Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Hỏi: Cách đây vài tháng tôi có quen một người. Anh ta có hứa là sẽ chạy điểm cho tôi để qua môn học ở trường cao đẳng. Và anh ta nhận của tôi là 03 triệu đồng để chạy 03 môn. Hiện bây giờ tôi không qua được môn học.Tôi có điện thoại cho anh ta nhưng anh ta không bắt máy. Vậy cho tôi hỏi luật sư là tôi có thể kiện anh ta về hành vi chiếm đoạt tài sản được không. Cả hai bên chỉ có hợp đồng miệng. Không có giấy tờ gì chứng minh. Nhưng bằng thủ đoạn này anh ta đã lừa khoảng 06 người với tổng số tiền gần 20 triệu đồng.Chạy điểm bất thành, có thể khởi kiện không? (Kiều Trang - Hà Nội)
Luật gia Ngô Đức Cường - Tổ tư vấn pháp luật hình sự Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định:
"Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:a) Có tổ chức;b) Có tính chất chuyên nghiệp;c) Tái phạm nguy hiểm;d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm".
Phân tích:
1. Mặt khách quan
- Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động … và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản
- Chiếm đoạt tài sản, được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Đặc điểm của việc chiếm đoạt này là nó gắn liền và có mối quan hệ nhân quả với hành vi dùng thủ đoạn gian dối
Như vậy, có thể phân biệt với những trường hợp dùng thủ đoạn gian dối khác, chẳng hạn dùng thủ đoạn cân, đong, đo đếm gian dối nhằm ăn gian, bớt của khách hàng hoặc để bán hàng giả để thu lợi bất chính thì không cấu thành tội này mà cấu thành tội lừa dối khách hàng hoặc tội buôn bán hàng giả.
Lưu ý: thời điểm hoàn thành tội phạm này được xác định từ lúc kẻ phạm tội đã chiếm giữ được tài sản sau khi đã dùng thủ đoạn gian dối để làm cho người chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản bị mắc lừa gia tài sản cho kẻ phạm tội hoặc không nhận tài sản đáng lẽ phải nhận.
- Về giá trị tài sản chiếm đoạt: Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ hai triệu đồng trở lên
Nếu dưới hai triệu đồng thì phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bi kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì người thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.
2. Khách thể
Hành vi nêu trên xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác
3. Mặt chủ quan
Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý
Ý thức chiếm đoạt phải có trước thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. thủ đoạn gian dối bao giờ cũng phải có trước khi tiến hành giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội. Nếu sau khi có được tài sản hợp pháp mới phát sinh thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản thì không coi là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tuỳ từng trường hợp cụ thể người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội danh tương ứng ( như tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản).
Trong trường hợp này, người mà bạn đưa tiền đã dùng thủ đoạn hứa chạy điểm để chiếm đoạt tài sản của khoảng 6 người, đây là thủ đoạn gian dối, đối chiếu với các dấu hiệu trên thì người đó đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự thì "trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự".Như vậy, bạn hoàn toàn có quyền kiện anh ta, trách nhiệm xác minh thuộc về cơ quan điều tra.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận