Theo Điều 17 Công ước Luât biển 1982 thì “với điều kiện phải chấp hành Công ước, tàu thuyền của tất cả các quốc gia, có biển hay không có biển, đều được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải”
Lãnh hải là vùng biển nằm phía ngoài và tiếp liền nội thủy, có chiều rộng không vượt quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở. Lãnh hải được xác định bằng hai phương pháp đó là đường cơ thông thường và đường cơ sở thẳng.
Theo Điều 17 Công ước Luât biển 1982 thì“với điều kiện phải chấp hành Công ước, tàu thuyền của tất cả các quốc gia, có biển hay không có biển, đều được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải”. Trên cơ sở quy định của Công ước Luật biển, tất cả tàu thuyền nước ngoài được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải của quốc gia ven biển.
Thứ nhất, giải thích một số thuật ngữ: “đi qua” và “đi qua không gây hại”.
Theo Điều 18 Công ước Luật biển 1982 thì đi qua lãnh hải được hiểu là: “a) Đi ngang qua nhưng không đi vào nội thủy, không đậu lại trong một vũng tàu hoặc một công trình cảng ở bên ngoài nội thủy; hoặcb) Đi vào hoặc rời khỏi nội thủy, hoặc đậu lại hay rời khỏi một vũng tàu hay một công trình cảng trong nội thủy.”
Từ quy định trên có thể hiểu “đi qua” tức là đi qua lãnh hải để vào nội thủy; hoặc từ nội thủy đi ra qua lãnh hải; hoặc đi qua lãnh hải mà không vào nội thủy. Đi qua là trạng thái di chuyển liên tục của tàu thuyền, không được phép dừng lại (trừ trường hợp bất khả kháng như gặp sự cố thông thường về hàng hải, mắc cạn, hoặc vì mục đích cứu giúp người, phương tiện khác đang bị lâm nguy). Việc qua lại vô hại phải được tiến hành nhanh chóng và liên tục.
Đi qua không gây hại được định nghĩa tại Điều 19 Công ước Luật biển 1982 như sau: “Việc đi qua là không gây hại, chừng nào nó không làm phương hại đến hòa bình, trật tự hay an ninh của quốc gia ven biển. Việc đi qua không gây hại cần phải được thực hiện theo đúng với các quy định của Công ước vàcác quy tắc khác của pháp luật quốc tế”.
Quyền đi qua không gây hại là một quyền mang tính tập quán. Quyền này được thừa nhận vì lợi ích phát triển, hợp tác kinh tế và hàng hải của cả cộng đồng cũng như từng quốc gia. Việc đi qua của tàu thuyền nước ngoài bị coi là phương hại đến hòa bình, trật tự hay anh ninh của quốc gia ven biển nếu như ỏ trong vùng lãnh hải tàu thuyền tiến hành một hay bất kì hoạt động nào được quy định tại khoản 2 Điều 19 của Công ước Luật biển 1982.
Thứ hai, về quyền đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải theo quy định của Công ước Luật biển 1982.
Theo quy định của công ước Luật biển 1982, Điều 21 quy định các vấn đề cho phép các quốc gia ven biển có quyền ban hành các văn bản pháp luật và các quy tắc liên quan đến việc đi qua vô hại.
Quốc gia ven biển có quyền ấn định các tuyến đường, quy định việc phân chia các luồng giao thông dành cho tàu thuyền nước ngoài đi qua lãnh hải của mình. Các tuyến đường này được định ra phải phù hợp với các quy định của công ước.
Các quốc gia ven biển không được quyền cản trở việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài. Các quốc gia ven biển không được phép đưa ra các điều kiện cho tàu thuyền nước ngoài đi qua lãnh hải của mình phải xin phép hoặc thông báo trước, cho dù quyền qua lại vô hại song song cùng chủ quyền quốc gia và không làm mất đi chủ quyền đó. Theo quy định tại Điều 26, quốc gia ven biển cũng không được phép thu lệ phí đối với tàu thuyền nước ngoài qua đi qua lãnh hải. Trừ trường hợp thu lệ phí để trả công cho các dịch vụ riêng đối với tàu thuyền mà quốc gia ven biển đã thực hiện như cung cấp lương thực, dai lắt tàu….Tuy nhiên, việc thu phí trong trường hợp này không được phân biệt đối xử giữa các tàu thuyền mang quốc tịch khác nhau.
Mặc dù chế độ đi qua không gây hại nhằm vì lợi ích chung của cả công đồng cũng như từng quốc gia để phát triển kinh tế, giao lưu hợp tác. Tuy nhiên, quyền đi qua không gây hại không phải là quyền tuyệt đối. Trong một số trường hợp cần thiết, quốc gia ven biển có thể thi hành các biện pháp cần thiết trong lãnh hải của mình để ngăn cản mọi việc đi qua có gây hại. Để đảm bảo an ninh quốc gia, quốc gia ven biển có thể tạm đình chỉ việc thực hiện quyền đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài tại các khu vực nhất định trong lãnh hải của mình. Việc tuyên bố tạm thời đình chỉ quyền qua lại vô hại chỉ có hiệu lực khi đã được thực hiện đúng thủ tục và không có sự phân biệt đối xử giữa các tàu thuyền nước ngoài.
Theo Công ước 1982, trong vùng lãnh hải, tàu thuyền được phép đi qua không gây hại, bao gồm cả tàu quân sự. Tuy nhiên, tàu ngầm phải đi ở tư thế nổi, tàu xi – teec (navires-citernes), các tàu chạy bằng động cơ năng lượng hạt nhân và các tàu chở các chất hay các nguyên liệu phóng xạ hoặc các chất khác vốn có nguy hiểm hay động hại có thể bị bắt buộc di chuyển theo tuyến đường nhất định để đảm bảo an ninh cho quốc gia ven biển. Đối với tàu ngầm, sở dĩ phải đi nổi bởi vì đây là quyền đi qua không gây hại ở đây được hiểu là quyền đi qua không gây hại trên mặt nước. Như vậy, tàu ngầm hoặc các phương tiện đi chuyển dưới mặt nước muốn hưởng quyền đi qua không gây hại thì phải đi ở tư thế nổi. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật Việt Nam, tàu quân sự nước ngoài phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước khi thực hiện quyền đi qua không gây hại.
Luật gia Hồ Nguyên Hồng - Phòng tư vấn pháp luật của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, tổng hợp.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận