Mỗi người sinh ra đều có năng lực hành vi để giao tiếp, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong cuộc sống dân sự. Thế nhưng, nguyên tắc này chỉ được áp dụng trong chừng mực chủ thể có khả năng chịu trách nhiệm về những hệ quả của hành vi do mình thực hiện.
Ngoại lệ do điều kiện tự nhiên. Các ngoại lệ do điều kiện tự nhiên bao gồm tình trạng hoàn toàn không có năng lực hành vi do chưa đủ 6 tuổi và tình trạng có năng lực hành vi không đầy đủ do chưa đủ 18 tuổi. Những người chưa đủ 18 tuổi được cho là chưa đủ chín mùi về thể chất để có thể nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tác động xã hội, pháp lý của hành vi do mình thực hiện. Sự suy đoán là không thể đảo ngược, nghĩa là không ai có thể nói khác đi.
Ngoại lệ do điều kiện tự nhiên được áp dụng mà không cần một thủ tục pháp lý nào: chừng nào đương sự chưa đạt đủ 18 tuổi, tình trạng chưa đủ năng lực hành vi được thiết lập một cách đương nhiên.
Ngoại lệ do quy định của pháp luật. Các ngoại lệ do quy định của pháp luật bao gồm tình trạng mất năng lực hành vi do không nhận thức được hành vi của mình và tình trạng hạn chế năng lực.
Khác với ngoại lệ do điều kiện tự nhiên, ngoại lệ do pháp luật quy định đòi hỏi sự can thiệp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong điều kiện đương sự đang được thừa nhận hoàn toàn có đủ năng lực hành vi, nhưng không xứnbg đáng với sự thừa nhận đó nữa, do những khiếm khuyết nghiêm trọng về thể chất hoặc về nhân cách. Bởi vậy:
- Người mắc bệnh gì đó mà không nhận thức được hành vi của mình vẫn là người có năng lực hành vi đầy đủ cho đến khi nào bị đặt trong tình trạng mất năng lực hành vi bằng một bản án của Toà án. Tương tự, người thường xuyên có hành vi phá tán tài sản vẫn có năng lực hành vi đầy đủ và vẫn có quyền tự mình xác lập mọi giao dịch (bao gồm các giao dịch có tính chất phá tán) chừng nào chưa bị tuyên bố hạn chế năng lực hành vi bằng một bản án của Toà án.
- Người đã bị đặt trong tình trạng mất năng lực hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi bằng một bản án của Toà án sẽ ở trong tình trạng này, chừng nào bản án chưa được dỡ bỏ, ngay cả trong trường hợp đã khôi phục hoàn toàn khả năng nhận thức của mình hoặc đã chấm dứt hoàn toàn các hoạt động mang tính chất phá tán tài sản.
Lý lẽ của nguyên tắc và ngoại lệ
Lý lẽ của nguyên tắc
Hệ quả tất yếu của việc thừa nhận sự bình đẳng giữa các chủ thể. Việc thiết lập nguyên tắc theo đó, mỗi người đều được thừa nhận có đầy đủ năng lực hành vi xuất phát từ một quy tắc cơ bản của luật về quyền chủ thể: mỗi người đều được đối xử ngang nhau trong việc xác lập tư cách chủ thể của các quyền; mỗi người có quyền đều được đối xử ngang nhau trong việc thực hiện quyền của mình. Quy tắc đó có nguồn gốc từ sự tự do của con người và từ chân lý “con người sinh ra bình đẳng”.
Lý lẽ của ngoại lệ
Sự khác biệt giữa các chủ thể. Sự đối xử ngang nhau dành cho các chủ thể chỉ tỏ ra hợp lý một khi các chủ thể có khả năng nhận thức, khả năng chịu trách nhiệm ngang nhau, cũng như đều xứng đáng như nhau trong việc hưởng quyền, đảm nhận nghĩa vụ. Trên thực tế, điều này không phải lúc nào cũng được bảo đảm. Một cách hợp lý, các chủ thể khác nhau về khả năng nhận thức, chịu trách nhiệm hoặc ở những mức độ xứng đáng khác nhau sẽ được đối xử không giống nhau.
Tình trạng không có năng lực hành vi. Tình trạng không có năng lực hành vi được thiết lập nhằm mục đích cao nhất là bảo vệ những người không có năng lực, chống lại việc người này tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản của mình trong điều kiện không có hoặc không đủ khả năng đánh giá tầm quan trọng của các hệ quả pháp lý mà giao dịch ấy có thể mang lại cho mình.
Tính chất bảo vệ đối với người không có năng lực hành thể hiện rõ nét ở việc tổ chức và vận hành cơ chế đại diện cho người không có năng lực hành vi, như ta sẽ thấy. Cơ chế đại diện cho phép cả sự giám sát và sự can thiệp của người đại diện vào các giao dịch xác lập nhân danh người không có năng lực hành vi.
Không có năng lực pháp luật. Trái lại, tình trạng không có năng lực pháp luật được thiết lập với các mục đích đa dạng, được xác định gần như tuỳ theo trường hợp.
Có trường hợp không có năng lực pháp luật được hiểu như một biện pháp chế tài. Chẳng hạn, người bị kết án về tội tham ô không có năng lực pháp luật đảm nhận các công việc mang tính chất quản lý tài sản của người khác; người bị kết án về các tội xâm phạm tính mạng, danh dự, nhân phẩm của trẻ em không có năng lực pháp luật nuôi con nuôi.
Có trường hợp không có năng lực pháp luật được hiểu là biện pháp bảo vệ đương sự. Ví dụ, điển hình là tình trạng không có năng lực chịu trách nhiệm hình sự của người chưa đủ 14 tuổi, của người không nhận thức được hành vi của mình: người này, dù phạm tội, không thể chịu hình phạt mà được xử lý bằng những biện pháp đặc biệt có tác dụng.
Có trường hợp không có năng lực pháp luật mang ý nghĩa kép: vừa bảo vệ đương sự, vừa bảo vệ người thứ ba chống lại những hành động thiếu suy nghĩ của đương sự có thể dẫn đến hậu quả bất lợi cho người thứ ba, thậm chí cho xã hội. Ví dụ điển hình là tình trạng không có năng lực pháp luật lập di chúc của người chưa đủ 15 tuổi: người này có thể định đoạt tài sản của mình một cách thiếu suy nghĩ, nhưng cũng có thể định đoạt tài sản của người khác mà không biết. Tình trạng không có năng lực chịu trách nhiệm hình sự của người dưới 14 tuổi cũng có thể được hiểu theo nghĩa kép đó: một mặt, người phạm tội dưới 14 tuổi không chịu trách nhiệm hình sự; mặt khác, nạn nhân của người phạm tội dưới 14 tuổi có thể được bảo vệ trong trường hợp người phạm tội chịu sự xúi giục của người khác.
Tổ bộ môn Luật Dân sự - Khoa Luật Trường Đại học Hòa Bình, tổng hợp
Liên kết đào tạo và hợp tác việc làm giữa Trường Đại học Hòa Bình và Công ty Luật TNHH Everest là hoạt động cần thiết để giải quyết thực trạng chênh lệch giữa nhu cầu của doanh nghiệp và sự đáp ứng của nhà trường. Hướng đến mục tiêu đào tạo 100% sinh viên có việc làm sau khi trường, Trường Đại học Hòa Bình triển khai liên kết chặt chẽ với Công ty Luật TNHH Everest trong công tác đào tạo sinh viên và tạo điều kiện việc làm cho sinh viên mới ra trường. Để được tư vấn pháp luật, Quý khách vui lòng gọi tới tổng đài tư vấn 19006198.
Bình luận