Người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi khi giao kết hợp đồng lao động phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động.
1- Người đại diện theo pháp luật của người lao động chưa thành niên phải có xác nhận bằng văn bản đồng ý trước khi người lao động chưa thành niên giao kết hợp đồng lao động, là theo quy định nào của pháp luật?
2- Trường hợp cụ thể như sau: Cháu ruột của tôi năm nay 16 tuổi. Điều kiện gia đình cháu rất khó khăn, bố mẹ thường xuyên đau ốm, cháu phải nghỉ học để đi làm sớm. Khi làm thủ tục ký kết hợp đồng lao động thì phòng hành chính của Công ty yêu cầu cháu không được tự ký hợp đồng, mà mời bố đẻ, mẹ đẻ của cháu tới cùng ký vào hợp đồng. Xin hỏi, bố mẹ cháu sức khỏe yếu, đi lại khó khăn, tôi là bác ruột của cháu thì có thể thay mặt bố mẹ cháu ký xác nhận này hay không? (Phạm Duy - Hà Nam)
Luật gia Âu Thị Minh Nguyệt - Tổ tư vấn pháp luật lao động của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Liên quan tới câu hỏi của anh (chị),người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi khi giao kết hợp đồng lao động có cần sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động,chúng tôi xin trích dẫn một số quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, Bộ luật Dân sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan, như sau:
- Bộ luật Lao động năm 2012 quy định:
“Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.Trong trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì việc giao kết hợp đồng lao động phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động” (khoản 1 Điều 18).
Việc đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động phải được thể hiện bằng văn bản được hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động năm 2012, như sau:
“Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau: (a) Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên; (b) Người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi và có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động; c) Người đại diện theo pháp luật đối với người dưới 15 tuổi và có sự đồng ý của người dưới 15 tuổi; d) Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động" (khoản 2 Điều 3).
- Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người đại diện theo pháp luật của cá nhân, như sau:
Đại diện theo pháp luật của cá nhân: 1- Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.2- Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định. 3- Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. 4- Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự" (Điều 136)
Như vậy, yêu cầu của người sử dụng lao động (Công ty) với cháu của anh (lao động chưa thành niên) là phải có sự đồng ý của cha, mẹ và sự đồng ý này phải được thể hiện bằng văn bản là có căn cứ pháp luật. Anh (chị) chỉ có thể làm thay mặt cho cha, mẹ của cháu trong trường hợp tòa án chỉ định theo thủ tục do pháp luật quy định.
Chúng tôi xin lưu ý, người lao động chưa thành niên (từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi) còn thiếu kinh nghiệm và kiến thức, có thể chưa nhận thức đầy đủ về quyền, nghĩa vụ khi tham gia ký kết hợp đồng lao động. Do đó, theo chúng tôi, để đảm bảo quyền lợi của người lao động chưa thành niên, quy định bắt buộcngười lao động chưa thành niên (từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi) khi giao kết hợp đồng lao động phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động là cần thiết. Ngoài ra, chúng tôi cũng cho rằng, quy định này cũng nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người lao động chưa thành niên, gia đình người lao động chưa thành niên đối với người sử dụng lao động trong quan hệ lao động.
Bình luận