-->

Xả nguồn nước thải ra môi trường bị xử lý như thế nào?

Người có hành vi xả nước thải ra môi trường làm ảnh hưởng đến người khác có thể chịu trách nhiệm dân sự. Việc xả nước thải vượt quá quy chuẩn cho phép có thể bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự.

Việc xả nguồn nước thải ra môi trường có thể gây thiệt hại đối với người khác, thậm chí là đối với một cộng đồng khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Do đó, người có hành vi xả thải có thể phải chịu trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự. Tùy thuộc vào mức độ hành vi và hậu quả mà nó gây ra đối với môi trường là khác nhau mà pháp luật sẽ có các mức xử phạt tương ứng.

Trách nhiệm dân sự - Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường.

Căn cứ vào điều Điều 602 Bộ luật dân sự 2015:

“Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi.”

Theo quy định trên, chủ thể xả thải nguồn nước ô nhiễm ra môi trường gây thiệt hại hoặc ảnh hưởng đến người xung quanh thì phải bồi thường thiệt hại cho các chủ thể bị xâm phạm, kể cả trường hợp người xả thải không có lỗi. Việc bồi thường thiệt hại được quy định theo pháp luật dân sự tại Điều 13 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

“Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”

Như vậy, người bị thiệt hại có thể thỏa thuận với người xẩ thải hoặc khởi kiện ra tòa dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.


Luật sư tư vấn pháp luật môi trường - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật môi trường - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài (24/7): 1900 6198

Các chế tài hành chính đối với hành vi xả thải ra môi trường

Chủ thể có hành vi xả thải nguồn nước ô nhiễm ra môi trường sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính nếu mức độ ô nhiễm vượt quá quy chuẩn kỹ thuật mà nhà nước đã ban hành. Các chế tài hành chính gồm có: phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt bổ sung, buộc khắc phục hậu quả.

1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi xả thải ra môi trường

Trường hợp sau khi xác định được nguồn nước ô nhiễm có chứa thông số ô nhiễm môi trường thông thường hoặc thông số ô nhiễm môi trường nguy hại vượt quá quy chuẩn cho phép nhưng chưa quá 10% thì người xả thải sẽ bị xử phạt cảnh cáo theo quy định tại Khoản 1 Điều 13, Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 155/2016/NĐ – CP: “Phạt cảnh cáo đối với hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,1 lần (tương đương mức vượt quy chuẩn kỹ thuật là 10%)”.

2. Phạt tiền đối với hành vi xả thải ra môi trường

Chủ thể có hành vi thải nguồn nước ô nhiễm môi trường vượt quá quy chuẩn cho phép từ 10% trở lên sẽ bị phạt tiền tùy theo nước ô nhiễm có chứa thông số ô nhiễm môi trường thông thường hay nguy hại và mức độ ô nhiễm của nguồn nước đó. Mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 950.000.000 đồng, còn có thể bị phạt thêm nhưng tối đa không quá 1 tỷ đồng tùy theo mức độ vi phạm. (quy định tại Điều 13, Điều 14 Nghị định số 155/2016/NĐ – CP)

3. Phạt bổ sungđối với hành vi xả thải ra môi trường

Trong trường hợp chủ thể xả thải có hoạt động kinh doanh mà gây ô nhiễm môi trường thì có thể bị đình chỉ hoạt động từ 03 tháng đến 12 tháng tùy theo mức độ và hậu quả gây ra.

4. Buộc khắc phục hậu quảđối với hành vi xả thải ra môi trường

Chủ thể có hành vi xả thải nguồn nước ô nhiễm ra môi trường sẽ bị áp dụng các biện pháp buộc khắc phục hậu quả như sau: Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính; buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả thải.

Trách nhiệm hình sự đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường

Cá nhân, tổ chức xả thải nguồn nước ô nhiễm ra môi trường sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp lượng nước thải và mức độ gây ô nhiễm môi trường được thải ra ở mức nghiêm trọng, quy định tại Điều 235 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Theo đó, lượng nước xả thải ra môi trường từ 500 m3/ngày trở lên và có thông số môi trường nguy hại từ 5 lần trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức tiền phạt hình sự là rất cao từ 50 triệu đồng đến 3 tỷ đồng đối với cá nhân và phạt đến 20 tỷ đồng đối với tổ chức. Cá nhân phạm tội có thể bị phạt tù, còn tổ chức phạm tội có thể bị đình chỉ hoạt động tùy theo mức độ vi phạm.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Nguyễn Sỹ Việt - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật:1900 6198, E-mail: [email protected].