theo những cuộc ly hôn là muôn vàn hệ lụy, trong đó phải kể tới cuộc chiến giành tài sản. Không ít người đặt ra câu hỏi: Phải chăng đã đến lúc nghĩ tới hợp đồng hôn nhân?

Công ty Luật TNHH Everest, Tổng đài (24/7): 1900 6198
Tư vấn pháp luật hôn nhân - gia đình - Công ty Luật TNHH Everest, Tổng đài (24/7): 1900 6198

Sự cần thiết của hợp đồng hôn nhân.

Hôn nhân khởi nguồn từ tình yêu đẹp đẽ, nhưng đến lúc chia tay lại phải mệt mỏi chạy theo “cuộc chia chác” là điều không ai muốn và cũng không ai vui. Các tranh chấp thường xảy ra trong mối quan hệ hôn nhân và gia đình: ly hôn, chia tài sản chung của vợ chồng, nuôi con, cấp dưỡng khi ly hôn, xác định cha, mẹ cho con hoặc xin xác định con cho cha, mẹ…

Tại Việt Nam chưa có quy định nào về việc nam, nữ lập và ký kết hợp đồng hôn nhân. Bởi vì mặc dù cũng là sự thỏa thuận, nhưng quan hệ hôn nhân là một quan hệ đặc biệt nếu hai bên nam, nữ vì những lợi ích nhất định mà kết hôn thì sẽ không đảm bảo sự bền vững, lâu dài của quan hệ hôn nhân; và nhiều quan hệ hợp đồng hôn nhân như vậy sẽ khiến xã hội không ổn định. Vì vậy, pháp luật chỉ công nhận và bảo vệ những quan hệ hôn nhân hợp pháp, tự nguyện, tiến bộ, có đăng ký kết hôn đúng theo quy định.

Những ồn ào xoay quanh vụ ly hôn giữa vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên là minh chứng thể hiện vấn đề phức tạp, rắc rối của các cuộc hôn nhân khi chọn cách bước ra tòa để phân chia tài sản. Sự quan tâm đổ dồn từ con số tài sản phân chia hàng trăm nghìn tỷ, đến mỗi câu phát biểu của cặp vợ chồng này tại tòa. Có lẽ nhiều người cùng chung cảm giác tiếc nuối khi hai người từng gắn bó bên nhau từ thuở hai bàn tay trắng, tới lúc thành công, giàu có lại kéo nhau ra tòa, dùng lời lẽ nặng nề tranh giành tài sản.

Vì vậy, phải chăng trước khi quyết định tiến đến hôn nhân, chúng ta nên có một bản hợp đồng hôn nhân để tránh những mệt mỏi nếu lỡ đường ai nấy đi?

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cho phép công nhận thỏa thuận giữa hai vợ chồng về chế độ tài sản trong thời kỳ hôn nhân. Tức là các bên có thể ký thỏa thuận về tài sản chung, riêng hoặc cam kết tài sản chung hoặc riêng. Theo đó, vợ chồng có thể thoả thuận về quyền sở hữu, quyền định đoạt đối với tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Theo quy định của Điều 47 luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, công nhận việc thỏa thuận xác lập tài sản chung vợ chồng: "Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn".

Luật hóa thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Thứ nhất, chế độ tài sản theo thỏa thuận sẽ giúp vợ chồng phân định rõ tài sản nào là tài sản riêng, tài sản nào là tài sản chung, xác định các quyền và nghĩa vụ của các đối với các loại tài sản của vợ chồng, tạo điều kiện để vợ, chồng có những cách “xử sự” theo yêu cầu của pháp luật và phù hợp với đạo đức xã hội. Việc phân định rạch ròi tài sản giúp cho các giao dịch dân sự bằng tài sản của mỗi người được bảo đảm được thực hiện, mỗi người có thể tự trách nhiệm bằng tài sản đó. Trên thực tế, việc không phận định rõ tài sản chung, riêng của vợ chồng gây nhiều phiền toái trong các quan hệ kinh doanh hoặc có thể tình cảm của vợ chồng khi đã rơi vào tình trạng không thể tiếp tục cuộc sống hôn nhân thì vấn đề phân chia tài sản vợ chồng là vấn đề cũng rất phức tạp.

Thứ hai, chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng góp phần điều tiết, ổn định quan hệ tài sản trong giao lưu dân sự, kinh tế, thương mại. Trong thời kỳ hôn nhân, đặc biệt những cặp vợ chồng làm ăn kinh doanh, họ phải ký kết rất nhiều hợp đồng dân sự với người khác, nếu có thỏa thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng thì các giao dịch đó sẽ được đảm bảo thực hiện, quyền lợi của vợ chồng, của người tham gia giao dịch liên quan đến tài sản của vợ chồng được bảo vệ.

Thứ ba, thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng còn là căn cứ để giải quyết các tranh chấp về tài sản giữa vợ và chồng với nhau hoặc với người thứ ba có liên quan, để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng về tài sản cho các bên vợ chồng hoặc người thứ ba tham gia giao dịch liên quan đến tài sản của vợ chồng. Chỉ khi nào vợ chồng không lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận hoặc có thỏa thuận về chế độ tài sản nhưng thỏa thuận này bị Tòa án tuyên bố vô hiệu theo Điều 50 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì mới áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định.

Các nội dung cơ bản nên đưa vào hợp đồng hôn nhân sau:

(i) Phân định tài sản riêng và tài sản chung: Nếu một bên đã có công việc kinh doanh ổn định trước hôn nhân, họ có thể không muốn khối tài sản đó bị gộp vào tài sản chung để chia khi ly hôn. Hợp đồng tiền hôn nhân có thể giúp bảo vệ tài sản riêng của hai bên.

Luật gia Nguyễn Thị Hải Yến - Công ty Luật TNHH Everest
Luật gia Nguyễn Thị Hải Yến - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài (24/7): 1900 6198

(ii) Điều khoản trách nhiệm trả nợ độc lập: Nếu không có hợp đồng tiền hôn nhân, chủ nợ có thể kiện đòi tài sản chung của cả gia đình, dù chỉ có người vợ hoặc chồng là con nợ. Hợp đồng tiền hôn nhân giúp giới hạn phạm vi nghĩa vụ trả nợ của các bên, bảo vệ tài sản chung của gia đình.

(iii) Chu cấp cho con riêng: Người nào có con riêng từ trước có thể dùng hợp đồng tiền hôn nhân để đảm bảo người con riêng được hưởng thừa kế tài sản.

(iv) Phân chia tài sản trong trường hợp ly hôn: Hợp đồng hôn nhân giúp việc phân chia tài sản dễ dàng và minh bạch hơn.

(v) Phân định trách nhiệm tài chính của các bên: Hai bên có thể thỏa thuận về trách nhiệm trả sinh hoạt phí hàng tháng, quyền sử dụng tài khoản ngân hàng chung nếu có, tài khoản tiết kiệm, phân chia tài sản cho người còn sống (ví dụ như bảo hiểm nhân thọ) trong trường hợp một bên qua đời.

Luật gia Nguyễn Thị Hải Yến - Công ty Luật TNHH Everest -Tổng đài (24/7):1900 6198,sưu tầm, tổng hợp.