Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định, là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự.
Sự thành lập hộ gia đình. Hộ gia đình luôn bắt đầu bằng hai người kết hợp với nhau do quan hệ hôn nhân và khối tài sản chung của hộ gia đình luôn có các yếu tố thứ nhất là các tài sản chung của vợ và chồng. Các thành viên khác của hộ gia đình xuất xứ từ ba nguồn: 1 - Tự nhiên, tức là do được cha và mẹ - hai thành viên đầu tiên - sinh ra, sau đó tham gia vào hoạt động kinh tế chung của hộ, khi có đủ khả năng lao động; trong các hộ gia đình tồn tại lâu năm còn có các thành viên có xuất xứ tự nhiên do được một thành viên không phải là người sáng lập ra hộ gia đình sinh ra, sau đó tham gia vào hoạt động kinh tế chung của hộ; 2 - Nuôi con nuôi, tức là được thành viên của hộ nhận làm con nuôi, sau đó tham gia vào hoạt động kinh tế của hộ; 3 - Hôn nhân, một người ngoài hộ kết hôn với một thành viên trong hộ và sau đó, cùng với cả hộ thực hiện hoạt động kinh tế chung. Ta thấy rằng thành viên của hộ gia đình trước hết phải là thành viên của gia đình; nhưng không phải thành viên nào của gia đình cũng là thành viên của hộ gia đình: chỉ gọi là thành viên của hộ gia đình, những thành viên nào của gia đình tham gia vào hoạt động kinh tế chung của hộ. Hộ gia đình đương nhiên có tư cách chủ thể của quan hệ pháp luật mà không cần xúc tiến một thủ tục pháp lý nào.
Chế độ pháp lý của hộ gia đình. Hộ gia đình được đại diện bởi chủ hộ. Thông thường chủ hộ gia đình là người đứng đầu gia đình theo tập quán - cha, mẹ, ông, bà. Có trường hợp cha, mẹ, ông, bà đều mất hoặc không còn tham gia vào hoạt động kinh tế chung của hộ, thì chủ hộ có thể là con trưởng hoặc con thứ đã thành niên, tuỳ theo kết quả dàn xếp trong nội bộ gia đình. Nếu cha, mẹ, ông, bà không còn đứng đầu hộ gia đình mà giữa những người có liên quan không có được sự dàn xếp cần thiết, thì hộ gia đình sẽ được chia nhỏ thành các hộ gia đình mới.
Chủ hộ gia đình được giao các quyền hạn rộng rãi trong việc xác lập và thực hiện các giao dịch dưới danh nghĩa của hộ, kể cả các giao dịch có tác dụng định đoạt tài sản. Chủ hộ có thể uỷ quyền cho thành viên khác đã thành niên làm đại diện cho hộ trong quan hệ dân sự (BLDS Ðiều 107 khoản 1).
Hộ gia đình có năng lực pháp luật phù hợp với mục đích tồn tại của nó: để hoạt động kinh tế chung trong quan hệ sử dụng đất, trong hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, ... Nói chung, theo tập quán, hộ gia đình có năng lực có quyền và nghĩa vụ gần giống như cá nhân, trừ các quyền và nghĩa vụ gắn liền với con người - quyền kết hôn, quyền nhận cha, mẹ cho con, quyền lập di chúc,... Hộ gia đình có thể là nguyên đơn hoặc bị đơn trước Toà án.
Hộ gia đình có một khối tài sản, gọi là khối tài sản chung của hộ. Thông thường, khối tài sản có của hộ gồm các tài sản chuyên dùng để hoạt động kinh tế chung. BLDS Điều 108 quy định: Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thoả thuận là tài sản chung của hộ. Song, khác với khối tài sản của pháp nhân hoặc của cá nhân, các tài sản nợ của hộ gia đình được bảo đảm không chỉ bằng các tài sản có chung của hộ mà còn cả bằng các tài sản có thuộc khối tài sản riêng của thành viên của hộ (Ðiều 110 khoản 2). Các chủ nợ riêng của thành viên không có quyền yêu cầu kê biên tài sản chung của hộ; nhưng nếu mỗi thành viên đều có nghĩa vụ đối với một chủ nợ, thì chủ nợ này lại có quyền đó.
Tổ bộ môn Luật Dân sự - Khoa Luật Trường Đại học Hòa Bình,tổng hợp
- Nội dung trong bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (chú thích rõ trong bài viết).
- Bài viết được sử dụng không nhằm mục đích thương mại, chỉ nhằm mục đích giảng dạy, tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Khoa Luật Kinh tế - Đại học Hòa Bình và Công ty Luật TNHH Everest.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, quý Vị vui lòng liên hệ với các luật sư, luật gia của Công ty Luật TNHH Everest và Khoa Luật Kinh tế - Đại học Hòa Bình, qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], hoặc trực tiếp tại địa chỉ Khoa Luật kinh tế Đại học Hòa Bình, số 8 phố Bùi Xuân Phái, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Bình luận