Việc bố trí lại chỗ ngồi giữa Luật sư và Đại diện Viện kiểm sát có ý nghĩa quan trọng

Để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội thì vị trí ngồi giữa bên buộc tội và bên gỡ tội cũng phải được bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ và các quan điểm tranh luận tại phiên Toà.

Việc sắp xếp lại vị trí ngồi giữa luật sư và kiểm sát viên trong một phiên tòa ngang nhau là thực hiện tinh thần cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa giữa kiểm sát viên (bên buộc tội) và luật sư (bên gỡ tội)”. Như vậy, việc bố trí chỗ ngồingang bằng nhau giữa Luật sư và Đại diện Viện kiểm sát có ý nghĩa như thế nào?

Thứ nhất, mô hình bố trí chỗ ngồi trong phiên tòa hình sự còn bất cập.

Ở nước ta, hiện nay việc bố trí chỗ ngồi trong phiên tòa hình sự thường là: Hội đồng xét xử (HĐXX) ngồi chính giữa, dưới Quốc huy; Thư ký phiên tòa ngồi bên trái (hoặc bên phải HĐXX); đại diện Viện kiểm sát ngồi đối diện với Thư ký phiên tòa. Cả HĐXX, Thư ký phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát được bố trí trên cùng một mặt bằng; Luật sư ngồi ở dưới một bậc cùng mặt bằng với bị cáo, bị hại, người có nghĩa vụ liên quan và người tham dự phiên tòa. Xét về vai trò từng thành phần: HĐXX là trung tâm, điều hành và ra phán quyết; Thư ký phiên tòa giúp việc cho HĐXX; Kiểm sát viên đại diện cơ quan công tố thực hiện việc buộc tội; Luật sư là bên gỡ tội. Khi HĐXX vào phòng xử thì mọi người đều phải đứng dậy chào, kể cả Kiểm sát viên, do đó không thể để HĐXX ngồi ngang hàng với Kiểm sát viên và Thư ký phiên tòa được. Mặt khác, tất cả những người tham gia phiên tòa đều phải chịu sự điều khiển của HĐXX. Trong quá trình xét xử, nếu thấy cần thiết HĐXX có quyền yêu cầu Kiểm sát viên kiểm sát quá trình điều tra làm sáng tỏ các tình tiết vụ án. Chủ thể Kiểm sát viên bị HĐXX hỏi và thực hiện yêu cầu của HĐXX thì không thể ngồi ngang hàng với HĐXX được.

Với mô hình phòng xét xử như hiện nay, qua nhiều lần hội thảo, đa số ý kiến của các chuyên gia pháp luật, nhà khoa học cho rằng bên buộc tội ngồi ở vị trí bên trên, bên gỡ tội ngồi ở vị trí dưới là không bảo đảm nguyên tắc tranh tụng theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 cũng như những nguyên tắc bảo đảm sự bình đẳng của các bên trong tranh tụng. Một thực tế có thể nhận thấy là tại phiên tòa, chỗ ngồi của Luật sư thấp hơn chỗ ngồi của Kiểm sát viên nên mới chỉ nhìn vào đã thấy sự bất bình đẳng giữa hai bên.

Kiểm sát viên ở phía trên nhìn xuống, nói xuống, trong khi Luật sư thì từ dưới nhìn lên, đối đáp vọng lên, càng thể hiện sự bất bình đẳng giữa hai bên, tạo nên cảm giác như đó không phải là một quá trình tranh tụng bình đẳng mà như là một hình thức tranh tụng trên - dưới. Vị trí chỗ ngồi hiện nay trong phòng xét xử không phản ánh đúng vai trò của từng thành phần tham gia tố tụng. Chỗ ngồi kiểu này sẽ gây ra lầm tưởng rằng: cả Kiểm sát viên lẫn Thư ký phiên tòa đều nằm trong HĐXX và cũng đang tham gia điều khiển phiên tòa.

Thứ hai, Luật sư vàĐại diện Viện kiểm sátđược bố trí ngồi ngang bằng nhau thể hiện sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội.

h

Hiện tại, vị trí ngồi của Kiểm sát viên và Thư ký phiên tòa ngang hàng với HĐXX

Để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội thì vị trí ngồi giữa bên buộc tội và bên gỡ tội cũng phải được bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ và các quan điểm tranh luận tại phiên toà thì mới thể hiện tính uy nghiêm của phiên tòa, đảm bảo sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội. Kiểm sát viên thực hiện quyền công tố chỉ ra hành vi của bị cáo đã phạm vào tội gì và đề nghị mức hình phạt tương ứng. Luật sư thực hiện chức năng bào chữa cho bị cáo, chứng minh bị cáo không phạm tội hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

Căn cứ vào chứng cứ, lập luận và các tình tiết được hai bên buộc tội, gỡ tội đưa ra, HĐXX sẽ xem xét, đánh giá bị cáo có phạm tội hay không để từ đó áp dụng quy định của pháp luật tuyên một bản án chính xác. Với tính chất, chức năng như vậy, có thể thấy rằng chỉ duy nhất HĐXX (nhân danh Nhà nước) với vị trí trung tâm phải ngồi độc lập phía trên để tuyên án. Bên buộc tội và bên gỡ tội phải được đặt ở vị trí ngang nhau, bình đẳng với nhau để thực hiện tốt nhất chức năng của mình. Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm - điều này có nghĩa là việc tranh tụng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội được bình đẳng xét xử; khi mà vị trí ngồi của đại diện Viện kiểm sát và chỗ ngồi của Luật sư vẫn còn cao thấp thì chưa thể đáp ứng yêu cầu tranh tụng, chưa phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp.

Một trong các nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị, đó là: “Đổi mới việc tổ chức phiên toà xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên toà xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”. Để thể chế hóa các định hướng, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 trong đó có quy định về “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”, “Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm” thì một trong các vấn đề lớn đặt ra trong quá trình sửa đổi, bổ sung các luật tố tụng đó là yêu cầu đổi mới hình thức tổ chức phiên tòa, đặc biệt là đối với phiên tòa hình sự.

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIII, Quốc hội đã thông qua BLTTHS năm 2015; BLTTDS năm 2015; Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Trong các đạo luật này đều có điều luật quy định về phòng xử án. Đối với vụ án hình sự, Điều 257 BLTTHS quy định về phòng xử ản như sau: “1- Phòng xử án phải được bố trí thể hiện sự trang nghiêm, an toàn, bảo đảm sự bình đẳng giữa người thực hành quyền công tố và Luật sư, người bào chữa khác. 2- Chánh án TANDTC quy định chi tiết Điều này”. Tuy nhiên, do chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể nên dẫn đến tình trạng việc tổ chức phiên toà, hình thức bố trí các phòng xử án không có sự thống nhất trên phạm vi toàn quốc, chưa thể hiện được đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng đặc thù của từng cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng.

j

Chỗ ngồi của Kiểm sát viên và Luật sư bằng nhau, ở phía dưới HĐXX (mô hình của TAND TP. Đà Nẵng)

Thực tiễn thời gian qua, TAND hai cấp TP Đà Nẵng là đơn vị tiên phong sắp xếp lại phòng xử án, trong đó vị trí của Kiểm sát viên và Luật sư được bố trí ngang hàng nhau và ở bên dưới vị trí của HĐXX. Đổi mới này đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, nhận được sự đồng tình cao của cấp ủy, chính quyền địa phương, được dư luận đồng tình ủng hộ. Việc bố trí hình thức phiên tòa như trên tỏ ra ưu việt hơn so với mô hình truyền thống, bởi nó đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh tranh tụng trong xét xử và phù hợp với xu thế tiến bộ của thế giới.

Để kịp thời tổ chức thi hành BLTTHS năm 2015; BLTTDS năm 2015; Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Chánh án TANDTC đã xây dựng dự thảo Thông tư quy định về phòng xử án áp dụng đối với vụ án hình sự, vụ án hành chính, xét xử và giải quyết vụ việc dân sự, đã thể hiện vị trí của HĐXX, Thư ký, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, bị cáo, các đương sự và những người tham gia tố tụng khác, người tham dự phiên tòa. Trong quá trình xây dựng dự thảo, TANDTC đã đăng tải trên cổng thông tin điện tử TANDTC và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ban, ngành như: Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Hội đồng Thẩm phán TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, TAND, TAQS các cấp, các chuyên gia, các nhà khoa học… về mô hình phòng xử án. Theo đó, đa số đều thống nhất rằng cần phải bố trí lại mô hình phòng xử án.

Trong đó, tại phiên toàn hình sự, dự thảo Thông tư quy định về phòng xử án đã sắp xếp vị trí của đại diện Viện kiểm sát được bố trí đối diện và ngang hàng với vị trí của Luật sư nhằm thể hiện sự bình đẳng giữa các bên, qua đó góp phần bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Ở bình diện quốc tế, điểm chung nhất của các mô hình phòng xử án của nhiều quốc gia có nền tư pháp tiến bộ trên thế giới như Hoa Kỳ, Australia, Canada, Đức, Nga, hay các nước gần gũi về địa giới, phong tục, tập quán và truyền thống pháp lý với Việt Nam như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia... vị trí của HĐXX luôn cao hơn vị trí của các thành phần khác, còn vị trí của Kiểm sát viên (Công tố viên) và vị trí của người bào chữa (Luật sư) luôn ngang hàng, bình đẳng với nhau.

Việc đổi mới hình thức tổ chức phiên tòa theo hướng bố trí lại vị trí chỗ ngồi của bên buộc tội và bên gỡ tội ngang nhau thể hiện sự bình đẳng giữa các bên, tạo tâm lý thuận lợi cho Luật sư khi tranh tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo. Cách thức bố trí phòng xét xử tuy chỉ là hình thức nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thể hiện tính dân chủ, sự bình đẳng giữa các bên, góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa; đồng thời, cũng thể hiện được vị trí trung tâm của HĐXX- nhân danh Nhà nước thực hiện quyền tư pháp. Việc đổi mới vị trí ngồi của Kiểm sát viên và Luật sư chính là sự thể hiện của tinh thần thay đổi từ mô hình tố tụng xét hỏi sang mô hình tranh tụng.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Tòa án giữ vai trò trung tâm trong hoạt động xét xử và phải đảm bảo nguyên tắc độc lập trong hoạt động xét xử nên HĐXX phải ngồi vị trí độc lập, cao nhất, phía Quốc huy. Còn đại diện Viện kiểm sát và Luật sư là các bên buộc tội và gỡ tội, chỗ ngồi phải bảo đảm bình đẳng, vị trí ngang bằng nhau để thực hiện tranh tụng giữa bên buộc tội và gỡ tội. Đây cũng chính là việc thực hiện chủ trương cải cách tư pháp là kết hợp mô hình tố tụng xét hỏi và mô hình tố tụng tranh tụng mà Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về CCTP đã đề ra, BLTTHS 2015 cũng đã thể chế điều này. Như vậy mới đảm nguyên tắc tranh tụng - một yếu tố quan trọng trong cải cách tư pháp hiện nay.

Luật sư Nguyễn Thị Yến - Trưởng nhóm tư vấn trực tuyến - Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp.