Khi người lao động thuê lại vi phạm nội quy lao động thì bên thuê lại có nghĩa vụ trả lại lao động cho doanh nghiệp cho thuê lại, cung cấp bằng chứng về hành vi vi phạm của người lao động mà không có quyền sa thải người lao động thuê lại.
Hỏi: Đề nghị Luật sư tư vấn, nếu người lao động thuê lại vi phạm nội quy lao động của bên thuê lại lao động thì bên thuê lại lao động có thẩm quyền sa thải người lao động thuê lại không? (Quang Minh - Thanh Hóa)
Luật gia Đào Thị Mai - Tổ tư vấn pháp luật lao động - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Bộ luật lao động năm 2012 có quy định về quyền nghĩa vụ của bên cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động như sau:
"Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động:1. Bảo đảm đưa người lao động có trình độ phù hợp với những yêu cầu của bên thuê lại lao động và nội dung của hợp đồng lao động đã ký với người lao động.2. Thông báo cho người lao động biết nội dung của hợp đồng cho thuê lại lao động.3. Ký kết hợp đồng lao động với người lao động theo quy định của Bộ luật này.4. Thông báo cho bên thuê lại lao động biết sơ yếu lý lịch của người lao động, yêu cầu của người lao động.5. Thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật này; trả tiền lương, tiền lương của ngày nghỉ lễ, nghỉ hằng năm, tiền lương ngừng việc, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm; đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật.Bảo đảm trả lương cho người lao động thuê lại không thấp hơn tiền lương của người lao động của bên thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau.6. Lập hồ sơ ghi rõ số lao động đã cho thuê lại, bên thuê lại lao động, phí cho thuê lại lao động và báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.7. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động khi bên thuê lại lao động trả lại người lao động do vi phạm kỷ luật lao động" (Điều 56).
"Quyền và nghĩa vụ của bên thuê lại lao động:1. Thông báo, hướng dẫn cho người lao động thuê lại biết nội quy lao động và các quy chế khác của mình.2. Không được phân biệt đối xử về điều kiện lao động đối với người lao động thuê lại so với người lao động của mình.3. Thỏa thuận với người lao động thuê lại nếu huy động họ làm đêm, làm thêm giờ ngoài nội dung hợp đồng cho thuê lại lao động.4. Không được chuyển người lao động đã thuê lại cho người sử dụng lao động khác.5. Thỏa thuận với người lao động thuê lại và doanh nghiệp cho thuê lại lao động để tuyển dụng chính thức người lao động thuê lại làm việc cho mình trong trường hợp hợp đồng lao động của người lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động chưa chấm dứt.6. Trả lại doanh nghiệp cho thuê lại lao động người lao động không đáp ứng yêu cầu như đã thỏa thuận hoặc vi phạm kỷ luật lao động.7. Cung cấp cho doanh nghiệp cho thuê lại lao động chứng cứ về hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động thuê lại để xem xét xử lý kỷ luật lao động" (Điều 57).
Như vậy, hợp đồng lao động chỉ tồn tại giữa người lao động và doanh nghiệp cho thuê lại lao động. Bên thuê lại lao động chỉ có quyền quản lý với người lao động. Do đó, khi người lao động thuê lại vi phạm nội quy lao động thì bên thuê lại có nghĩa vụ trả lại lao động cho doanh nghiệp cho thuê lại, cung cấp bằng chứng về hành vi vi phạm của người lao động mà không có quyền sa thải người lao động thuê lại.
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận