Sở hữu của hộ gia đình, tổ hợp tác

Hộ gia đình, tổ hợp tác không phải là những pháp nhân. Hộ gia đình, tổ hợp tác là những khái niệm của luật về nhân thân, dùng để chỉ một nhóm người gắn bó với nhau do quan hệ huyết thống, hôn nhân...

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Thứ nhất, Chủ thể

Hộ gia đình, tổ hợp tác không phải là những pháp nhân. Suy cho cùng hộ gia đình, tổ hợp tác chỉ là những khái niệm của luật về nhân thân, dùng để chỉ một nhóm người gắn bó với nhau do quan hệ huyết thống, hôn nhân hoặc quan hệ bè bạn, thầy trò và lao động trong cùng một ngành, nghề, một lĩnh vực hoặc cùng có quyền sử dụng đối với đất được giao trong tình trạng không phân chia. (Điều 106, Điều 111 BLDS )

Thành viên của hộ gia đình

Hộ gia đình theo Điều 106 BLDS tức là một đơn vị kinh tế, chứ không phải là tập hợp những người được ghi tên trong sổ hộ khẩu. Tất cả các thành viên hộ gia đình đều là thành viên của gia đình; nhưng không phải thành viên nào của gia đình cũng là thành viên của hộ gia đình. Có trường hợp thành viên của gia đình chưa thành niên và chưa tham gia lao động cùng với các thành viên khác trong hoạt động kinh tế chung của hộ gia đình. Những người này vẫn là chủ thể của các quyền của một thành viên đối với các tài sản của hộ gia đình105, nhưng với điều kiện phải tham gia lao động cùng với các thành viên khác một khi có khả năng và có điều kiện để lao động. Cũng có những trường hợp thành viên của gia đình đã thành niên, nhưng hoạt động trong một lĩnh vực kinh tế, nghề nghiệp khác với lĩnh vực kinh tế, nghề nghiệp của hộ gia đình. Những người này cũng trở thành người có quyền của một thành viên đối với các tài sản thuộc hộ gia đình, một khi trở về tham gia vào hoạt động kinh tế chung của hộ. Các điều kiện nêu trên được gọi là những “điều kiện treo”106 để một người có quyền của một thành viên đối với khối tài sản thuộc hộ gia đình. Ta có thể chia thành viên của hộ gia đình thành hai nhóm:

- Thành viên đầy đủ: là thành viên của gia đình và đang tham gia vào hoạt động kinh
tế chung của hộ;

- Thành viên có điều kiện: là thành viên của gia đình nhưng chưa tham gia vào hoạt động kinh tế chung của hộ.


Khác với hộ gia đình, tổ hợp tác xây dựng lực lượng thành viên của mình thông qua quan hệ hợp đồng chứ không phải quan hệ gia đình. Ta có hai loại thành viên tổ hợp tác: thành viên tham gia sáng lập và thành viên được nhận vào.

Thứ hai, tài sản

Tài sản có của hộ gia đình, tổ hợp tác

Tài sản của hộ gia đình - gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thoả thuận là tài sản chung của hộ (BLDS Điều 108). Các tài sản này đều có chung một đặc điểm: đó là phương tiện thực hiện hoạt động kinh tế chung của hộ.

Tài sản của tổ hợp tác - là “tài sản do các tổ viên đóng góp, cùng tạo lập hoặc được tặng cho
chung” (BLDS Điều 114 khoản 1).

Tài sản nợ của hộ gia đình, tổ hợp tác

Nợ chung của hộ gia đình - là những khoản nợ thỏa mãn hai điều kiện: 1 - Chủ thể xác lập nghĩa vụ là chủ hộ gia đình hoặc là người được chủ hộ uỷ quyền hợp lệ; 2 - Nghĩa vụ phải được xác lập trong khuôn khổ hoạt động kinh tế chung của hộ gia đình và vì lợi ích chung của hộ.

Nợ chung của tổ hợp tác - là những khoản nợ thỏa mãn ba điều kiện: 1 - Chủ thể xác lập nghĩa vụ phải là tổ trưởng hoặc người được tổ trưởng uỷ quyền hợp lệ; 2 - Nghĩa vụ phải được xác lập phù hợp với mục đích hoạt động của tổ hợp tác; 3 - Việc xác lập nghĩa vụ phải được sự chấp thuận của đa số tổ viên107; nếu nghĩa vụ được xác lập do hiệu lực của một giao dịch định đoạt có đối tượng là tư liệu sản xuất của tổ, thì phải có sự chấp thuận của tất cả các
tổ viên.

Các chủ nợ chung của hộ gia đình (tổ hợp tác) có quyền yêu cầu kê biên và bán tài sản của hộgia đình (tổ hợp tác) để thu hồi nợ (BLDS Điều 110 khoản 2, Điều 117 khoản 2). Trong trường hợp tài sản chung không đủ để thanh toán nợ, thì các thành viên của hộ gia đình trả nợ của hộ bằng tài sản riêng theo nguyên tắc liên đới (BLDS Điều 110 khoản 2); các thành viên của tổ hợp tác trả nợ bằng tài sản riêng theo nguyên tắc liên đới theo phần tương ứng với phần đóng góp bằng tài sản của mình (Điều 117 khoản 2).

Nợ riêng của thành viên hộ gia đình (tổ hợp tác) - Các nghĩa vụ do người đại diện hợp pháp của hộ gia đình (tổ hợp tác) xác lập, một cách trực tiếp hoặc thông qua người được uỷ quyền, mà không có đủ các điều kiện trên đây, là nợ riêng của người đó. Cũng như vậy, một khi nghĩa vụ do một thành viên hộ gia đình (tổ viên tổ hợp tác) xác lập ngoài khuôn khổ hợp đồnguỷ quyền giao kết với chủ hộ (tổ trưởng tổ hợp tác) nhằm thực hiện các chức năng của hộ gia đình (hay vì mục đích hoạt động của tổ hợp tác) cũng được xem là nợ riêng của thành viên đó. Chủ nợ riêng của thành viên không có quyền yêu cầu kê biên và bán tài sản chung của hộ gia đình (tổ hợp tác), cũng không có quyền yêu cầu phân chia tài sản chung của hộ gia đình (tổ hợp tác) để nhận tiền thanh toán theo khoản 2 Điều 224 BLDS. Đặc biệt, chủ nợ của thành viên tổ hợp tác cũng không có quyền yêu cầu kê biên phần quyền sở hữu của tổ viên trong tài sản chung, bởi phần quyền này chỉ tồn tại ở thời điểm thanh toán phần tài sản của tổ viên đóng góp vào tổ.

Quyền của thành viên hộ gia đình (tổ hợp tác) - Luật không có quy định về quyền của cácthành viên hộ gia đình đối với tài sản chung của hộ. Nói chung, thành viên hộ gia đình tham gia vào đời sống pháp lý của hộ theo các quy tắc được thiết lập trong tục lệ chứ không phải trong luật. Chắc chắn, thành viên không có quyền chuyển nhượng các tài sản thuộc sở hữu của hộ gia đình thông qua các giao dịch xác lập nhân danh cá nhân mình. Thành viên có quyền hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản, có quyền giám sát công việc của chủ hộ và có quyền có ý kiến trong các vấn đề có liên quan đến hoạt động kinh tế chung của hộ, trong việc xác lập các giao dịch quan trọng liên quan đến tài sản của hộ. Tuy nhiên, các quyền này được thực hiện trên cơ sở tôn trọng các chuẩn mực đạo đức và trong khuôn khổ tôn ti trật tự gia đình và ngược lại trách nhiệm vật chất của thành viên đối với hộ gia đình được quy kết và thực hiện chủ yếu bằng con đường dàn xếp nội bộ chứ không phải bằng con đường tư pháp. Tổ viên tổ hợp tác được hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ hoạt động của tổ hợp tác theo thoả thuận và được tham gia quyết định các vấn đề có liên quan đến hoạt động của tổ, cũng như được thực hiện việc kiểm tra hoạt động của tổ (BLDS Điều 116). Trong trường hợp gây thiệt hại do lỗi của mình, tổ viên có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại (Điều 115 khoản 2). Tổ viên tổ hợp tác không có quyền chuyển nhượng các tài sản mình đã đóng góp vào tổ, cũng như phần tài sản của mình (phần đóng góp của tổ viên) trong khối tài sản chung.

Tổ bộ môn Luật Dân sự - Khoa Luật Trường Đại học Hòa Bình,tổng hợp


  1. Nội dung trong bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (chú thích rõ trong bài viết).
  2. Bài viết được sử dụng không nhằm mục đích thương mại, chỉ nhằm mục đích giảng dạy, tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Khoa Luật Kinh tế - Đại học Hòa Bình và Công ty Luật TNHH Everest.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, quý Vị vui lòng liên hệ với các luật sư, luật gia của Công ty Luật TNHH Everest và Khoa Luật Kinh tế - Đại học Hòa Bình, qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], hoặc trực tiếp tại địa chỉ Khoa Luật kinh tế Đại học Hòa Bình, số 8 phố Bùi Xuân Phái, Nam Từ Liêm, Hà Nội.