-->

Logo, nhãn hiệu, thương hiệu, biểu tượng: Giống và khác nhau như thế nào?

Logo (logo), biểu tượng (symbol), nhãn hiệu (brand), thương hiệu (trade mark), thuật ngữ sử dụng phổ biến trong quá trình bảo hộ thương hiệu của các cá nhân, tổ chức.

Logo (logo), biểu tượng (symbol), nhãn hiệu (brand), thương hiệu (trade mark), là những khái niệm quen thuộc, nhưng nhiều người không hiểu đúng ý nghĩa của các khái niệm này.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Phân biệt khái niệm logo, nhãn hiệu, thương hiệu, biểu tượng

Logo

Logo là tín hiệu tạo hình thẩm mỹ có cấu trúc hoàn chỉnh chứa đựng một lượng thông tin hàm súc biểu đạt lực năng hoạt động của một công ty, một tổ chức, một hoạt động (như một cuộc thi, phong trào…) hay một ban nhóm. Ở Việt Nam, logo còn được gọi là biểu trưng.

Biểu tượng

Biểu tượng là một giai đoạn trong quá trình nhận thức của con người về thế giới khách quan. Ở giai đoạn nhận thức này, con người dùng một đối tượng (hình ảnh) này để thay thế (tượng trưng) cho một vật (hay hiện tượng) khác phức tạp hơn.

Ví dụ: “Hình ảnh trái tim” thay thế cho “Tình yêu của con người”, “Hình ảnh chim bồ câu” tượng trưng cho “Hòa bình nhân loại”, “Hình ảnh con rắn” để chỉ những người xấu xa, độc ác….

Nhãn hiệu

Nhãn hiệu là những dấu hiệu để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu hàng hóa có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. (Tìm hiểu thêm cách đăng ký nhãn hiệu )

Nhãn hiệu hàng hoá gắn vào sản phẩm và/hoặc bao bì sản phẩm để phân biệt sản phẩm cùng loại của các cơ sở sản xuất khác nhau. Còn nhãn hiệu dịch vụ gắn vào phương tiện dịch vụ để phân biệt dịch vụ cùng loại của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác nhau.

Nhãn hiệu có thể là: (i) Chữ có khả năng phát âm, có nghĩa hoặc không có nghĩa, trình bày dưới dạng chữ viết, chữ in hoặc chữ được viết cách điệu; (ii) Hình vẽ, ảnh chụp; (iii) Chữ hoặc tập hợp các chữ kết hợp với hình vẽ, ảnh chụp.

Như vậy, có thể xem logo hay biểu tượng chính là một trong những dấu hiệu của nhãn hiệu. Tuy nhiên, trong hệ thồng pháp luật Việt Nam hiện hành, chỉ thừa nhận duy nhất cơ chế bảo hộ đối với nhãn hiệu. Muốn được đăng ký bảo hộ, một nhãn hiệu phải đáp ứng những yêu cầu nhất định: "Được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố độc đáo, dễ nhận biết; Không trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu người khác đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ hoặc đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; không trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng...."

Thương hiệu

Thương hiệu là khái niệm trong người tiêu dùng về sản phẩm với dấu hiệu của nhà sản xuất gắn lên mặt, lên bao bì hàng hoá nhằm khẳng định chất lượng và xuất xứ sản phẩm. Thương hiệu thường gắn liền với quyền sở hữu của nhà sản xuất và thường được uỷ quyền cho người đại diện thương mại chính thức.

Thương hiệu - theo định nghĩa của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO): là một dấu hiệu (hữu hình và vô hình) đặc biệt để nhận biết một sản phẩm hàng hoá hay một dịch vụ nào đó được sản xuất hay được cung cấp bởi một cá nhân hay một tổ chức.

Thương hiệu được hiểu là một dạng tài sản phi vật chất. Lưu ý phân biệt thương hiệu với nhãn hiệu. Một nhà sản xuất thường được đặc trưng bởi một thương hiệu, nhưng ông ta có thể có nhiều nhãn hiệu hàng hóa khác nhau.

Yếu tố cấu thành thương hiệu

Phần đọc được: Bao gồm những yếu tố có thể đọc được, tác động vào thính giác của người nghe như tên công ty, doanh nghiệp (ví dụ như: Gateway, PGrand, 3M…), tên sản phẩm (555, Coca Cola), câu khẩu hiệu (Tôi yêu Việt Nam), đoạn nhạc, hát, câu slogan đặc trưng và các yếu tố phát âm khác.

Phần không đọc được: Bao gồm những yếu tố không đọc được mà chỉ có thể cảm nhận được bằng thị giác như hình vẽ, biểu tượng (hình bông sen của Vietnam Airlines), màu sắc (màu xanh của Nokia, đỏ của Coca-Cola, hay kiểu dáng thiết kế, bao bì (kiểu chai bia Henniken) và các yếu tố nhận biết (bằng mắt) khác. (Tham khảo thêm kiến thức về Sở hữu trí tuệ )

Những điều kiện mà một logo ấn tượng cần đáp ứng

Khác biệt: có những dấu hiệu đặc biệt gây ấn tượng thị giác mạnh, dễ phân biệt. Đây là chức năng quan trọng của logo, giúp phân biệt thương hiệu hay sản phẩm với thương hiệu hay sản phẩm cạnh tranh. Sự khác biệt cũng làm cho thương hiệu dễ đi vào tâm trí của khách hàng hơn. Để tạo sự khác biệt, có thể các nhà thiết thường tránh những hình cơ bản, được dùng nhiều. Tính khác biệt cao cũng làm tăng khả năng được pháp luật bảo hộ.

Đơn giản, dễ nhớ: tạo khả năng dễ chấp nhận, dễ suy diễn. Trong vài chục giây quan sát, người xem có thể hình dung lại đường nét biểu trưng trong trí nhớ. Trong bối cảnh nhiều sản phẩm cạnh tranh cùng được khuếch trương trên các phương tiện thông tin đại chúng, logo của thương hiệu sẽ không được khách hàng biết đến nếu nó phức tạp và khó nhớ, dù là bằng tên gọi, ký hiệu hay chữ viết. Hầu hết các thương hiệu nổi tiếng thế giới đều sử dụng những dấu hiệu thương hiệu rất đơn giản. Kodak sử dụng chữ K được viết cách điệu, McDonald sử dụng chữ M hình cánh cổng màu vàng, Nike sử dụng nét phết, IBM sử dụng tên thượng hiệu viết cách điệu. Hầu như những dấu hiệu thương hiệu này chỉ sử dụng 1 hoặc 2 màu cơ bản như màu vàng của Kodak, McDonanld, màu xanh da trời của IBM, hay màu đỏ của Coca Cola.

Dễ thích nghi: có khả năng thích nghi trong các thị trường thuộc khu vực khác nhau, các nền văn hoá hay ngôn ngữ khác nhau. Trên thực tế, khách hàng ở các nước khác nhau, có nền văn hoá khác nhau và ngôn ngữ khác nhau thường có cách hiểu khác nhau đối với các hình ảnh hay ký hiệu. Do đó các biểu trưng thương mại quốc tế ít dùng hình ảnh mang ý nghĩa sẵn có theo một nền văn hoá hay ngôn ngữ nào mà sử dụng những hình ảnh mới rồi gắn chúng với các liên tưởng về sản phẩm.

Có ý nghĩa: biểu thị được những nét đặc trưng cho sản phẩm hay các chủ đề liên quan. Thực tế là những logo có ý nghĩa tự thân về sản phẩm lại thường không tạo nên cảm giác khác biệt. Hơn nữa, sản phẩm ngày nay thường quá phức tạp khiến tên gọi hay hình ảnh có ý nghĩa thì lại khó khác biệt, dễ nhớ và đảm bảo tính tượng trưng. Cho nên trong thực tế tính ý nghĩa này thường được tạo ra qua các liên tưởng về thương hiệu hơn là tự thân thương hiệu.
Mọi vướng mắc trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ đều có thể được hỗ trợ bởi đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý chất lượng. Để tìm hiểu chi tiết, vui lòng truy cập Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ - Luật Everest

Xu hướng thiết kế logo trong việc tạo dựng thương hiệu

Mục đích của logo là phải thể hiện được giá trị hay mục tiêu của doanh nghiệp, vì vậy các tiêu chí này cần phải xác định thật cụ thể trước khi bắt đầu công việc thiết kế logo. Phải xác định rõ thông điệp mà thương hiệu cần chuyển tải, qua đó thì việc sáng tạo logo sẽ bám sát các thông điệp này. Đặc biệt lưu ý phải làm sao để có sự kết nối giữa thương hiệu và logo vì logo chính là một phần trong chiến lược thương hiệu. Dưới đây là một số xu hướng thiết kết logo không những tạo ấn tượng mạnh với khách hàng mà còn truyền tải được chiến lược thương hiệu của chính doanh nghiệp.

Hình dáng: Một số nhà thiết kế biểu trưng coi trọng hình dạng giản dị, dễ đọc vì biểu trưng phức tạp thường khó nhận biết.

Có thể kết hợp ký hiệu với tên thương hiệu. Khá nhiều doanh nghiệp chọn một ký hiệu đặc thù kết hợp với tên thương hiệu để tạo thành logo. Khi thương hiệu đã trở nên nổi tiếng, ký hiệu có thể đứng độc lập để tạo nên sự nhận biết về thương hiệu. Tuy nhiên, những tác giả như Al Ries và Laura Ries (1998) và Alycia Perry (2003) cho rằng ký hiệu thường chỉ có tác dụng khi nó đi cùng tên thương hiệu trong logo. Những thương hiệu mà bản thân ký hiệu có thể đứng một mình đại diện cho thương hiệu như Nike hoặc Mercedes là rất hiếm và thường chỉ có ở những thương hiệu xuất hiện từ rất sớm, khi số lượng trên thị trường là rất nhỏ.

Cách khác để tạo ra ấn tượng là dùng kiểu chữ đặc thù của tên thương hiệu. Đây là hình thức cách điệu tên thương hiệu bằng cách sử dụng kiểu chữ đặc thù bao gồm việc sử dụng phông chữ, chữ hoa - Chữ thường, thay đổi độ đậm nhạt hoặc cách viết cách điệu. Khi thiết kế logo theo cách này, doanh nghiệp có thể sử dụng thiết kế đặc thù của tên thương hiệu đầy đủ hoặc viết tắt.

Màu sắc: Màu sắc cũng có xu hướng đơn giản, dễ dàng được nhận thấy và ghi nhớ. Các nhà thiết kế có thể ưu tiên vẽ màu trắng và đen trước khi tô màu. Một vài ví dụ diễn giải màu sắc:
  1. Đen: trang trọng, đặc biệt, mạnh mẽ, quyền lực, tinh tế, truyền thống.
  2. Xanh dương: uy quyền, đỉnh đạc, an toàn, đáng tin cậy, truyền thống, ổn định, trung thành.
  3. Nâu/vàng: cổ điển, lợi ích, trần tục, giàu sang, truyền thống, bảo thủ.
  4. Xám/bạc: ảm đạm, quyền lực, thực tế, tâm linh, tin tưởng.
  5. Xanh lá cây: yên tĩnh, lành mạnh, khoẻ khoắn, ổn định, thèm muốn.
  6. Hồng: nữ tín, ngây thơ, dịu dàng, khoẻ mạnh, trẻ trung.
  7. Tím: tinh tế, tâm lý, giàu sang, hoàng tộc, trẻ trung, bí ẩn.
  8. Đỏ: hung hăng, mạnh mẽ, bền bỉ, đầy sức sống, kinh sợ,
  9. Cam: là màu phối hợp giữa màu đỏ và vàng, chỉ điềm lành được hưởng cuộc sống yên vui, nhiều quyền hành.
Người thiết kế logo có thể chọn màu sắc tương hợp, tương sinh với triết lý âm dương, ngũ hành.

Trong hoạt động quảng bá, logo không phải là thương hiệu, tuy nhiên nó là ấn tượng bên ngoài để dễ nhận ra thương hiệu. Một công ty, một tổ chức có một logo đẹp, ấn tượng sẽ là tiền đề để lưu giữ uy tín của mình trong cộng đồng.

Logo chính là ấn tượng bên ngoài đại diện cho thương hiệu, nó làm cho người có tiền tìm đến bạn, nhớ đến bạn và nhận rõ bạn trong hàng triệu những công ty kinh doanh khác. Trong khi logo không phải là thương hiệu thì việc sử dụng mẫu mã và hình dáng của nó sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu của bạn. Một logo tuyệt vời có thể mang đến cho bạn một sức mạnh không tưởng và đóng góp trực tiếp vào doanh thu. Mặt khác, một logo tệ hại rất có thể là “nụ hôn của thần chết”. ( Có thể bạn cũng đang quan tâm đến vấn đề bảo hộ kiểu dáng công nghiệp)

Những lợi ích của việc thiết kế logo ấn tượng

Trong hoạt động quảng bá, Logo không phải là thương hiệu, tuy nhiên nó là ấn tượng bên ngoài để dễ nhận ra thương hiệu.

Một Công ty, một tổ chức có một logo đẹp, ấn tượng sẽ là tiền đề để lưu giữ uy tín của mình trong cộng đồng.

Logo chính là ấn tượng bên ngoài đại diện cho thương hiệu của bạn, nó làm cho người có tiền tìm đến bạn, nhớ đến bạn và nhận rõ bạn trong hàng triệu những công ty kinh doanh khác.

Trong khi logo không phải là thương hiệu thì việc sử dụng mẫu mã và hình dáng của nó sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu của bạn. Một logo tuyệt vời có thể mang đến cho bạn một sức mạnh không tưởng và đóng góp trực tiếp vào doanh thu. Mặt khác, một logo tệ hại rất có thể là “nụ hôn của thần chết”.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Bùi Thị Phượng - Phòng Sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest


Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].