Xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự

Quyền và nghĩa vụ dân sự được xác lập theo các căn cứ quy định tại Điều 13 BLDS. Nói chung một quyền có thể được xác lập do được tạo ra hoặc được chuyển giao, do hiệu lực của một giao dịch hoặc do hệ quả của một sự kiện pháp lý.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198


Thứ nhất, tạo ra hoặc chuyển giao quyền và nghĩa vụ dân sự

Tạo ra quyền và nghĩa vụ dân sự

- Nói “quyền và nghĩa vụ dân sự được tạo ra”, ta hiểu rằng quyền và nghĩa vụ này xuất hiện ở chủ thể thứ nhất.

Các quyền nhân thân, nói chung, chỉ có thể được xác lập do được tạo ra. Có những quyền phát sinh cùng một lúc với người có quyền: được sinh ra, con người có quyền đối với họ, tên, hộ tịch, có quyền nhận cha, mẹ. Có những quyền phát sinh sau một sự kiện: quyền bình đẳng giữa vợ và chồng được xác lập do hôn nhân; quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ được xác lập do việc sinh con.

Nhưng các quyền nhân thân của tác giả được để lại cho người thừa kế. Vậy, cũng có thể cótrường hợp quyền nhân thân được xác lập bằng con đường chuyển giao.

Các quyền có tính chất tài sản cũng có thể được tạo ra: quyền đối nhân được tạo ra từ hợp đồng hoặc từ một sự kiện pháp lý nào đó (tai nạn, ly hôn); quyền sở hữu được tạo ra bằng cách chiếm hữu vật vô chủ, bằng việc chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong nhiều năm; quyền sở hữu trí tuệ được tạo ra bằng hoạt động sáng tạo.

Chuyển giao quyền và nghĩa vụ dân sự

- Gọi là được chuyển giao, các quyền và nghĩa vụ trước đây thuộc về một người, nay được giao lại cho một người khác. Hầu hết các quyền được xác lập bằng con đường chuyển giao đều là các quyền có tính chất tài sản: quyền đối nhân được chuyển giao bằng cách chuyển quyền yêu cầu, chuyển nghĩa vụ; quyền sở hữu được chuyển giao bằng hợp đồng, thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật;...
Thứ hai, giao dịch hoặc sự kiện pháp lý

Giao dịch

Giao dịch là việc bày tỏ ý chí của một hoặc nhiều người nhằm làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một quyền. Người bày tỏ ý chí gọi là bên giao dịch.

Trong trường hợp chỉ có một người bày tỏ ý chí, ta có giao dịch một bên. Có khi giao dịch một bên cũng được ghi nhận trong luật Việt Nam, dù có đến hai người bày tỏ ý chí, như khi vợ chồng cùng lập một di chúc để định đoạt tài sản chung. Song, thông thường, với sự bày tỏ ý chí của nhiều người, ta có giao dịch nhiều bên. Giao dịch nhiều bên được xác lập, một khi có sự gặp gỡ (sự thống nhất) ý chí của nhiều người. Bởi vậy, ta còn gọi giao dịch nhiều bên là sự thoả thuận.

Theo động cơ kinh tế của người bày tỏ ý chí, ta có giao dịch có đền bù (mua bán, trao đổi)hoặc không có đền bù (tặng cho, di chúc).

Theo tầm quan trọng của giao dịch, ta có giao dịch định đoạt và giao dịch quản trị. Bằng giao dịch định đoạt, một quyền có tính chất tài sản đi ra khỏi khối tài sản của người định đoạt: quyền này có thể biến mất (tài sản được tiêu dùng) hoặc được chuyển cho người khác (tài sản được bán, được tặng cho). Bằng giao dịch quản trị, người giao dịch bảo quản và khai thác lợi ích từ các quyền có tính chất tài sản của mình (giao kết hợp đồng sửa chữa, bán hoa lợi từ tài sản gốc).

Các điều kiện để giao dịch có giá trị: giao dịch chỉ có giá trị khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 122 BLDS.

- Điều kiện phát sinh từ yêu cầu bảo vệ trật tự xã hội và các giá trị của cộng đồng: Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội (BLDS Điều 122 khoản 1 điểm b). Mục đích của giao dịch là lợi ích hợp pháp mà các bên mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch; còn nội dung của giao dịch có thể được hiểu như đối tượng của giao dịch đó.

Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định (BLDS Điều 128).

Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng (BLDS Điều 128).

- Điều kiện về hình thức: để có giá trị giao dịch phải được xác lập dưới một hình thức nào đó phù hợp với quy định của pháp luật; tuy nhiên, hình thức giao dịch chỉ là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định (BLDS Điều 122 khoản 2). Trong luật thực định Việt Nam phần lớn các giao dịch quan trọng đều phải được lập thành văn bản (mua bán, tặng cho, cho vay, cho thuê, thế chấp, cầm cố,...). Cá biệt, có những giao dịch không những phải được ghi nhận bằng văn bản mà còn phải bằng một văn bản có hình thức phù hợp với các quy định cụ thể của luật viết (như di chúc): ta gọi đó là những giao dịch trọng thức. Một khi việc lập văn bản là điều kiện để giao dịch có giá trị, thì giao dịch được xác lập mà không có văn bản là giao dịch vô hiệu.

Mặt khác, một số giao dịch còn phải đăng ký theo quy định của pháp luật. Ý nghĩa của việc đăng ký giao dịch được người làm luật xác định tùy theo tính chất, tầm quan trọng của giao dịch đối với các bên giao dịch cũng như đối với người thứ ba. Có trường hợp giao dịch có giá trị một khi được xác lập phù hợp với các quy định của luật, nhưng chỉ phát sinh hiệu lực đối với người thứ ba kể từ ngày được đăng ký (BLDS Điều 323 khoản 3) như trường hợp thế chấp một tài sản để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ; có trường hợp việc đăng ký giao dịch có tác dụng xác nhận việc chuyển quyền sở hữu tài sản giao dịch, như trường hợp mua bán, trao đổi các tài sản thuộc loại phải đăng ký quyền sở hữu (BLDS Điều 439 khoản 2; Điều 463 khoản 4); có trường hợp hiệu lực của giao dịch chỉ phát sinh, cả đối với hai bên giao dịch và đối với người thứ ba, kể từ thời điểm đăng ký, như trường hợp tặng cho các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu (BLDS Điều 466 và Điều 467 khoản 2) và trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, tàu bay, tàu biển (Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/06 Điều 10 Khoản 1 Điểm c).

- Điều kiện về nội dung: có thể coi quy định theo đó, giao dịch không được có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội là một trong những điều kiện về nội dung (hiểu theo nghĩa rộng nhất) để giao dịch có giá trị. Phần lớn các điều kiện về nội dung được pháp luật dự liệu nhằm bảo vệ quyền tự do ý chí của bên giao dịch. Nói rõ hơn, ý chí của người giao dịch phải được tôn trọng, nhưng với điều kiện đó phải là ý chí được bày tỏ bởi một người có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.

+ Năng lực của bên giao dịch: giao dịch chỉ có giá trị một khi được thực hiện bởi một người có năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Tình trạng mất năng lực pháp luật, ta đã biết, luôn có tính chất đặc biệt và chỉ được ghi nhận ở một vài quan hệ được xác định (thường là các quan hệ trong lĩnh vực gia đình). Người không có năng lực pháp luật không được phép xác lập giao dịch làm phát sinh những quyền và nghĩa vụ mà người đó không thể có.

Ngay những người có năng lực pháp luật không nhất thiết đều có năng lực hành vi, nghĩa là không nhất thiết có khả năng tự mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ mà mình có. Trẻ dưới 6 tuổi có năng lực pháp luật ngang với người đủ 18 tuổi, nhưng mọi giao dịch của trẻ dưới 6 tuổi đều chỉ có thể được xác lập và thực hiện thông qua vai trò của người đại diện (BLDS Điều 21).

+ Sự tự nguyện của bên giao dịch: người bị bệnh tâm thần không thể xác lập giao dịch một cách tự nguyện, bởi ở người này không hề có ý chí và do đó, không thể có sự bày tỏ ý chí.
Có nhiều trường hợp ý chí tồn tại và được bày tỏ một cách tự nguyện, nhưng sự tự nguyện không hoàn hảo: người bày tỏ ý chí có thể chấp nhận xác lập giao dịch do nhầm lẫn, do bị lừa dối hoặc bị đe dọa. Một khi sự tự nguyện trong việc bày tỏ ý chí không hoàn hảo, thì giao dịch có thể bị tuyên bố vô hiệu, cũng như trong trường hợp giao dịch được xác lập bởi một người không có năng lực hành vi.


Sự kiện pháp lý là sự việc có tác dụng tạo ra, chuyển giao hoặc làm chấm dứt các quyền và nghĩa vụ. Thông thường, sự kiện pháp lý có nguồn gốc từ hành vi của con người, cố ý hoặc vô ý: hủy hoại tài sản của người khác; lái xe không làm chủ được tốc độ, gây tai nạn dẫn đến thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác;... Nhưng sự kiện pháp lý cũng có thể có nguồn gốc vật chất, tự nhiên hoặc xã hội: sau một thời gian do luật quy định, người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai đối với một tài sản sẽ trở thành chủ sở hữu tài sản đó; do việc một người chết, những tài sản của người này được chuyển giao cho người thừa kế, người được di tặng; do một người con bị tai nạn và trở thành tật nguyền, cha, mẹ có nghĩa vụ nuôi dưỡng người con đó;...

Các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch luôn luôn là các quyền và nghĩa vụ mà các bên giao dịch quan tâm, muốn có, tìm kiếm, trông đợi và đeo đuổi. Trong khi đó, các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ sự kiện pháp lý luôn do luật áp đặt, độc lập với ý chí của con người. Ngay cả khi sự kiện pháp lý có nguồn gốc từ hành vi cố ý của con người, thì các quyền và nghĩa vụ từ sự kiện đó sinh ra không phải là mục tiêu hành động của người đó: một người cố tình gây thiệt hại cho người khác không phải với mong muốn trở thành người có nghĩa vụ bồi thường cho người bị thiệt hại. Bởi vậy, có thể gọi các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ một giao dịch là nội dung hiệu lực của giao dịch đó; còn các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ một sự kiện pháp lý là nội dung hệ quả của sự kiện pháp lý đó.

Thạc sỹ Phạm Ngọc Minh - Khoa Luật Trường Đại học Hòa Bình, tổng hợp


Liên kết đào tạo và hợp tác việc làm giữa Trường Đại học Hòa Bình và Công ty Luật TNHH Everest là hoạt động cần thiết để giải quyết thực trạng chênh lệch giữa nhu cầu của doanh nghiệp và sự đáp ứng của nhà trường. Hướng đến mục tiêu đào tạo 100% sinh viên có việc làm sau khi trường, Trường Đại học Hòa Bình triển khai liên kết chặt chẽ với Công ty Luật TNHH Everest trong công tác đào tạo sinh viên và tạo điều kiện việc làm cho sinh viên mới ra trường. Để được tư vấn pháp luật, Quý khách vui lòng gọi tới tổng đài tư vấn 19006198.