Quyền nhân thân và quyền tài sản trong quyền tác giả

Trong quyền tác giả, quyền nhân thân chỉ thuộc về riêng cá nhân tác giả, không thể chuyển giao cho bất kì ai. Nhưng, quyền tài sản lại hoàn toàn có thể chuyển giao cho bất kì ai dưới các hình thức như bán, tặng cho…

Quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm quyền nhân thânquyền tài sản. Hai loại quyền này khác nhau như thế nào? Có phải cứ là tác giả của tác phẩm thì sẽ được hưởng trọn vẹn hai đặc quyền này?
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Quy định của pháp luật về quyền nhân thân và quyền tài sản trong quyền tác giả


Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Luật Sở hữu trí tuệ) quy định như sau:

- "Quyền tác giả đối với tác phẩm quy định tại Luật này bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản" (Điều 18).

- "Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây: 1. Đặt tên cho tác phẩm. 2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng. 3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm. 4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả" (Điều 19).

- "1. Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây: (a) Làm tác phẩm phái sinh; (b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng; (c) Sao chép tác phẩm; (d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; (đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; (e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

2. Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật này.

3. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả" (Điều 20).

Quyền nhân thân trong quyền tác giả

Quyền nhân thân là những quyền chỉ thuộc về riêng cá nhân tác giả, không thể chuyển giao cho bất kì ai dưới bất kì hình thức nào thậm chí ngay cả trong trường hợp tác giả của đối tượng sở hữu công nghiệp đó chết. Quyền nhân thân mà pháp luật ghi nhận cho tác giả đối tượng sở hữu công nghiệp là quyền được ghi tên. Họ tên dưới danh nghĩa là tác giả được ghi đầy đủ, cụ thể, rõ ràng và chính xác trong các trường hợp sau: (i) Ghi tên tác giả trong sổ đăng kí quốc gia về các đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ; ghi tên tác giả trong bằng độc quyền hay giấy chứng nhận đăng kí các đối tượng sở hữu công nghiệp; (ii) Được nêu tên là tác giả trong các tài liệu công bố về các đối tượng sở hữu công nghiệp.

Tác giả đối tượng sở hữu công nghiệp gồm hai loại: Tác giả đồng thời là chủ sở hữu văn bằng bảo hộ (như tác giả đã tạo ra đối tượng đó bằng công sức lao động cũng như kinh phí riêng của bản thân) và tác giả không đồng thời là chủ sở hữu văn bằng bảo hộ (như tác giả sáng tạo ra các đối tượng đó theo hợp đồng lao động, hợp đồng thuê nghiên cứu với chủ sở hữu văn bằng hay tác giả đã chuyển giao quyền sở hữu đối tượng đó cho người khác thông qua hợp đồng chuyển nhượng được kí kết với người khác).

Trường hợp tác giả đồng thời là chủ sở hữu văn bằng bảo hộ thì việc ghi tên trong các trường hợp trên cũng là quan trọng nhưng trong trường hợp tác giả không đồng thời là chủ văn bằng bảo hộ thì việc ghi họ tên tác giả lại càng quan trọng hơn. Một người đã dày công, nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi phát hiện thậm chí đôi khi họ còn phải trả bằng cả máu và nước mắt trong suốt quá trình tạo ra các đối tượng sở hữu công nghiệp đó nhưng đến khi chúng được công khai trước công chúng, được sự ngưỡng mộ tán dương của mọi người thì người sáng tạo ra đối tượng đó lại không được ghi danh hoặc lại ghi danh một người khác. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến danh dự của người sáng tạo và sẽ không có được sự kích lệ động viên để tiếp tục lao động sáng tạo ra các đối tượng sở hữu công nghiệp mới. Nếu các thành quả đạt được đó lại tiếp tục không được ghi nhận trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của họ thì đó là sự mất mát vô cùng lớn lao mà bất kì người nào cũng đều không muốn.

Chính bởi vậy, ngay cả khi đối tượng sở hữu công nghiệp mà tác giả sáng tạo ra đã chuyển quyền sở hữu cho người khác nhưng việc ghi tên họ dưới danh nghĩa là tác giả của các đối tượng đó cần phải được pháp luật ghi nhận và bảo hộ.

Luật gia Bùi Thị Phượng - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật gia Bùi Thị Phượng - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Quyền tài sản trong quyền tác giả

Quyền tài sản là quyền được hưởng những lợi ích vật chất phát sinh từ đối tượng sở hữu công nghiệp của tác giả. Quyền tài sản được pháp luật ghi nhận cho tác giả đối tượng sở hữu công nghiệp là quyền được nhận thù lao từ chủ sở hữu theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Bản chất của tiền thù láo đó là để trả công, bù đắp cho những nỗ lực sáng tạo, cho lao động trí tuệ của tác giả theo các hợp đồng thuê nghiên cứu hay hợp đồng lao động; tiền thù lao cũng để trả cho cả những chi phí về vật chất mà tác giả đã phải bỏ ra trong suốt quá trình nghiên cứu như tiền mua nguyên vật liệu, thiết bị, máy móc, đồ dùng phục vụ cho thí nghiệm… trong trường hợp tác giả đã sáng tạo ra đối tượng sở hữu công nghiệp một cách độc lập bằng kinh phí và trí tuệ của riêng mình và sau đó chuyển giao quyền sở hữu đối tượng đó cho người khác.

Mức thù lao mà tác giả được nhận trước hết dựa trên sự thoả thuận giữa tác giả và chủ sở hữu. Tầm quan trọng của đối tượng sở hữu công nghiệp đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của chủ sở hữu, thời gian nghiên cứu sáng tạo, hàm lượng trí tuệ kết tinh trong đối tượng đó, những chi phí tiền bạc đã bỏ ra để nghiên cứu và phát triển đối tượng sở hữu công nghiệp đó là những yếu tố có ý nghĩa quyết định đến sự thoả thuận của các bên về mức thù lao mà tác giả được nhận.

Trường hợp tác giả và chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp không có thoả thuận về mức thù lao thì mức thù lao này được xác định theo quy định của pháp luật. Theo đó, tác giả các đối tượng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp được nhận tiền thù lao theo mức và thời hạn sau đây:

- Mức thù lao: "Mức thù lao tối thiểu mà chủ sở hữu phải trả cho tác giả được quy định như sau: a) 10% số tiền làm lợi mà chủ sở hữu thu được do sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; b) 15% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí" (khoản 2 Điều 135 Luật SHTT).

- Thời hạn trả thù lao: "Nếu giữa chủ sở hữu và tác giả không có thoả thuận khác, việc thanh toán tiền thù lao phải được thực hiện không muộn hơn ba mươi ngày, kể từ ngày chủ sở hữu nhận được tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng hoặc kể từ ngày chủ sở hữu thu được lợi sau mỗi đợt sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; nếu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được sử dụng liên tục thì mỗi đợt thanh toán không được quá sáu tháng, kể từ ngày kết thúc đợt thanh toán trước" (khoản 3 Điều 18 Nghị định số 103/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp).

Nếu như quyền nhân thân nói trên (quyền được ghi tên) của tác giả đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc về riêng cá nhân tác giả không thể chuyển giao cho bất kì ai thì ngược lại quyền tài sản (quyền được nhận thù lao) của tác giả lại hoàn toàn có thể chuyển giao cho bất kì ai dưới các hình thức như bán, tặng cho… thậm chí có thể chuyển giao cho người khác sau khi tác giả chết như để lại thừa kế. Có thể nói với quy định này của pháp luật sẽ thực sự khuyến khích các chủ thể tích cực nghiên cứu sáng tạo bởi lợi ích của họ đã được bảo đảm thỏa đáng.

Ngoài hai quyền cơ bản trên là quyền nhân thân và quyền tài sản thì tác giả đối tượng sở hữu công nghiệp còn có quyền được yêu cầu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình khi có bất cứ hành vi nào xâm phạm đến các quyền của mình.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Bùi Thị Phượng - Phòng Sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest


Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật sở hữu trí tuệ được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: [email protected].