-->

Các loại hình tác phẩm được bảo hộ và không được bảo hộ trong quyền tác giả

Tác phẩm được hưởng sự bảo hộ quyền tác giả mà bất chấp các yếu tố sáng tạo của chúng, chất lượng hay giá trị của tác phẩm và cũng không cần đáp ứng bất kỳ tiêu chuẩn về văn học hay nghệ thuật nào.

Tác phẩm được hưởng sự bảo hộ quyền tác giả mà bất chấp các yếu tố sáng tạo của chúng, chất lượng hay giá trị của tác phẩm (một bức tranh của đứa trẻ ba tuổi cũng là một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả đầy đủ), và cũng không cần đáp ứng bất kỳ tiêu chuẩn về văn học hay nghệ thuật nào (quyền tác giả cũng được áp dụng đối với các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, tài liệu hướng dẫn hay hình vẽ kỹ thuật đơn thuần).

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Quyền tác giả bảo hộ các sáng tạo văn học và nghệ thuật có tính nguyên gốc của tất cả tác giả, như nhà văn, nhạc sỹ, lập trình viên phần mềm, nhà thiết kế web và nhiều tác giả sáng tạo khác. Trước kia, pháp luật về quyền tác giả được sử dụng để bảo hộ các loại hình thức thể hiện sáng tạo khác nhau dưới dạng giấy, trong khi đó, ở thời đại Internet ngày nay, quyền tác giả được áp dụng với tất cả các nhà sản xuất, phân phối và kinh doanh các tác phẩm dưới dạng kỹ thuật số.

Đối tượng bảo hộ quyền tác giả

Khoản 7 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009 (gọi tắt là Luật SHTT) quy định: "Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào".

Quy định này hoàn toàn phù hợp với quy định trong Công ước Berne về Bảo hộ quyền tác giả. Cụ thể, Điều 2.1 Công ước Berne quy định rằng: “Các tác phẩm văn học, nghệ thuật bao gồm các tác phẩm văn học, khoa học và các tác phẩm thuộc các lĩnh vực nghệ thuật, dù được thể hiện dưới hình thức nào”.

Như vậy, để trở thành tác phẩm - đối tượng bảo hộ của quyền tác giả, ý tưởng sáng tạo trong các lĩnh vực văn học, khoa học, nghệ thuật phải đảm bảo các điều kiện về tính sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định. Đối tượng bảo hộ quyền tác giả phải hội tụ 2 đặc điểm chính:

+ Có tính sáng tạo: là kết quả của hoạt động sáng tạo trí tuệ trực tiếp của tác giả, được tạo ra lần đầu tiên bởi tác giả và không sao chép từ tác phẩm của người khác.

+ Được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định: Các ý tưởng sáng tạo chỉ là tư duy, muốn tiếp cận và hưởng lợi giá trị của những ý tưởng này nếu chúng được bộc lộ và chứa đựng dưới những phương tiện, hình thức nhất định. Do vậy, pháp luật quyền tác giả không bảo hộ ý tưởng mà chỉ bảo hộ hình thức thể hiện ý tưởng đó.

Hình thức thể hiện của các sáng tạo trong những lĩnh vực này rất đa dạng, phụ thuộc vào loại hình tác phẩm và sự phát triển của công nghệ: thông qua chữ viết, hình khối, đường nét, màu sắc, hình ảnh... những tác phẩm này không chỉ được lưu dưới dạng sách, giấy... mà còn được lưu trong đĩa bộ nhớ RAM trong máy tính, CD-ROM. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm các hình thức qua bài viết.

Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

Luật SHTT quy định:

- "Điều 14. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả
1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm: a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác; b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác; c) Tác phẩm báo chí; d) Tác phẩm âm nhạc; đ) Tác phẩm sân khấu; e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh); g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng; h) Tác phẩm nhiếp ảnh; i) Tác phẩm kiến trúc; k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học; l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian; m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

2. Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.

3. Tác phẩm được bảo hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.

4. Chính phủ hướng dẫn cụ thể về các loại hình tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này".

- "Điều 15. Các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả

1. Tin tức thời sự thuần túy đưa tin.

2. Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó.

3. Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu".

Những đối tượng không được bảo hộ quyền tác giả

Ý tưởng

Pháp luật quyền tác giả chỉ bảo hộ cách thức thể hiện ý tưởng dưới một định dạng cụ thể mà không bảo hộ ý tưởng chứa trong đó hay quy trình, phương pháp vận hành, khái niệm hoặc hệ thống toán học có liên quan. Việc bảo hộ các đối tượng đó có thể được thực hiện bởi pháp luật sáng chế hoặc bí mật kinh doanh, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện có liên quan.

Ví dụ: Công ty của bạn quyền tác giả đối với một cuốn sách mô tả quy trình sản xuất bia. Quyền tác giả đối với cuốn sách cho phép bạn ngăn cấm người khác sao chép nội dung và phần minh họa của cuốn sách, nhưng sẽ không trao cho bạn quyền ngăn cấm đối thủ cạnh tranh sử dụng máy móc, quy trình và phương pháp bán hàng được mô tả trong cuốn sách.

Sự kiện

Quyền tác giả không bảo hộ sự kiện - cho dù đó là sự kiện khoa học, lịch sử, tiểu sử hay tin tức trong ngày - mà chỉ bảo hộ cách thức thể hiện, lựa chọn hay sắp xếp các sự kiện đó.

Ví dụ: Tiểu sử chủ yếu có chứa các sự kiện trong cuộc sống của một con người. Tác giả có thể đã phải mất đáng kể thời gian và công sức để tìm ra ra những thứ đó mà trước đây chưa ai biết đến. Tuy vậy, những người khác có thể tự do sử dụng các sự kiện đó miễn là không sao chép cách thức thể hiện các sự kiện đó.

Tin tức dựa trên các sự kiện đó không được bảo hộ quyền tác giả. Tuy nhiên, quyền tác giả vẫn được áp dụng đối với cách thức mà phóng viên thể hiện sự kiện đó và quyền tác giả bổ sung cũng được áp dụng đối với việc dàn trang tin và toàn bộ tờ báo. (Tuy nhiên, cần lưu ý rằng pháp luật quyền tác giả của nhiều nước quy định những ngoại lệ và hạn chế đối với việc bảo hộ các bản tin).

Vật dụng

Ở một số nước, việc bảo hộ quyền tác giả không được áp dụng đối với các vật dụng hữu ích, như bồn tắm, vải vóc hay ổ cứng máy tính (tuy nhiên, kiểu dáng của các vật dụng hữu ích có thể được bảo hộ dưới hình thức kiểu dáng công nghiệp). Tuy vậy, việc bảo hộ quyền tác giả vẫn sẽ được áp dụng đối với những vật dụng này nếu chúng chứa các đặc điểm đồ họa, tạo hình hay điêu khắc mà có thể được “nhận biết một cách riêng biệt từ các đặc điểm ứng dụng” của vật dụng.

Ví dụ: Một chiếc áo thun màu trắng tinh sẽ không được bảo hộ quyền tác giả. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nếu bạn in một tác phẩm nghệ thuật được bảo hộ quyền tác giả lên áo, sau đó bạn sẽ bị mất quyền tác giả đối với tác phẩm nghệ thuật đó bởi nó trở thành một phần của một vật dụng. Tuy chiếc áo thun không được bảo hộ quyền tác giả, nhưng tác phẩm nghệ thuật sẽ vẫn được bảo hộ quyền tác giả, cho dù nó được gắn lên sản phẩm nào đi nữa.

Tên gọi, tiêu đề, khẩu hiệu và các thuật ngữ ngắn khác

Các từ ngữ riêng lẻ, tên gọi, tên gọi, khẩu hiệu, tiêu đề và các thuật ngữ ngắn khác nhìn chung không được bảo hộ quyền tác giả. Nhưng một số nước cho phép bảo hộ nếu chúng có tính sáng tạo cao. Điều này có nghĩa là tên của một sản phẩm hay một khẩu hiệu quảng cáo mà bạn sử dụng trong kinh doanh thường không được bảo hộ quyền tác giả (nhưng chúng có thể được bảo hộ theo pháp luật nhãn hiệu và pháp luật cạnh tranh không lành mạnh). Ngược lại, biểu trưng lại có thể được bảo hộ quyền tác giả như một tác phẩm nghệ thuật (cũng như được bảo hộ thao pháp luật nhãn hiệu, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ).

Các tác phẩm chính thức của chính phủ

Các tác phẩm chính thức của chính phủ như bản sao các đạo luật hoặc các phán quyết của tòa án sẽ không được bảo hộ quyền tác giả ở nhiều nước.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Bùi Thị Phượng - Phòng Sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest


Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].