Xử phạt hành vi gây ô nhiễm môi trường

Bảo vệ môi trường là nghĩa vụ của tất cả người dân Việt Nam. Tùy theo mức độ, người có hành vi gây ô nhiễm môi trường có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghĩa vụ bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật

Nghĩa vụ bảo vệ môi trường đã được quy định tại Điều 43 Hiến pháp 2013: “Mọi người có quyền được sống trong một môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Ngoài ra, nghĩa vụ bảo vệ môi trường còn được quy định trong Luật bảo vệ môi trường 2014 như sau: “Nguyên tắc bảo vệ môi trường – 1. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân” (Khoản 1 Điều 4 Luật bảo vệ môi trường 2014)

Do vậy, pháp luật đã quy định các chế tài khác nhau tùy theo mức độ hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Các biện pháp xử phạt hành chính đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường

Việc xử phạt hành chính đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường được quy định cụ thể tại Nghị định 155/2016/NĐ – CP. Trong nghị định này, các hành vi gây ô nhiễm môi trường sẽ phải chịu các hình thức xử phạt bao gồm: phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt bổ sung và buộc khắc phục hậu quả.


Luật sư tư vấn pháp luật môi trường - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài (24/7): 1900 6198

Thứ nhất, phạt cảnh cáo đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường

Phạt cảnh cáo là sự khiển trách công khai của Nhà nước đối với người vi phạm pháp luật. Phạt cảnh cáo thường áp dụng đối với các hành vi vi phạm pháp luật ở mức độ thấp, vi phạm lần đầu.

Nghị định 155/2016/NĐ – CP quy định phạt cảnh cáo đối với một số hành vi gây ô nhiễm môi trường như: xả nước thải có thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật dưới 1,1 lần; thải mùi hôi thối vào môi trường; thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật dưới 1,1 lần; gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật dưới 2dBA; …

Các hành vi bị phạt cảnh cáo có đặc điểm là gây ô nhiễm môi trường ở mức độ nhẹ, không gây ảnh hưởng lớn đến môi trường.

Thứ hai, phạt tiền đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường

Phạt tiền là hình thức được áp dụng phổ biến đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Phạt tiền trong xử lý vi phạm hành chính được áp dụng đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường vượt trên mức cảnh cáo nhưng chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự.

Nghị định 155/2016/NĐ – CP đã liệt kê các hành vi gây ô nhiễm môi trường ở mức độ khác nhau với mức phạt tương ứng. Số tiền phạt đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường không vượt quá 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.

Các hành vi phạt tiền có thể kể đến như sau: hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 1,1 lần trở lên; hành vi thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 1,1 lần trở lên; hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn từ 2dBA trở lên; hành vi gây độ rung từ 2dBA trở lên; hành vi gây ô nhiễm đất, nước, không khí, gây ô nhiễm môi trường kéo dài, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng,…

Thứ ba, phạt bổ sung đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường

Hành vi gây ô nhiễm môi trường có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung khác nhau như: tước quyền sử dụng có thời hạn đối với một số giấy phép, giấy chứng nhận; tịch thu tang vật vi phạm, phương tiện được sử dụng để vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Trong Nghị định 155/2016/NĐ – CP có một số chế tài phạt bô sung như: đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với cơ sở có hành vi xả nước thải, khí thải, tiếng ồn, độ rung, vượt mức theo quy định của pháp luật; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với trường hợp chôn, lấp, đổ thải ra môi trường chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ,…

Thứ tư, buộc khắc phục hậu quả đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường

Cá nhân, tổ chức có hành vi gây ô nhiễm môi trường còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ – CP như: “buộc khôi phục lại tình trạng môi trường đã bị ô nhiễm hoặc phục hồi môi trường bị ô nhiễm do vi phạm hành chính gây ra; buộc trồng lại, chăm sóc và bảo vệ diện tích khu bảo tồn đã bị phá hủy, phục hồi sinh cảnh ban đầu cho các loài sinh vật (Điểm a Khoản 3 Điều 4 Nghị định 155/2016/NĐ – CP); buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn và độ rung, phát sáng, phát nhiệt, quản lý chất thải nguy rắn và chất thải nguy hại, xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường (Điểm i Khoản 3 Điều 4 Nghị định 155/2016/NĐ – CP);…

Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường

Đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) đã quy định các chế tài tương ứng với các mức độ nghiêm trọng tại Điều 235 về tội gây ô nhiễm môi trường.

Theo đó, cá nhân có hành vi gây ô nhiễm môi trường có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm. Còn đối với tổ chức có hành vi gây ô nhiễm môi trường có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng và có thể bị đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm hoặc vĩnh viễn tùy theo mức độ và hành vi vi phạm.

Các hành vi gây ô nhiễm môi trường bị truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định theo Điều 235 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) như sau: (i)Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng hoặc có chứa chất hữu cơ khó phân hủy phải loại trừ trên 1000 kg; (ii)Thải ra môi trường trên 150.000 m3/1h khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn quốc gia từ 5 lần trở lên; (iii)Xả thải ra môi trường trên 500 m3/ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quá quy chuẩn kỹ thuật từ 5 lần trở lên; (iv)Phát tán ra môi trường bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn hoặc vượt mức giới hạn; (v)Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật chất rắn thông thường từ 100.000 kg trở lên;…

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Nguyễn Sỹ Việt - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198.