-->

Sự phát triển của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân qua các hiến pháp

Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo Hiến pháp, luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa và chống các biểu hiện quan liêu...

Với cách mạng tháng Tám, nhân dân ta đã đánh đổ toàn bộ bộ máy chính quyền cai trị của thực dân Pháp và chế độ phong kiến từ Trung ương đến địa phương. Thay vào đó là một bộ máy chính quyền nhân dân mới được xác lập. Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt là "thiết lập một chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt của nhân dân".
 Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Trên phạm vi toàn quốc, Uỷ ban dân tộc giải phóng do Đại hội quốc dân họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) bầu ra sau được đổi thành Chính phủ lâm thời là cơ quan chính quyền của nhân dân, đại diện cho nhân dân toàn quốc. Ở các địa phương thay cho bộ máy chính quyền cũ bị đánh đổ là các Uỷ ban nhân dân cách mạng và Uỷ ban công nhân cách mạng được thành lập. Một số địa phương trước đó đã có Uỷ ban dân tộc giải phóng cũng được chuyển thành Uỷ ban cách mạng.

Ngày 02/09/1945 Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào. tiếp theo đó Chính phủ đã xúc tiến các biện pháp nhằm thành lập và hoàn chỉnh hệ thống cơ quan chính quyền địa phương kiểu mới.

Theo Sắc lệnh số 63 ngày 22/11/1945 qui định về tổ chức chính quyền nhân dân xã, huyện, tỉnh, kỳ và Sắc lệnh số 77 ngày 21/12/1945 qui định tổ chức chính quyền nhân dân thành phố, thị xã, khu phố thì cơ quan chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân do dân cử ra và Uỷ ban hành chính do Hội đồng nhân dân bầu ra. Ở huyện, kỳ và khu phố chỉ có Uỷ ban hành chính. Thể lệ bầu cử Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính xã, tỉnh, huyện, kỳ được qui định tại Nghị định số 161 ngày 29/12/1945 của Bộ Nội vụ về thể lệ bầu cử Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính thành phố, khu phố được qui định tại Nghị định số 31 ngày 28/01/1946 của Bộ Nội vụ.
Hiến pháp năm 1946 hiến định hoá cách tổ chức cơ quan chính quyền địa phương trên đây trong chương V "Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính" với các điều từ 57 đến 62.

Thực hiện quy định của Hiến pháp và các sắc lệnh, một hệ thống chính quyền địa phương kiểu mới được khẩn trương thiết lập. Tuy nhiên do điều kiện thời bấy giờ mà ở nhiều nơi không thành lập được Hội đồng nhân dân mà vẫn chỉ có một mình Uỷ ban hành chính tồn tại cho mãi đến sau này.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh 254/SL ngày 19/11/1948 quy định việc tổ chức chính quyền địa phương trong thời kỳ kháng chiến và Sắc lệnh số 255/SL ngày 19/11/1948 về tổ chức chính quyền nhân dân địa phương ở những vùng tạm thời bị địch kiểm soát hay uy hiếp.

Sau khi kháng chiến thắng lợi ở miền Bắc Nhà nước dã tiến hành các biện pháp củng cố chính quyền địa phương. Sắc luật số 004/SL ngày 20/07/1957 về thể lệ bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và Sắc luật số 110/SL ngày 31/05/1958 về tổ chức chính quyền địa phương được ban hành qui định tổ chức lại cơ quan chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính.

Hiến pháp năm 1959 đã thực hiện một sự đổi mới căn bản tổ chức cơ quan chính quyền địa phương. Theo Hiến pháp này đơn vị hành chính nước ta không còn cấp kỳ (Bộ). Nước được chia thành tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương; tỉnh chia thành huyện, thành phố, thị xã; huyện chia thành xã, thị trấn. Ở tất cả các đơn vị hành chính kể trên đều thành lập Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính. Các thành phố có thể chia ra khu phố có Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính. Lần đầu tiên Hội đồng nhân dân được xác định là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Uỷ ban hành chính các cấp là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân địa phương. Những qui định này được kế thừa qua các Hiến pháp cho tới sau này. Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính 25/10/1962 đã cụ thể hoá các qui định trên của Hiến pháp.

Đến Hiến pháp năm 1980 không còn khu tự trị (đã bỏ do Nghị quyết kỳ họp thứ II Quốc hội khoá V ngày 27/12/1975) nhưng lập ra đơn vị hành chính đặc khu - tương đương tỉnh và phường ở những thành phố, thị xã. Cách thức tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, thẩm quyền của chúng được Hiến pháp 1980 qui định khá đầy đủ (Chương IX). Những qui định của Hiến pháp lại được cụ thể hoá bởi Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (6-1983). Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 1989 đưa thêm vào cơ cấu Hội đồng nhân dân một cơ quan mới: Thường trực Hội đồng nhân dân.

Hiến pháp hiện hành - Hiến pháp năm 1992 - về cơ bản giữ nguyên cách tổ chức hệ thống chính quyền địa phương như hiện tại, bỏ đơn vị hành chính đặc khu. Tuy nhiên, Hiến pháp năm 1992 không qui định việc tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ở các đơn vị hành chính như trước đây mà để cho Luật định. Đặc biệt Hiến pháp cũng không nhắc đến Thường trực Hội đồng nhân dân với tính cách là một cơ quan như Luật sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 1980 (1989) đã qui định với ý chỉ còn coi Thường trực Hội đồng nhân dân như là một bộ phận gắn bó của Hội đồng nhân dân. Sự phân định chức năng giữa Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban cũng có những đổi mới v.v... Tất cả những điều này sau này được qui định rõ trong Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 1994 và Pháp lệnh về nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của mỗi cấp Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 1996.

Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003 đã có một số sửa đổi, bổ sung trong tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân như: quy định quyền giám sát của Hội đồng nhân dân và các Ban của Hội đồng nhân dân, quy định thẩm quyền bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Hội đồng bầu; tổ chức Thường trực Hội đồng nhân dân ở tất cả các cấp; phân định rõ nhiệm vụ quyền hạn của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân từng cấp (tỉnh huyện, xã) ngay tại Luật chứ không để Pháp lệnh quy định như trước nữa, thể hiện sự phân cấp mạnh hơn cho địa phương; phân định cụ thể hơn thẩm quyền và trách nhiệm giữa Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân.

Theo quy định hiện hành thì hệ thống chính quyền địa phương nước ta gồm ba cấp: tỉnh và tương đương, huyện và tương đương, xã và tương đương. Ở mỗi cấp đều có Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân. Hội đồng nhân dân các cấp đều có Thường trực Hội đồng nhân dân. Hội đồng nhân dân từ cấp huyện trở lên còn có các ban để giúp Hội đồng nhân dân hoạt động. Uỷ ban nhân dân có các sở, phòng chuyên môn của mình.

Thạc sỹ Phạm Ngọc Minh - Khoa Luật Trường Đại học Hòa Bình, tổng hợp


Liên kết đào tạo và hợp tác việc làm giữa Trường Đại học Hòa Bình và Công ty Luật TNHH Everest là hoạt động cần thiết để giải quyết thực trạng chênh lệch giữa nhu cầu của doanh nghiệp và sự đáp ứng của nhà trường. Hướng đến mục tiêu đào tạo 100% sinh viên có việc làm sau khi trường, Trường Đại học Hòa Bình triển khai liên kết chặt chẽ với Công ty Luật TNHH Everest trong công tác đào tạo sinh viên và tạo điều kiện việc làm cho sinh viên mới ra trường. Để được tư vấn pháp luật, Quý khách vui lòng gọi tới tổng đài tư vấn 19006198.