Thương nhân là người thực hiện những hành vi thương mại và bài viết sẽ phân tích những quy định chung về thương nhân.
Thương nhân là người thực hiện những hành vi thương mại và đó là nghề nghiệp thường xuyên của họ (Điều 1 Bộ luật thương mại năm 2005) Theo Điều 6 Luật thương mại năm 2005, thương nhân được quy định như sau:
Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.
Thương nhân có quyền hoạt động thương mại trong các ngành nghề, tại các địa bàn, dưới các hình thức và theo các phương thức mà pháp luật không cấm.
Quyền hoạt động thương mại hợp pháp của thương nhân được Nhà nước bảo hộ.
Nhà nước thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để đảm đảm lợi ích quốc gia. Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền Nhà nước.
Bên cạnh đó, pháp luật doanh nghiệp cũng tồn tại khái niệm “doanh nghiệp” có nội hàm gần giống với khái niệm “thương nhân”. Theo đó, doanh nghiệp “là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh”. Cụm từ “chủ thể kinh doanh” không được luật hoá nhưngcũng được sử dụng trong một số giáo trình và được hiểu là “những tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động kinh doanh mang tính nghề nghiệp, hoạt động dưới một hình thức pháp lý nhất định… theo quy định của pháp luật”. Trên thực tế, cụm từ này được sử dụng khá phổ biến với nội hàm bao gồm tất cả các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên thị trường. “Thương nhân”, “doanh nghiệp” hoặc “chủ thể kinh doanh” đều là những thuật ngữ chỉ các chủ thể thực hiện hoạt động kinh doanh, thương mại nhằm mục đích sinh lợi. Trong đó, khái niệm “chủ thể kinh doanh” được xem là khái niệm có nội hàm rộng nhất, nó bao hàm cả “thương nhân” và “doanh nghiệp”. Thực tế còn có nhiều tên gọi khác như thương gia, doanh nhân, nhà buôn… nhưng tựu chung lại thì các thuật ngữ này đều chỉ một chủ thể tiến hành hoạt động kinh doanh, thương mại nhằm mục đích sinh lợi và lấy đó làm nghề nghiệp chính của mình trên cơ sở kết hợp các nguồn lực và thế mạnh khác nhau của mỗi thương nhân.
Quy định “thương nhân là tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp...” có những điểm không rõ ràng khi cụm từ “tổ chức kinh tế” không được luật giải thích và có độ vênh nhất định khi đối chiếu với cụm từ “tổ chức” trong pháp luật doanh nghiệp và đầu tư. Hoặc, quy định “được thành lập hợp pháp… có đăng ký kinh doanh” trong điều luật là có sự trùng lặp. Bên cạnh đó, quy định thương nhân phải hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên nhưng luật lại không quy định thế nào là hoạt động thương mại độc lập và thường xuyên. Hoặc có thể thấy, khái niệm thương nhân với nhiều tiêu chí như pháp luật hiện hành là không cần thiết, chưa rõ ràng có thể làm hạn chế quyền kinh doanh của một số tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại. Chế định thương nhân được một số nước trên thế giới quy định đều dựa trên những tiêu chí đơn giản, đi sâu vào bản chất khái niệm. Ví dụ Luật thương mại Cộng hòa Pháp quy định thương nhân là người thực hiện những hành vi thương mại và đó là nghề thường xuyên của họ. Theo pháp luật Hoa Kỳ, khái niệm “thương nhân (thương gia)” được định nghĩa trong Bộ luật Thương mại Hoa Kỳ (Uniform Commercial Code -1990). Theo Luật này, có 3 loại hình thương nhân chủ yếu là cá nhân kinh doanh (sole propration), công ty đối nhân (partnership) và công ty đối vốn (corporation). Ngoài ra, chế định thương nhân một số nước còn quy định thương nhân phải thực hiện các hành vi thương mại nhân danh mình và lợi ích của chính mình. Vì vậy, trong pháp luật các nước thường xác định điều kiện trở thành thương nhân dựa trên yếu tố cơ bản nhất là thực hiện hoạt động thương mại. Thông lệ này có thể là một tham khảo cho Luật Thương mại Việt Nam khi sửa đổi có thể tiếp cận theo hướng này.
II- Đặc tính của thương nhân
Dựa vào căn cứ tư cách pháp nhân, có thể phân loại thương nhân thành thương nhân có tư cách pháp nhân và thương nhân không có tư cách pháp nhân. Theo pháp luật Việt Nam, để được công nhận là pháp nhân thì một tổ chức cần có đủ những điều kiện cơ bản như được thành lập hợp pháp, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm độc lập bằng tài sản của mình và phải nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật. tiêu chí phân chia này, thương nhân có tư cách pháp nhân bao gồm các loại công ty được quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020 là công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty cổ phần và công ty hợp danh. Thương nhân có tư cách pháp nhân được xem là pháp nhân thương mại bởi suy cho cùng pháp nhân này có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên hoặc thuộc về nhà đầu tư.Thương nhân không có tư cách pháp nhân bao gồm doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh. Trong đó,doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh Mặc dù không có tư cách pháp nhân nhưng doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh vẫn là các chủ thể pháp luật độc lập, điều này có nghĩa là việc chủ doanh nghiệp tư nhân hay chủ hộ kinh doanh chết sẽ không lập tức và không tự động dẫn đến chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp tư nhân hay hộ kinh doanh đó. 2- Hình thức tổ chức
Dựa vào căn cứ này, có thể chia thương nhân thành thương nhân là doanh nghiệp và thương nhân không phải là doanh nghiệp. Thương nhân là doanh nghiệp gồm các loại hình công ty và doanh nghiệp tư nhân theo pháp luật doanh nghiệp. Hoặc trên thực tế dựa vào lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp có thể chia ra thành doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp, doanh nghiệp thương mại và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ. Căn cứ vào quy mô về vốn, lao động và sản phẩm có thể chia thành doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp lớn. Về bản chất, việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp cụ thể nào phụ thuộc vào nhiều nhân tố, cả phía chủ doanh nghiệp và môi trường. Còn thương nhân không phải là doanh nghiệp gồm hộ kinh doanh, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã. Pháp luật doanh nghiệp Việt Nam không xem hộ kinh doanh là doanh nghiệp, có thể do tính chất “quy mô kinh tế nhỏ” của nó nhưng không vì thế mà tư cách thương nhân của nó bị phủ nhận. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành cũng không xem hợp tác xã là một loại hình doanh nghiệp mà là “tổ chức kinh tế tập thể” và “hoạt động như một loại hình doanh nghiệp”.Trong khi đó, liên hiệp hợp tác xã là tổ chức kinh tế mà thành viên của nó là các hợp tác xã và hoạt động theo nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hợp tác xã.Điều 3 Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định:
“1. Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.
2. Liên hiệp hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 04 hợp tác xã tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu chung của hợp tác xã thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý liên hiệp hợp tác xã”.
Như vậy, theo pháp luật thương mại thì hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đều là thương nhân vì chúng có đầy đủ các đặc điểm của thương nhân theo quy định của pháp luật thương mại thực định.Cũng cần nói thêm, pháp luật thương mại ở nhiều quốc gia trên thế giới chỉ thừa nhận thương nhân là thể nhân (cá nhân) và pháp nhân chứ không tồn tại thuật ngữ hợp tác xã hay hộ kinh doanh như ở Việt Nam cho dù việc định danh, gọi tên là thương nhân của chủ thể này mang nhiều tính suy luận dựa trên quy định gián tiếp.
3- Chế độ trách nhiệm tài sản
Thương nhân chịu trách nhiệm tài sản hữu hạn bao gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần, Hợp tác xã và Liên hiệp hợp tác xã. Trách nhiệm hữu hạn (limited liability) trong trường hợp này được hiểu là trách nhiệm của thương nhân trong phạm vi vốn đã góp, cam kết góp. Theo đó, các thành viên, cổ đông hay xã viên chỉ chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khác của công ty hay hợp tác xã trong phạm vi số vốn đã góp hoặc cam kết góp vào công ty hay hợp tác xã mà thôi. Nói cách khác, chế độ trách nhiệm tài sản hữu hạn của thương nhân có nghĩa là, thương nhân chỉ chịu trách nhiệm tài sản bằng tài sản của chính mình bao gồm tài sản do thành viên, cổ đông, xã viên góp vốn và các tài sản hợp pháp khác tạo lập được trong quá trình hoạt động thuộc sở hữu của mình.
Thương nhân chịu trách nhiệm tài sản vô hạn bao gồm doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và công ty hợp danh. Trách nhiệm vô hạn (infinite responsibility) trong trường hợp này được hiểu là trách nhiệm của thương nhân đối với tài sản; theo đó, thương nhân bắt buộc phải chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ trong hoạt động kinh doanh, thương mại bằng toàn bộ tài sản. Đối với doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp “tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp”. Đối với cá nhân hộ gia đình là các chủ sở hữu của hộ kinh doanh cũng chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của họ đối với mọi hoạt động của hộ kinh doanh. Đối với công ty hợp danh thì thành viên hợp danh phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán hết số nợ còn lại của công ty nếu tài sản của công ty không đủ để trả số nợ của công ty. Trong trường hợp công ty hợp danh có thêm thành viên góp vốn thì các thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn.
4- Quốc tịch của thương nhân
Theo tiêu chí này, thương nhân được chia thành thương nhân Việt Nam và thương nhân nước ngoài. Thương nhân Việt Nam là thương nhân được đăng ký thành lập theo quốc tịch Việt Nam; theo đó, các chủ thể thỏa mãn các điều kiện cần và đủ để đăng ký kinh doanh thì hoàn toàn có thể trở thành thương nhân. Thương nhân nước ngoài là thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc được pháp luật nước ngoài công nhận. Theo quy định của khoản 2 Điều 16 Luật Thương mại năm 2005, thương nhân nước ngoài được đặt Văn phòng đại diện, Chi nhánh tại Việt Nam, thành lập tại Việt Nam doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo các hình thức do pháp luật Việt Nam quy định. Bên canh đó, khi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thương nhân nước ngoài thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì được coi là thương nhân Việt Nam. Quy định này cũng phù hợp với bản chất của thương nhân Việt Nam là được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật. Việc xác định thương nhân có quốc tịch Việt Nam hay quốc tịch nước ngoài có ý nghĩa đối với việc xác định luật áp dụng trong quan hệ giữa các thương nhân, không những vậy nó còn có “ý nghĩa trong việc xác định chế độ đãi ngộ hay chế độ bảo hộ trong quan hệ giữa nhà nước với thương nhân”
III. Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Quy định chung về thương nhân được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Quy định chung về thương nhân có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: [email protected].
Bình luận