Miễn trách nhiệm hình sự và miễn hình phạt là hai chế định thể hiện rõ bản chất nhân đạo của pháp luật nước ta.
Bản chất pháp lý của chế định miễn trách nhiệm hình sự và miễn hình phạt là hủy bỏ hậu quả pháp lý của việc thực hiện tội phạm khi có các căn cứ do pháp luật hình sự quy định, tức là các cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền của Nhà nước căn cứ vào giai đoạn tố tụng hình sự tương ứng cụ thể để miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.
Thực hiện những quy định này nhằm tiết kiệm việc áp dụng chế tài của luật hình sự nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội. Áp dụng đúng chế định này có ý nghĩa quan trọng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đáp ứng mục tiêu của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Phạm vị bài viết này sẽ bàn về trường hợp miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS 2015), với những nội dung như: Khái niệm, bản chất pháp lý của miễn trách nhiệm hình sự, nội dung trường hợp miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự, vấn đề đặt ra khi áp dụng trường hợp miễn trách nhiệm hình sự.
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội.
Miễn trách nhiệm hình sự và miễn hình phạt là hai chế định thể hiện rõ bản chất nhân đạo của pháp luật nước ta. Tuy nhiên. các quy định về miễn trách nhiệm hình sự và miễn hình phạt của Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 (BLHS 2009) vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế ảnh hưởng rất lớn đến việc giải quyết vụ án trong thực tiễn. BLHS 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung về hai chế định miễn trách nhiệm hình sự và miễn hình phạt, đồng thời việc phân biệt hai chế định này là rất quan trọng. Thứ nhất, về những điểm mới của miễn trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại Điều 29 BLHS 2015 về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự:
"1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây: a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; b) Khi có quyết định đại xá.
2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây: a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa; c) Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
3. Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự".
Như vậy, một số điểm bổ sung của BLHS 2015 so với BLHS 2009 là:
Một là, bổ sung tình tiết lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
Hai là, bổ sung khoản 3 về những trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Quy định về điểm mới của BLHS 2015 nhằm mở rộng phạm vi miễn trách nhiệm hình sự để hạn chế đến mức thấp nhất việc xử lý bằng biện pháp hình sự đối với người phạm tội, đồng thời thể hiện bản chất nhân đạo của pháp luật nước ta.
So với quy định của BLHS 2009, thì BLHS 2015 phân chia thành 03 trường hợp miễn trách nhiệm hình sự bao gồm:
- Trường hợp thứ nhất: Khoản 1 Điều 29 quy định các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự khi có các căn cứ sau đây: a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; b) Khi có quyết định đại xá.
- Trường hợp thứ hai: Khoản 2 Điều 29 quy định các trường hợp có thể (quy định tùy nghi) được miễn trách nhiệm hình sự khi có các căn cứ sau đây: a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa; c) Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
- Trường hợp thứ ba: Khoản 3 Điều 29 quy định: Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Quy định trên của BLHS 2015 theo đó tại khoản 1 của điều luật này là căn cứ để đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự và quy định tại khoản 2; khoản 3 của điều luật này là những trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, về những điểm mới của miễn hình phạt.
Cơ sở pháp lý theo quy định tại Điều 59 BLHS 2015 về miễn hình phạt: “Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự".
Cũng theo quy định tại Điều 54 BLHS 2015 Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng:“1- Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này. 2- Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể".
So với quy định của BLHS 2009 thì quy định của BLHS 2015 có một số điểm mới:
Khi xem xét điều kiện được miễn hình phạt giữa Điều 54 BLHS 1999 và Điều 59 BLHS 2015 thì điều kiện 2 và điều kiện 3 là giống nhau, nhưng so sánh điều kiện 1 thì Điều 54 BLHS năm 1999 và Điều 59 BLHS 2015 có sự khác nhau về nội dung. Theo Điều 54 BLHS 1999 thì người bị kết án được miễn hình phạt khi người này có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS 1999. Trong khi đó, Điều 59 BLHS 2015 thì quy định người phạm tội phải thỏa mãn điều kiện được quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều 54 BLHS 2015, tức là người phạm tội phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 và phải là người giúp sức phạm tội lần đầu trong vụ án đồng phạm mà có vai trò không đáng kể thì mới được miễn hình phạt.
Luật sư Nguyễn Thị Yến - Trưởng nhóm tư vấn pháp luật trực tuyến của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, tổng hợp.
Khuyến nghị:
- Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected], [email protected].
Bình luận