Chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể, khác nhau như thế nào?

Chỉ dẫn địa lý chỉ được dùng để gắn lên các hàng hóa là đặc sản của một địa phương nhất định, trong khi nhãn hiệu tập thể có thể sử dụng để gắn lên các loại hàng hóa, dịch vụ khác như thẩm định giá tài chính, giám sát công trình...

Chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể đều là những đối tượng được bảo hộ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành. Tuy nhiên, trong thực tế, hai khái niệm này thường hay bị nhầm lẫn với nhau.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ về chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể

Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định:

"Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó" (khoản 17 Điều 4).

Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể” (khoản 22 Điều 4).

"Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm" (khoản 6 Điều 93).

"Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp" (khoản 7 Điều 93).

Phân biệt chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể

* Giống nhau:
  1. Đều là các chỉ dẫn thương mại.
  2. Đều là các dấu hiệu từ ngữ hoặc hình ảnh biểu tượng cung cấp cho người tiêu dùng thông tin về nguồn gốc địa lý của hàng hóa.
  3. Đều phải đăng ký xác lập quyền.
  4. Đều chịu sự điều chỉnh của Luật sở hữu trí tuệ 2005 (Số hiệu: 50/2005/QH11), Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung 2009 (Số hiệu: 36/2009/QH12)
* Khác nhau:

Thứ nhất, về chủ sở hữu: Nhãn hiệu thập thể thuộc sở hữu của một tổ chức tập thể được thành lập có tư cách pháp nhân, còn chỉ dẫn địa lý thuộc quyến sở hữu của nhà nước.

Thứ hai, về dấu hiệu phân biệt: Nhãn hiệu tập thể có thể chứa bất kỳ dấu hiệu nào được pháp luật cho phép để phân biệt hàng hóa, dịch vụ do thành viên của tổ chức tập thể sản xuất với hàng hóa, dịch vụ của những chủ thể khác không phải là thành viên của tổ chức. Nhưng, chỉ dẫn địa lý bắt buộc phải chứa tên địa danh nơi sản phẩm mang chỉ dẫn được sản xuất.

Thứ ba, về mục đích sử dụng: Chỉ dẫn địa lý chỉ được dùng để gắn lên các hàng hóa là đặc sản của một địa phương nhất định, trong khi nhãn hiệu tập thể có thể sử dụng để gắn lên các loại hàng hóa, dịch vụ khác như thẩm định giá tài chính, giám sát công trình, cho thuê kho bãi, vận chuyển lưu kho...

Thứ tư, về nguồn gốc: Đối với những nhãn hiệu tập thể không chứa dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý, các cá nhân, tổ chức sử dụng nhãn hiệu đó có thể tiến hành sản xuất kinh doanh ở các địa phương khác nhau nhưng vẫn phải tuân theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể. Ngược lại, người được sử dụng chỉ dẫn địa lý chỉ là những cá nhân, tổ chức tiến hành hoạt động sản xuất hàng hóa tại địa phương tương ứng với chỉ dẫn địa lý.

Thứ năm, về quyền của chủ sở hữu: Chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể có quyền chuyển nhượng quyền SHCN đối với nhãn hiệu tập thể cho các chủ thể khác. Trong khi đó, quyền SHCN đối với chỉ dẫn địa lý không được chuyển nhượng cho các chủ thể khác.

Thứ sáu, về thời hạn bảo hộ: Theo quy định của pháp luật, quyền SHCN đối với nhãn hiệu tập thể được bảo hộ lần đầu trong vòng 10 năm và có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp mỗi lần 10 năm. Trong khi đó, quyền SHCN đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ không xác định thời hạn ngay từ đầu..

Thứ bảy, ví dụ về những chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể đã được bảo hộ ở Việt Nam. Chỉ dẫn địa lý: Chè Tân Cương, nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột... Nhãn hiệu tập thể: Rượu Tuy Lộc, lụa Hà Đông, miến dong Bắc Kạn, chuối La Ban...

Luật gia Bùi Thị Phượng - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật gia Bùi Thị Phượng - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Có thể bảo hộ chỉ dẫn địa lý như nhãn hiệu được hay không?

Từ ngày 05/10/2015, Việt Nam đã chính thức gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement, viết tắt là TPP). Đây là Hiệp định có ý nghĩa quan trọng đặc biệt sau sự kiện Việt Nam tham gia Hiệp định WTO, có thể mở ra cơ hội phát triển mới cho kinh tế đất nước. Tuy nhiên, các nội dung đàm phán bảo hộ sở hữu trí tuệ đang hết sức gay gắt, có khả năng tạo sức ép lớn đối với Việt Nam do các đề xuất gia tăng hàm lượng bảo hộ (còn gọi là TRIPS+) từ phía Hoa Kỳ.

Cụ thể là, để đạt được TPP, các nước đối tác, trong đó có Việt Nam cần thức hiện thêm nhiều cam kết như: Mở rộng đối tượng bảo hộ sáng chế bao gồm cả phương pháp chữa bệnh, các cách thức sử dụng mới cũng như các tính năng mới của chất đã biết; Bảo hộ độc quyền dữ liệu, cho phép các chủ sở hữu sáng chế được giữ bí mật các dữ liệu thử nghiệm đã được sử dụng để chứng minh tính an toàn và hiệu quả của một loại thuốc mà không phải chia sẻ cho các nhà sản xuất thuốc generic…

Trong khi gia tăng sức ép ở các đối tượng sở hữu trí tuệ khác thì đối với chỉ dẫn địa lý, Hoa Kỳ đề xuất trong TPP là “Bảo hộ chỉ dẫn địa lý như nhãn hiệu”, có nghĩa là thực hiện bảo hộ theo hướng đơn giản hóa. Về đề xuất “Bảo hộ chỉ dẫn địa lý như nhãn hiệu”, Việt Nam cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Là nước đang phát triển, đạt được TPP với những điều kiện thuận lợi về thuế quan và tiếp cận thị thị trường các nước các nước phát triển như Mỹ là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, nếu chấp nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý tương tự hoặc dưới hình thức nhãn hiệu sẽ là một nhượng bộ đối với lợi ích quốc gia. Việt Nam là nước nông nghiệp, có nhiều sản phẩm mang tính đặc thù theo vùng, miền có thể được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, mang lại ưu thế cạnh tranh. Với việc đơn giản hóa thủ tục bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ tiềm ẩn nguy cơ các chỉ dẫn địa lý chưa đăng ký có thể dễ dàng bị các tổ chức/cá nhân chiếm hữu theo nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên”. Chỉ dẫn địa lý với các điều kiện bảo hộ đặc thù đã, đang và cần được coi là tài sản chung, thuộc sở hữu cộng đồng dân cư khu vực tương ứng mà nhà nước làm đại diện.


Hiện tại Việt Nam đã có 74 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, trong đó có 6 chỉ dẫn địa lý nước ngoài và 68 chỉ dẫn địa lý nội địa. Việt Nam có duy nhất 1 chỉ dẫn địa lý là “Nước mắm Phú Quốc” được bảo hộ tại EU năm 2013. Về vấn đề này, pháp luật Việt Nam về bảo hộ chỉ dẫn địa lý là tương đối đầy đủ, tuy nhiên Việt Nam lại không có quy định về cơ chế kiểm tra chất lượng các sản phẩm đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Do vậy, các chỉ dẫn địa lý nội địa thường không được xác định chất lượng ổn định, kém sức cạnh tranh. Biện pháp được coi là hữu hiệu để phát triển và nâng cao chất lượng chỉ dẫn địa lý Việt Nam là xác lập một hệ thống kiểm định chất lượng quốc gia khi xem xét và công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Kinh nghiệm của EU về hệ thống này là rất đáng nghiên cứu và học tập. Chỉ có như vậy, các chỉ dẫn địa lý nội địa của Việt Nam mới có thể vượt qua “rào cản kỹ thuật” vào các nước phát triển như EU và “vươn tầm” quốc tế.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Bùi Thị Phượng - Phòng Sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest


Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật sở hữu trí tuệ được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: [email protected].