-->

Chuyển nhượng đất khi chủ sở hữu đang ở nước ngoài.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng

H​ỏi: Hiện tại bên bán đất cho tôi là gia đình anh H, người cùng địa phương với tôi, trên sổ đỏ khi anh H mua lại chỉ đứng tên một mình vợ anh là chi U và hiện tại anh H đang đi lao động tại nước ngoài.Và sắp tới chị U cũng theo chồng sang bên đó. Như vậy, không cần uỷ quyền của anh H mà chỉ có cam kết của chị U là (vợ) người đứng tên trên sổ đỏ và bố mẹ đẻ của anh H đồng ý thì thủ tục có làm được không? Và về mặt pháp lý có đúng không? Và mảnh đất này muốn làm được thủ tục chuyển nhượng phải cần những thủ tục gì? (Nguyễn Hải - Hà Nội).

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Đại Hải - Tổ tư vấn pháp luật bất động sản của Công ty Luật TNHH Everest - Trả lời:


Về việc chuyển nhượng đất

Người sử dụng đất hợp pháp là người đứng tên trên GCNQSDĐ và có các quyền về quyền chuyển quyền sử dụng đất theo quy định tại điều 167 Luật đất đai 2013:

“Điều 167. Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất:

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này”.


Đối với mảnh đất thì được hình thành trong thời kỳ hôn nhân thì đương nhiên được coi là tài sản chung của vợ chồng kể cả khi chỉ có một người đứng tên (trừ trường hợp có thỏa thuân hoặc một người được tặng cho riêng) theo quy định tại điều 33 Luật hôn nhân gia đình 2014:

“Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”.


Vì vậy, trong trường hợp này việc chuyển nhượng đất bắt buộc phải có chữ ký của hai vợ chồng và phải được công chứng.

Sự xác nhận của cha, mẹ chông không làm phát sinh hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng này trừ khi có hợp đồng ủy quyền (có công chứng) từ phchồng ủy quyền cho bố mẹ thay mình chuyển nhượng mảnh đất này. Nếu anh H đang ở nước ngoài thì việc ủy quyền này cần có sự xác nhận của Cơ quan lãnh sự Việt Nam tại quốc gia đó.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật bất động sản mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm