Tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật

Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Hỏi: Trường hợp giám đốc vì đã nhận tiền của một người mà cho người này vào cơ quan làm việc, đồng thời buộc nhân viên đang làm công việc đó phải nghỉ việc mặc dù người này đang thực hiện đúng công việc trong hợp đồng làm việc và không có vi phạm quy chế của cơ quan, thì có bị coi phạm tội gì? (Kiều Anh - Hải Phòng)

c
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thị Phương Anh - trả lời:

Bộ luật hình sự năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS), có quy định tội buộc người lao động
, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật được quy định tại Điều 128, như sau: “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm”.
Căn cứ theo quy định trên, viêc một người cho người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật, chỉ bị coi là tội phạm khi đủ các yếu tố:
Một là, người phạm tội là người đã có hành vi cưỡng bức, buộc người đang làm việc ở cơ quan, nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau… phải thôi việc trái pháp luật bằng bất cứ thủ đoạn nào.
Thủ đoạn mà người phạm tội thực hiện để buộc người lao động thôi việc trái pháp luật có thể là dùng vũ lực uy hiếp tinh thần người lao động để buộc họ phải nghỉ việc mà không có lí do chính đáng, trái với các quy định chung đã được cam kết trong hợp đồng lao động. Cũng có thể người phạm tội đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để ra quyết định sai trái như thủ trưởng cơ quan đã ra quyết định buộc cán bộ, công chức dưới quyền mình phải nghỉ việc bằng các thủ đoạn cưỡng bức, đe dọa… mà không thông qua hội đồng xét kỉ luật của cơ quan theo các quy định hiện hành.
Hai là, động cơ của người phạm tội có thể do động cơ vụ lợi, như nhận tiền của hoặc lợi ích vật chất khác rồi buộc người lao động phải nghỉ việc để nhận người khác vào làm việc, như trường hợp anh (chị) nêu. Trong trường hợp này, người phạm tội còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ được quy định tại Điều 297 BLHS. Cũng có thể, tội phạm được thực hiện do động cơ cá nhân khác như thù hằn cá nhân, làm theo sự chỉ đạo sai trái của cấp trên… Trong trường hợp buộc người lao động phải nghỉ việc trái pháp luật để trả thù người đã tố cáo thì hành vi còn cấu thành tội phạm xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân được quy định tại Điều 132 BLHS.
Ba là, hành vi buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật phải gây hậu quả nghiêm trọng, ví dụ người bị buộc thôi việc phẫn uất nên tự tử chết.
Tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật xâm phạm quyền được lao động của công dân, đã được quy định Hiến pháp năm 1992: “Lao động là quyền và nghĩa vụ của công dân. Nhà nước và xã hội có kế hoạch tạo ngày càng nhiều việc làm cho người lao động” (Điều 55).
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Có nghĩa là người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện.
Người phạm tội là người có chức vụ quyền hạn trong việc tuyển dụng và cho thôi việc đối với những người làm việc trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau… như thủ trưởng cơ quan, giám đốc xí nghiệp, giám đốc công ty, chủ cơ sở sản xuất.
Người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.