Thành ngữ trước “vành móng ngựa” được hiểu là trước tòa án, trước pháp luật và có thể phải chịu sự phán quyết của pháp luật về một tội danh nào đó.
Khi nhắc đến cụm từ "trước vành móng ngựa" thì thường người ta sẽ hình dung đến việc là phải đối mặt với tòa án, chịu sự trừng phạt vì một tội danh nào đó. Vậy vành móng ngựa là gì? Vì sao người ta thường nhắc đến cụm từ "vành móng ngựa"? Trong các phiên tòa hình sự ở Việt Nam hiện nay thường có các vật được gọi là "vành móng ngựa" các bị cáo có cần phải đứng vào đó?
Lịch sử và ý nghĩa của hình thức “vành móng ngựa”.
Theo PGS.TS Phạm Văn Tình thì “vành móng ngựa” là một cái chắn “khum khum” giống như đường lượn của chiếc móng con ngựa (một động vật thuộc “thú có guốc, cổ có bờm, chân chỉ có một ngón”, chạy rất nhanh). Cái chắn này đặt trong các phòng xử án và các bị cáo phải đứng vào đấy khi toà xử. Ở mỗi quốc gia, hay mỗi nơi ở trong một đất nước, trong đó có nước ta, cái khuôn hình của “vành móng ngựa” cũng có sự khác nhau đôi chút (về kích thước rộng hẹp, kiểu dáng, màu sắc...) nhưng trông qua là ai cũng nhận ra đó chính là nơi dành cho bị cáo đứng vào. “Vành móng ngựa” là biểu tượng cho toà án nói riêng và cho pháp luật nói chung. [1]
Hình thức xuất phát từ thời La Mã, kẻ phạm tội sau khi bị Nhà nước xử tội sẽ bị trừng trị bằng cách dùng ngựa để xé xác hoặc giày xéo lên thân thể họ. Cách xử tội “nguyên thủy” này nghe có vẻ dã man nhưng nó lại thể hiện sự nghiêm minh và hà khắc của pháp luật thời đó. Sau này, người ta mới lấy “vành móng ngựa” làm biểu tượng cho uy lực và sự nghiêm khắc của pháp đình.
Ngoài ra còn có quan điểm cho rằng, từ tập quán lâu đời của người châu Âu về chiếc móng ngựa, kết hợp với các nguyên tắc pháp lý được áp dụng rộng rãi tại các quốc gia, chiếc “vành móng ngựa” đặt trước mặt bị cáo trong phiên tòa được hiểu như biểu trưng của nguyên tắc “suy đoán vô tội”, hàm ý bảo bọc chở che người vô tội trước định kiến (nếu có) của người cầm cân nảy mực, đồng thời chính nó cũng sẽ là vật cầm giữ cái xấu hay sự kết thúc một tội ác, chống lại con người; biểu hiện cho nền văn minh nhân loại, thể hiện dưới góc độ luật học”.
Từ đó đến nay, trong các phiên tòa hình sự, bị cáo đều phải đứng vào “vành móng ngựa” dành riêng cho họ. Về hình thức, nó được tạo dáng giống hình cái móng ngựa, do đó mới được gọi là “vành móng ngựa”. Thành ngữ trước “vành móng ngựa” được hiểu là trước tòa án, trước pháp luật và một người phải chịu sự phán quyết của pháp luật. Trước “vành móng ngựa”, mọi người đều như nhau và con người trở nên nhỏ bé hơn, bất lực hơn.
Ở Việt Nam, Theo ông Đinh Văn Quế - Nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao cho rằng “vành móng ngựa” có từ bao giờ chưa ai xác định chắc chắn nhưng có thể khẳng định là nó du nhập vào nước ta từ khi thực dân Pháp xâm lược. Chiếc “vành móng ngựa” từ thời Pháp thuộc ở trụ sở TAND Tối cao có lẽ giờ cũng không còn nhưng các phiên bản của nó thì tòa án nào cũng na ná nhau. Có nhiều giả thuyết giải thích về nguồn gốc ra đời của “vành móng ngựa”. Nhưng đa số cho rằng lúc đầu nó chỉ là một hàng chấn song ngăn cách giữa bị cáo với HĐXX. Sau đó, do việc vận chuyển khó khăn nên người ta đã thu bớt nó lại. Qua nhiều thời kỳ, đến khi nó có hình giống như chiếc “vành móng ngựa” nên người ta gọi nó là “vành móng ngựa”. Đã không ít các hội thảo khoa học bàn về mô hình tố tụng hình sự nhưng ít thấy ai bàn về chỗ ngồi cho bị cáo là nhân vật trung tâm của phiên tòa. Thực tiễn xét xử cho thấy không chỉ bị cáo mà cả các chiến sĩ cảnh sát tư pháp cũng đứng vào đó nhưng đứng cạnh, đứng sau. Hình ảnh này khiến người ta cảm thấy không ổn nên thay bằng cái bục thì hay hơn. Khổ nhất vẫn là bộ phận chuẩn bị phiên tòa lưu động. Họ phải vận chuyển “vành móng ngựa” từ trụ sở tòa án đến địa điểm mở phiên tòa. Có khi vùng sâu, vùng xa phải đi cả ngày đường, chở bằng xe máy, xe đạp hay khiêng vác đều vất vả, có khi té gãy cả “vành móng ngựa”, người thì xây xát. “Vành móng ngựa” là bộ phận không thể thiếu trong phiên tòa hình sự. Nhưng trong luật không quy định rõ bị cáo phải đứng trước “vành móng ngựa”. Thế nên mới có chuyện khi ra tòa, bị cáo nhất quyết không chịu đứng vào và cho rằng đứng vào đó là phải đi tù. [2]
Có nên giữ hình thức “vành móng ngựa” trong các phiên tòa hình sự?
Trong thông tư hướng dẫn hình thức bố trí phòng xử án do Tòa án nhân dân Tối cao xây dựng sắp được ban hành, trong đó có nội dung thay “vành móng ngựa” bằng bục khai báo. Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý quy định tại dự thảo lần này. Ý tưởng này trên thực tế hiện nay có hai quan điểm rõ ràng khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng việc sử dụng “vành móng ngựa” như các phiên tòa hiện nay nhằm thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật đối với bị cáo.
Quan điểm thứ hai cho rằng nên hay “vành móng ngựa” bằng bục khai báo là một trong những điểm mới đáng chú ý quy định tại dự thảo Thông tư hướng dẫn hình thức bố trí phòng xử án do TAND Tối cao xây dựng sắp được ban hành.
Trong khuôn khổ bài viết này, Luật gia Nguyễn Thị Hoài Thương - tổ tư vấn pháp luật hình sự của Công ty Luật TNHH Everest đồng tình với quan điểm thứ hai cũng như đồng tình với dự thảo thông tư của Tòa án nhân dân Tối cao, bởi:
Thứ nhất, xuất phát từ nguyên tắc suy đoán vô tội.
Theo tinh thần của Hiến pháp 2013 và quy định của BLTTHS 2003, một người không bị coi là có tội trước khi có bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án. Thời điểm bị cáo ra tòa để khai báo vẫn được coi là người chưa phạm tội, trong khi “vành móng ngựa” lại tạo tâm lý coi họ như họ đã có tội. Do vậy, việc thay hình thức “vành móng ngựa” bằng “bục khai báo” vừa nhân văn, vừa thể hiện đúng bản chất của một phiên tòa sơ thẩm.
Thứ hai, để tạo thuận lợi hơn cho bị cáo.
Nhìn vào “vành móng ngựa” ta thấy khó có chỗ nào cho bị cáo để tài liệu, có chỗ để chứng cứ tranh tụng. Thực tế, trong những có những vụ án ngân hàng phúc tạp như vụ Phạm Công Danh, Đại án Oceanbank rất nhiều những giấy tờ, phụ lục mà không thể nhớ hết được nếu không có chỗ đặt và sử dụng tài liệu. Trong khi đó, bục khai báo có diện tích đủ rộng để bị cáo sử dụng tài liệu, chứng cứ chứng minh lời khai của mình. Trên thế giới hiện nay, phiên tòa hình sự của hầu hết nước không còn “vành móng ngựa”, mà thay bằng ghế bị cáo. Ví dụ như ở Mỹ, bị cáo được ngồi cùng với Luật sư bào chữa khi tham gia phiên tòa.
Chúng tôi cho rằng đã đến lúc thay thế “vành móng ngựa”. Vì nó sẽ vừa tránh được tâm lý “đã có tội” vừa tạo thuận lợi cho người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo dõi diễn biến phiên tòa. Đồng thời khi có bục cũng tăng cường vai trò trung tâm của HĐXX trong việc điều hành và duy trì trật tự phiên tòa.
Luật gia Nguyễn Thị Hoài Thương - Tổ tư vấn pháp luật hình sự của Công ty Luật TNHH Everest, sưu tầm, tổng hợp.
Tài liệu tham khảo:
[1] - theo PGS.TS Phạm Văn Tình, bài viết trên Báo Lao động ngày với tựa đề "Trước vành móng ngựa là gì" theo đường dẫn: http://laodong.com.vn/van-hoa/truoc-vanh-mong-ngua-la-truoc-cai-gi-13553.bld)
[2] - theo Ông Đinh Văn Quế Nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao, bài viết "Thay vành móng ngựa bằng bục khai báo" đăng ngày 11/02/2017 trên Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh ngày , theo đường dẫn: http://plo.vn/phap-luat/thay-vanh-mong-ngua-bang-buc-khai-bao-681783.html)
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận