-->

Sự thành lập và chế độ pháp lý của tổ hợp tác

Tổ hợp tác là sự kết nhóm của từ 3 cá nhân trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi ích và cùng chịu trách nhiệm

Trên thực tế, tổ hợp tác hình thành từ sự thoả thuận giữa những người có cùng nghề nghiệp nông nghiệp hoặc thủ công nghiệp, nhằm tập họp các nỗ lực của cá nhân, tạo thành nỗ lực chung để thực hiện các hoạt động nghề nghiệp đó với hiệu quả cao hơn so với trường hợp cá nhân hoạt động riêng lẻ. Có thể coi tổ hợp tác như là một nhân vật pháp lý nằm giữa pháp nhân và nhóm thực tế trong lĩnh vực kinh tế.
 Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Thành lập tổ hợp tác. Hợp đồng thành lập tổ hợp tác phải lập thành văn bản có chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn (Ðiều 111 khoản 1). Luật không nói rõ tại UBND địa phương nào mà tổ hợp tác phải yêu cầu chứng thực hợp đồng. Có lẽ, thẩm quyền chứng thực thuộc về UBND địa phương nơi cư trú của tổ trưởng, ngay nếu như tổ trưởng cư trú ở một nơi, trong khi tổ tiến hành các hoạt động hoặc phần lớn hoạt động ở một nơi khác: nơi cư trú của tổ trưởng và của các tổ viên phải được ghi nhận trong hợp đồng thành lập tổ hợp tác, như là một trong những nội dung chủ yếu của hợp đồng; còn nơi hoạt động của tổ hợp tác không nhất thiết được ghi nhận trong hợp đồng đó. Ngoài nơi cư trú của các thành viên, hợp đồng thành lập tổ hợp tác còn phải có các chi tiết về mục đích, thời hạn của hợp đồng hợp tác; họ tên của các thành viên; mức đóng góp tài sản (nếu có); phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức giữa các tổ viên; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ trưởng, của các tổ viên; điều kiện nhận tổ viên mới và ra khỏi tổ hợp tác; điều kiện chấm dứt tổ hợp tác và các thoả thuận khác (Ðiều 111 khoản 2). Số lượng tổ viên tối thiểu mà tổ hợp tác phải có là 3 người. Tổ viên thường là những người có cùng nghề nghiệp, nhưng không nhất thiết có quan hệ thân thuộc.

Chế độ pháp lý của tổ hợp tác. Tổ hợp tác được đại diện bởi tổ trưởng, do các tổ viên cử ra (Ðiều 113). Thể thức cử tổ trưởng hẳn phải được quy định trong hợp đồng thành lập tổ. Tổ trưởng có thể uỷ quyền cho tổ viên thực hiện một số công việc nhất định cần thiết cho tổ (cùng điều luật). Tổ trưởng tổ hợp tác không có những quyền hạn rộng rãi trong việc đại diện như chủ hộ gia đình: các giao dịch do tổ trưởng xác lập nhân danh tổ phải đượüc sự đồng ý của đa số tổ viên (cùng điều luật), nhắc lại rằng “đa số tổ viên” chứ không phải “đa số tổ viên dự họp”; riêng việc định đoạt các tài sản là tư liệu sản xuất của tổ phải được sự đồng ý của tất cả tổ viên (Ðiều 114 khoản 3).

Tổ hợp tác có năng lực pháp luật giới hạn trong phạm vi mục đích hoạt động của tổ, như năng lực pháp luật giới hạn của pháp nhân.Tổ hợp tác có một khối tài sản. Cũng như tài sản của hộ gia đình, tài sản của tổ hợp tác là tài sản chuyên dùng. Và cũng như khối tài sản nợ của hộ gia đình, tài sản nợ của tổ hợp tác được bảo đảm không chỉ bằng tài sản có của tổ hợp tác mà còn cả bằng tài sản có của các tổ viên (Ðiều 117 khoản 2).

Chấm dứt tổ hợp tác và thanh toán tài sản - Tổ hợp tác chấm dứt trong những trường hợp được dự liệu tại BLDS Ðiều 120 khoản 1, bao gồm: a) Hết thời hạn ghi trong hợp đồng hợp tác; b) Mục đích của việc hợp tác đã đạt được; c) Các tổ viên thoả thuận chấm dứt tổ hợp tác. Việc chấm dứt tổ hợp tác phải được báo cáo với UBND xã, phường, thị trấn nơi đã chứng thực hợp đồng hợp tác (cùng điều luật). Tổ hợp tác cũng có thể chấm dứt theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong những trường hợp do pháp luật quy định (Ðiều 120 khoản 2).

Tài sản còn lại của tổ hợp tác, sau khi thanh toán các khoản nợ, được phân chia cho các tổ viên theo tỷ lệ tương ứng với phần đóng góp của mỗi người, trừ trường hợp có thoả thuận khác (Ðiều 120 khoản 3).

Tổ bộ môn Luật Dân sự - Khoa Luật Trường Đại học Hòa Bình,tổng hợp


  1. Nội dung trong bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (chú thích rõ trong bài viết).
  2. Bài viết được sử dụng không nhằm mục đích thương mại, chỉ nhằm mục đích giảng dạy, tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Khoa Luật Kinh tế - Đại học Hòa Bình và Công ty Luật TNHH Everest.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, quý Vị vui lòng liên hệ với các luật sư, luật gia của Công ty Luật TNHH Everest và Khoa Luật Kinh tế - Đại học Hòa Bình, qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], hoặc trực tiếp tại địa chỉ Khoa Luật kinh tế Đại học Hòa Bình, số 8 phố Bùi Xuân Phái, Nam Từ Liêm, Hà Nội.