Quyền chiếm hữu là quyền nắm giữ, quản lý tài sản”. Việc nắm giữ và quản lý ở đây bao hàm cả việc thực hiện quyền sử dụng (dùng và khai thác) hoặc quyền không sử dụng tài sản (cất giữ).
Quyền chiếm hữu của chủ sở hữu được hình thành từ hai yếu tố:
Yếu tố khách quan (corpus) - đặc trưng bằng việc thực hiện các quyền thuộc nội dung của quyền sở hữu, thể hiện thành các giao dịch mang tính chất vật chất có tác động đến tài sản chẳng hạn như cất giữ đồ trang sức, cư trú trong nhà, canh tác trên đất, cho thuê tài sản.... Luật Việt Nam hiện hành xếp các giao dịch này thành hai nhóm:
- Các giao dịch nắm giữ: là các giao dịch mà thông qua đó, chủ sở hữu giữ vật trong phạm vi kiểm soát vật chất của mình. Vật không nhất thiết phải nằm trong tay chủ sở hữu theo nghĩa đen mà chỉ cần vật được đặt dưới quyền năng kiểm soát vật chất tiềm tàng của chủ sở hữu.
- Các giao dịch quản lý: là các giao dịch mà thông qua đó chủ sở hữu có thể kiểm soát được sự tồn tại của tài sản (về phương diện vật chất hay về giá trị) cũng như kiểm soát cả việc sử dụng, khai thác tài sản. Kiểm kê, định giá, bảo quản, tiêu dùng, cư trú, canh tác, ...
là những giao dịch quản lý.
Trước đây, Điều 189 BLDS 1995 định nghĩa “quyền chiếm hữu là quyền của chủ sở hữu tự mình nắm giữ, quản lý tài sản thuộc sở hữu của mình”. Hiện nay định nghĩa này đã được sửa đổi “Quyền chiếm hữu là quyền nắm giữ, quản lý tài sản”. Như vậy, có thể thừa nhận sự tồn tại của các khái niệm “chiếm hữu thông qua vai trò của người khác” hay “chiếm hữu dưới danh nghĩa người khác”. Luật cũng quy định thời gian chiếm hữu của người khác sẽ được tính như một phần thời gian chiếm hữu của chủ sở hữu khi xem xét về tình trạng chiếm hữu liên tục (Điều 190 BLDS).
Nói một cách tổng quát rằng: trong trường hợp tự mình nắm giữ, quản lý tài sản thì chủ sở hữu có quyền chiếm hữu theo nghĩa đầy đủ; còn trong trường hợp tài sản được giao cho người khác chiếm hữu, thì chủ sở hữu chỉ được coi là người chiếm hữu khi cần tính thời gian chiếm hữu liên tục chứ không phải là trường hợp người chiếm hữu theo nghĩa vật chất. Ta gọi chiếm hữu theo nghĩa đầy đủ là chiếm hữu vật chất và pháp lý còn chiếm hữu theo ý nghĩa của Điều 190 là chiếm hữu pháp lý.
Yếu tố chủ quan (animus) - đặc trưng bằng thái độ tâm lý của chủ sở hữu trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến tài sản được chiếm hữu, thể hiện bằng cung cách cư xử mang tính chất quyền lực đối với tài sản (có quyền sở hữu đối với tài sản mà không phải báo cáo với bất kỳ ai về những vấn đề liên quan đến tài sản và không buộc phải giao tài sản co bất kỳ người nào. Tuy nhiên không phải bất cứ người nào có thái độ tâm lý như vậy cũng là chủ sở hữu hợp pháp của tài sản.Bởi lẽ, thái độ tâm lý đó hoàn toàn khác với sự ngay tình.
Yếu tố chủ quan được cấu thành từ hai yếu tố: ý chí và dự định. Ý chí phải được bày tỏ bởi một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Dự định chính là những xử sự của người chiếm hữu nhằm khẳng định quyền sở hữu của mình đối với tài sản đó.
Thứ hai, xác lập quyền chiếm hữu của chủ sở hữu
Hội đủ corpus và animus - Quyền chiếm hữu vật chất và pháp lý được xác lập khi hội đủ hai yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan. Riêng yếu tố chủ quan không những phải có mà còn phải được pháp luật thừa nhận. Nếu yếu tố chủ quan tuy có nhưng không được pháp luật thừa nhận thì người chiếm hữu sẽ ở trong tình trạng chiếm hữu thực tế mà không không có quyền chiếm hữu. Luật viết gọi đó là tình trạng chiếm hữu không có căn cứ pháp luật và không ngay tình.
Quyền chiếm hữu của người quản lý tài sản - Yếu tố khách quan và yếu tố chủ quan không nhất thiết phải hội đủ vào bản thân chủ sở hữu bởi có trường hợp các yếu tố này xuất hiện ở người không phải là chủ sở hữu và cũng không xem mình là chủ sở hữu, đó là người quản lý tài sản. Vai trò của người quản lý tài sản được đặt trong nhiều trường hợp: chủ sở hữu là người chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng nhận thức được hành vi của mình; chu sở hữu vắng mặt hoặc mất tích; chủ sở hữu chết; được chỉ định làm người quản lý di sản thừa kế... Khi đó, người quản lý tài sản thực hiện các tác động vật chất lên tài sản mà mình quản lý, thể hiện thái độ tâm lý của chủ sở hữu trong quá trình thực hiện những giao dịch đó. Tuy nhiên, chỉ có corpus của người quản lý còn animus được người quản lý thể hiện không hoàn hảo, bởi tài sản - đối tượng của việc chiếm hữu - thuộc sở hữu của người khác.
Thứ ba, mất quyền chiếm hữu của chủ sở hữu
Chỉ mất corpus - Việc chủ sở hữu không tự mình nắm giữ, quản lý tài sản nhưng vẫn duy trì thái độ xử sự của của chủ sở hữu đối với tài sản chỉ khiến cho chủ sở hữu mất quyền chiếm hữu vật chất chứ không mất quyền chiếm hữu pháp lý. Chính vì lẽ đó, chủ sở hữu vẫn được coi là người chiếm hữu liên tục đối với tài sản dù không tự mình nắm giữ tài sản. Mất corpus có thể xảy ra một cách tự nguyện (trong các trường hợp chủ sở hữu giao kết hợp đồng cho thuê, cho mượn, ủy quyền quản lý và sử dụng tài sản...), cũng có thể xảy ra một cách không tự nguyện (có hai loại: có animus với sự ngay tình và có animus với sự không ngay tình).
Chỉ mất animus - Trong các trường hợp chủ sở hữu đã bán tài sản của mình co người khác và đã làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho người mua; nhưng do điều kiện khách quan mà người mua chưa thể tự mình nắm giữ và quản lý tài sản mà yêu cầu người bán tiếp tục quản lý tài sản trong một thời gian nhất định. Khi đó, người bán vẫn có quyền chiếm hữu vật chất nhưng không có quyền chiếm hữu về mặt pháp lý, bởi tài sản vào lúc này thuộc quyền sở hữu của người khác.
Dẫn nhập - Điều 247, khoản 1 BLDS quy định: ” người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản, thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm chiếm hữu...”. Từ nội dung điều luật, ta có thể rút ra một nguyên tắc rằng quyền sở hữu theo thời hiệu sẽ không được xác lập nếu thiếu bất cứ một trong những yếu tố nào đã được quy định tại Điều 247 BLDS. Vấn đề đặt ra ở đây là như thế nào là chiếm hữu không liên tục, chiếm hữu gián đoạn, chiếm hữu không công khai, hoặc những trường hợp khác không thể xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu theo Điều 247 BLDS.
Chiếm hữu không liên tục - Theo Điều 190 BLDS, “việc chiếm hữu tài sản được thực hiện trong một khoảng thời gian mà không có tranh chấp về tài sản đó là chiếm hữu liên tục, kể cả khi tài sản được giao cho người khác chiếm hữu”. Như vậy, để có sự chiếm hữu liên tục với tư cách chủ sở hữu cần có đầy đủ các điều kiện sau:
- Có sự liên tục của corpus và animus.
- Không có sự tranh chấp của người thứ ba về tài sản.
Những trường hợp chiếm hữu không đáp ứng đầy đủ những điều kiện này sẽ được xem là
sự chiếm hữu không liên tục.
Chiếm hữu không công khai - Theo Điều 191 BLDS, “việc chiếm hữu được coi là công khai khi thực hiện một cách minh bạch, không giấu giếm; tài sản đang chiếm hữu được sử dụng theo tính năng, công dụng và được người chiếm hữu bảo quản, giữ gìn như tài sản của chính mình”. Yếu tố cơ bản và quan trọng nhất của khái niệm chiếm hữu công khai chính là sự công khai của corpus, nghĩa là người chiếm hữu thực hiện các tác động vật chất đối với tài sản một cách minh bạch, không giấu giếm. Và ngược lại, sự chiếm hữu trở nên không công khai một khi các giao dịch tạo thành corpus được thực hiện không minh bạch hoặc giấu giếm nhằm ngăn chặn sự truy tìm tài sản của người có quyền kiện đòi lại tài sản. Khi đó, sự chiếm hữu công khai với tất cả mọi người, trừ người có quyền kiện đòi lại tài sản vẫn là sự chiếm hữu công khai theo ý nghĩa pháp lý. Do đó, có thể nói rằng sự chiếm hữu công khai theo ý nghĩa pháp lý chỉ là một khái niệm tương đối.
Chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình -Theo Điều 189 BLDS: “Người chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình là người chiếm hữu mà không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật.”
Thứ năm, hiệu lực của quyền chiếm hữu của chủ sở hữu
Bảo vệ quyền chiếm hữu - Quyền chiếm hữu của chủ sở hữu được bảo vệ trong khuônkhổ những quy định chung về bảo vệ quyền sở hữu được ghi nhận tại các Điều từ 255 đến 261BLDS. Theo đó, người chiếm hữu là chủ sở hữu đích thực đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu trái pháp luật, và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Luật viết hiện hành ghi nhận trường hợp một người xác lập quyền chiếm hữu của chủ sở hữu đối với một tài sản nhưng không phải là chủ sở hữu đích thực của tài sản đó. Trường hợp này, trên thực tế có thể phân thành hai nhóm:
Chiếm hữu ngay tình - Người chiếm hữu trong trường hợp này có thể xác lập quyền sở hữu đối với tài sản chiếm hữu do thời hiệu và có quyền đối với một phần hoa lợi, lợi tức từ tài sản trong trường hợp phải trao trả tài sản cho chủ sở hữu đích thực.
Chiếm hữu không ngay tình - Luật không thừa nhận quyền chiếm hữu của người chiếm hữu không ngay tình trong trường hợp này và cũng không thừa nhận tình trạng chiếm hữu không ngay tình. (khoản 1, Điều 601 BLDS)
Thứ sau: chiếm hữu tài sản của người khác
Tình trạng chiếm hữu chỉ có corpus - Một khi việc chiếm hữu không có yếu tố chủ quan (animus) mà chỉ có yếu tố khách quan (corpus) thì người chiếm hữu đang ở trong tình trạng chiếm hữu tài sản của người khác. Điều 183 BLDS ghi nhận những trường hợp chiếm hữu hợp pháp của người khác, bao gồm: người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản, người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua các giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật, người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm phù hợp với các điều kiện do pháp luật quy định, người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với các điều kiện do pháp luật quy định và một số trường hợp khác do pháp luật quy định. Tất cả những người này đều có quyền xác lập những giao dịch mang tính chất vật chất tác độüng lên tài sản với tư cách của một người có quyền đối với tài sản của người khác chứ không phải đối với tài sản mà mình là chủ sở hữu.
Hiệu lực của việc chiếm hữu tài sản của người khác - Người chiếm hữu tài sản của người khác luôn có nghĩa vụ giao trả tài sản cho chủ sở hữu. Nghĩa vụ hoàn trả phải được thực hiện tại một thời điểm nào đó tùy theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Điều này xuất phát từ nguyên tắc người chiếm hữu tài sản của người khác không thể xác lập quyềnsở hữu theo thời hiệu. Người chiếm hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ trong trường hợp quyền chiếm hữu của mình bị xâm phạm theo các quy định tại các Điều từ 255 đến Điều 261 BLDS. Tuy nhiên, việc chiếm hữu tài sản của người khác chỉ được bảo vệ trong trường hợp bị xâm hại với điều kiện người chiếm hữu chứng minh được tính hợp pháp của tình trạng chiếm hữu đó của mình. Cũng cần lưu ý rằng các biện pháp bảo vệ quyền chiếm hữu tài sản của người khác không thể được áp dụng trong trường hợp có tranh chấp giữa các bên tham gia mối quan hệ kết ước làm phát sinh việc chiếm hữu đó.
Tổ bộ
môn Luật Dân sự - Khoa Luật Trường Đại học Hòa Bình,tổng hợp
- Nội dung trong bài viết có sử dụng những
kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (chú
thích rõ trong bài viết).
- Bài viết được sử dụng không nhằm mục đích
thương mại, chỉ nhằm mục đích giảng dạy, tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp
luật, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Khoa Luật Kinh tế - Đại học Hòa
Bình và Công ty Luật TNHH Everest.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề
có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, quý Vị vui lòng liên
hệ với các luật sư, luật gia của Công ty Luật TNHH Everest và Khoa Luật Kinh tế
- Đại học Hòa Bình, qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected],
hoặc trực tiếp tại địa chỉ Khoa Luật kinh tế Đại học Hòa Bình, số 8 phố Bùi
Xuân Phái, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Bình luận