1. Đối tượng nghiên cứu
Mỗi môn khoa học đều có đối tượng nghiên cứu riêng của mình. Đối với lý luận về nhà nước và pháp luật cũng vậy. Xem xét đối tượng nghiên cứu của lý luận về nhà nước và pháp luật là xác định phạm vi các vấn đề mà nó nghiên cứu, là giải thích sự khác nhau giữa nó với các khoa học khác.
Nhà nước và pháp luật là những hiện tượng xã hội rất phức tạp và đa dạng được nhiều môn khoa học xã hội nói chung và khoa học pháp lý nói riêng nghiên cứu ở nhiều góc độ khác nhau. Chẳng hạn, Triết học nghiên cứu nhà nước và pháp luật cùng với các hiện tượng xã hội khác để rút ra những quy luật vận động và phát triển chung của xã hội; Kinh tế chính trị học cũng nghiên cứu nhà nước và pháp luật, nhưng trong phạm vi các vấn đề thuộc lĩnh vực tổ chức và quản lý nền kinh tế, trong sản xuất và phân phối ...
Hệ thống khoa học pháp lý ngày càng phát triển bao gồm: các khoa học pháp lý - lý luận lịch sử (Lý luận vê nhà nước và pháp luật, Lịch sử nhà nước và pháp luật, Lịch sử các học thuyết chính trị), các khoa học pháp lý chuyên ngành (Luật hiến pháp, Luật hành chính, Luật hình sự, Luật dân sự...) và các khoa học pháp lý ứng dụng (Tội phạm học, Thống kê tư pháp, pháp y ...). Tất cả các môn khoa học pháp lý nói trên đều nghiên cứu các vấn đề thuộc lĩnh vực của nhà nước và pháp luật, nhưng mỗi bộ môn khoa học đó lại có đối tượng riêng . Ví dụ: Lịch sử nhà nước và pháp luật nghiên cứu quá trình phát sinh và phát triển của nhà nước theo quan điểm lịch sử, bám sát từng thời gian và sự kiện lịch sử để luận giải; khoa học luật hình sự nghiện cứu các vấn đề về tội phạm, mục đích hình phạt, điều kiện, hình thức và mức độ áp dụng hình phạt đối với những người có hành vi phạm tội...
Khác với các môn khoa học pháp lý khác, lý luận về nhà nước và pháp luật nghiên cứu các vấn đề về nhà nước và pháp luật một cách toàn diện. Đối tượng nghiên cứu của nó là những vấn đề chung, cơ bản nhất như bản chất, chức năng xã hội, vai trò của nhà nước và pháp luật, hình thức nhà nước, hình thức pháp luật, bộ máy nhà nước, cơ chế điều chỉnh pháp luật, những quy luật cơ bản của sự phát sinh, phát triển của nhà nước và pháp luật. . .
Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề trên, lý luận về nhà nước và pháp luật còn có nhiệm vụ làm sáng tỏ mối liên hệ giữa các bộ phận trong thượng tầng chính trị - pháp lý với các tổ chức xã hội, giữa nhà nước với cá nhân, giữa pháp luật với các quy phạm xã hội khác.
Nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa là kiểu nhà nước và Pháp luật cao nhất, cuối cùng trong lịch sử, có bản chất khác với bản chất của các kiểu nhà nước và pháp luật bóclột, có vị trí quan trọng trong đời sống chính trị xã hội chủ nghĩa, là công cụ sắc bén để thực hiện quyền lực nhân dân trong chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, một mặt lý luận về nhà nước và pháp luật nghiên cứu một cách toàn diện các kiểu nhà nước và pháp luật nói chung, mặt khác tập trung nghiên cứu kiểu nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa, coi nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa là trọng tâm nghiên cứu của mình.
Tóm lại, lý luận về nhà nước và pháp luật là hệ thống tri thức về thống quy luật phát sinh, phát triển đặc thù, những đặc tính chung và những biểu hiện quan trọng nhất của nhà nước và pháp luật nói chung và của nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa nói riêng.
Nhà nước và pháp luật có mối liên hệ mật thiết với nhau: Nhà nước không thể tồn tại thiếu pháp luật; ngược lại, pháp luật chỉ hình thành, phát triển và phát huy hiệu lực bằng con đường nhà nước và dựa vào sức mạnh của nhà nước. Mối liên hệ mật thiết có tính khách quan đó đòi hỏi một sự nghiên cứu và giải thích thống nhất các vấn đề về nhà nước và pháp luật. Vì vậy, lý luận về nhà nước và pháp luật nghiên cứu các vấn đề cơ bản nhất về nhà nước và pháp luật một cách đồng thời, theo quan điểm chung thống nhất không tách rời nhau.
2. Lý luận về nhà nước và pháp luật trong hệ thống khoa học xã hội và khoa học pháp lý
Lý luận về nhà nước và pháp luật là một bộ phận trong hệ thống các khoa học xã hội. Việc nghiên cứu về nhà nước và pháp luật không thể chỉ hạn chế trong lĩnh vực các khái niệm pháp lý thuần túy mà phải đặt trên cơ sờ của hệ thống các tri thức khoa học chung, phải dựa vào lý luận và phương pháp luận của nhiều bộ môn khoa học khác. Vì vậy, việc làm sáng tỏ vị trí, vai trò và giải thích các mối liên hệ giữa lý luận về nhà nước và pháp luật với các môn khoa học xã hội và các môn khoa học pháp lý là vấn đề rất có ý nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn. Lý luận về nhà nước và pháp luật có quan hệ với nhiều bộ môn khoa học, đặc biệt với Triết học, Kinh tế chính trị học và Chủ nghĩa xã hội khoa học.
Thứ nhất, đối với chủ nghĩa duy vật biện chứng
Chủ nghĩa duy vật biện chứng là môn khoa học về các quy luật phát triển chung của tự nhiên, xã hội và tư duy như quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập, quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất và ngược lại , quy luật phủ định của phủ định; về những phạm trù cơ bản như vật chất, ý thức, thực tiễn, chân lý, mâu thuẫn, nguyên nhân, kết quả ...; về nhữngnguyên tắc nhận thức luận và tư duy khoa học ... Đối với lý luận về nhà nước và pháp luật, các quy luật, phạm trù, nguyên tắc đó có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở phương pháp luận để nhận thức đối tượng của môn học.
Thứ hai, mối quan hệ với chủ nghĩa duy vật lịch sử
Chủ nghĩa duy vật lịch sử giải thích các quy luật phát sinh, phát triển chung nhất của xã hội và các bộ phận của nó, trong đó có nhà nước và pháp luật. Lý luận về nhà nước và pháp luật là một bộ môn khoa học cụ thể hơn, đi sâu nghiên cứu những quy luật phát sinh, phát triển đặc thù của nhà nước và pháp luật.
Những quy luật đó đều nằm trong các quy luật vận động và phát triển chung của xã hội. Vì vậy, để nhận thức được các quy luật riêng của nhà nước và pháp luật, phải vận dụng tri thức về các quy luật, phạm trù của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Chẳng hạn, khi nghiên cứu về quyền lực nhà nước, bản chất pháp luật phải dựa trên cơ sở những tri thức khoa học của chủ nghĩa duy vật 1 ịch sử như hình thái kinh tế - xã hội, giai cấp và đấu tranh giai cấp, nhà nước và tổ chức chính trị xã hội, cách mạng xã hội, tiến bộ xã hội ...
Thứ ba, đối với kinh thế học
Kinh tế chính trị học nghiên cứu các quy luật phát triển của quan hệ sản xuất, nghĩa là các quy luật của hạ tầng cơ sở Để làm sáng tỏ bản chất của nhà nước và pháp luật, giải thích mối quan hệ có tính chất quyết định của quan hệ sản xuất đối với nhà nước và pháp luật, lý luận về nhà nước và pháp luật phải vận dụng các khái niệm và quan điểm của kinh tế chính trị học . Tuy nhiên, cần nhận rõ rằng lý luận về nhà nước và pháp luật nghiên cứu các quy luật của nhà nước và pháp luật là hai hiện tượng của thượng tầng kiến trúc, không nghiên cứu các quy luật của hạ tầng cơ sở. Lý luận về nhà nước và pháp luật cũng có mối quan hệ mật thiết với Chủ nghĩa xã hội khoa học, vì hai bộ môn khoa học cùng nghiên cứu sự phát triển của nhà nước và pháp luật trong từng thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, nếu chủ nghĩa xã hội khoa học nghiên cứu một cách đồng thời các quy luật chung của nhà nước và pháp luật với các quy luật khác thì lý luận về nhà nước và pháp luật nghiên cứu một cách cụ thể hơn các quy luật đặc thù của nhà nước và pháp luật. Trong quá trình nghiên cứu, lý luận vê nhà nước và pháp luật vận dụng các quan điểm và kết luận của chủ nghĩa xã hội khoa học để giải thích các vấn đề thuộc đối tượng nghiên cứu của mình.
Như vậy, có thể nói lý luận về nhà nước và pháp luật là môn khoa học chính trị - pháp lý có quan hệ mật thiết với triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học. Đồng thời, lý luận nhà nước và pháp luật còn có mối quan hệ với các khoa học xã hội khác như sử học. xã hội học. Nó luôn dựa trên cơ sở của các môn khoa học nói trên và vận dụng các quan điểm của khoa học đó để giải thích các vấn đề về nhà nước và pháp luật. Mặt khác, trên cơ sở nghiên cứu một cách toàn diện và sâu sắc các quy luật các vấn đề về nhà nước và pháp luật, chứng minh sự vận động và phát triển của chúng, lý luận về nhà nước và pháp luật góp phần làm sáng tỏ và bổ sung vào hệ thống tri thức khoa học xã hội nói chung, những vấn đề tất yếu của đời sống xã hội như: hệ thống chính trị, nhà nước, dân chủ, pháp luật, pháp chế...
Trong hệ thống các khoa học pháp lý, lý luận về nhà nước và pháp luật giữ vai trò là môn khoa học pháp lý cơ sở có tính chất phương pháp luận để nhận thức đúng đắn các vấn đề có tính bản chất, các quy luật của nhà nước và pháp luật. Các môn khoa học pháp lý chuyên ngành khi nghiên cứu những vấn đề cụ thể của một ngành luật nhất định luôn dựa trên cơ sở các quan điểm chung đã được lý luận về nhà nước và pháp luật giải thích và kết luận. Ví dụ: khoa học luật hình sự khi nghiên cứu vấn đề về bản chất và nguyên nhân của tội phạm, mục đích của hình phạt... đều căn cứ vào quan điểm của lý luận về bản chất, chức năng và quy luật phát triển của nhà nước và pháp luật. Trong khoa học luật dân sự, các quan điểm đó được vận dụng để nghiên cứu các vấn đề như nguyên tắc của luật dân sự, quan hệ pháp luật dân sự, trách nhiệm pháp lý dân sự Nhờ có lý luận về nhà nước và pháp luật mà tính thống nhất trong các quan điểm về các vấn đề chung cơ bản nhất của khoa học pháp lý trong tất cả các lĩnh vực được bảo đảm. Đồng thời, những quan điểm, kết luận của các môn khoa học pháp lý cụ thể có một ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của lý luận về nhà nước và pháp luật. Trong quá trình nghiên cứu, lý luận về nhà nước và pháp luật phải sử dụng tài liệu, dựa vào các quan điểm và kết luận cụ thể của các môn khoa học pháp lý chuyên ngành để bổ sung và kiểm nghiệm lại những luận điểm, quan điểm và kết luận chung của lý luận.
Tổ bộ môn Luật Dân sự - Khoa Luật Trường Đại học Hòa Bình
Liên kết đào tạo và hợp tác việc làm giữa Trường Đại học Hòa Bình và Công ty Luật TNHH Everest là hoạt động cần thiết để giải quyết thực trạng chênh lệch giữa nhu cầu của doanh nghiệp và sự đáp ứng của nhà trường. Hướng đến mục tiêu đào tạo 100% sinh viên có việc làm sau khi trường, Trường Đại học Hòa Bình triển khai liên kết chặt chẽ với Công ty Luật TNHH Everest trong công tác đào tạo sinh viên và tạo điều kiện việc làm cho sinh viên mới ra trường. Để được tư vấn pháp luật, Quý khách vui lòng gọi tới tổng đài 19006198.
Bình luận