Luật Hiến pháp là một trong ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Hệ thống pháp luật này đuợc chia thành các ngành luật theo đối tượng điều chỉnh của chúng: Luật Hiến pháp; Luật Hành chính; Luật Hình sự; Luật Dân sự; Luật Hôn nhân và gia đình...
Rất khác với các hệ thống pháp luật của các nước phương Tây, theo truyền thống của các nước xã hội chủ nghĩa, hệ thống pháp pháp luật của nhà nước Việt Nam hiện hành thường được chia thành các ngành luật. Luật Hiến pháp là một trong ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Hệ thống pháp luật Việt Nam đang hiện hành được hình thành từ các văn bản pháp luật khác nhau do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành. Hệ thống pháp luật này đuợc chia thành các ngành luật theo đối tượng điều chỉnh của chúng: Luật Hiến pháp; Luật Hành chính; Luật Hình sự; Luật Dân sự; Luật Hôn nhân - gia đình... Mỗi một ngành luật được hình thành một tập hợp các quy phạm pháp luật được chứa đựng rải rác trong các văn bản pháp luật khác nhau, có cùng chung đối tượng, phương pháp, những nguyên tắc, những chủ thể mà chúng dùng để điều chỉnh.
Những dấu hiệu để phân biệt các quy phạm pháp luật thành các ngành luật khác nhau gồm: đối tượng điều chỉnh, phương pháp điều chỉnh, các nguyên tắc, chủ thể, khách thể, nguồn của chúng… Trong số các dấu hiệu nêu trên đối tượng điều chỉnh là quan trọng bậc nhất.
Xã hội được hình thành bởi một loạt những hoạt động của các lĩnh vực hoạt động xã hội khác nhau. Đó là các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội… Một khi các lĩnh vực khác nhau đều được quy định bằng pháp luật, thì với tư cách là một lĩnh vực hoạt động của xã hội, chính trị cũng phải được quy định. Chính trị - politic là thuật ngữ cổ La Mã có nghĩa là công việc nhà nước. Vì thế hiến pháp cũng như ngành luật hiến pháp là một ngành luật có nhiệm vụ quy định về tổ chức nhà nước, tổ chức chính tri, chế độ nhà nước, hay còn được gọi ngành luật quy định chế độ chính trị của mỗi quốc gia.
Đối tượng điều chỉnh của hiến pháp trong lịch sử, cũng như hiện tại rất là khác nhau. Càng về sau này trọng tâm đối tượng điều chỉnh của hiến pháp quy định về tổ chức bộ máy nhà nước. Đó là những quy định tạo nên chế độ chính trị của mỗi quốc gia. Khác với Hiến pháp của các nước phát triển chế độ chính trị được quy định ngay ở chương thứ nhất của bản Hiến pháp. Thuật ngữ chính trị có nguồn gốc từ tiếng Hy lạp “politika” có nghĩa là công việc nhà nước. Thế nào là những công việc nhà nước, hay đặt vấn đề một cách khác, những công việc nào có thể được gọi là những công việc nhà nước, những công việc chính trị?
Theo V.I Lênin, chính trị cũng được hiểu là hoạt động trong quan hệ giữa các giai cấp, các dân tộc, các nhà nước, cái cơ bản nhất trong chính trị đó là tổ chức chính quyền Nhà nước. Cái đầu tiên trong lĩnh vực chính trị đó là sự tham gia công việc nhà nước, quy định hình thức, nhiệm vụ phương hướng và nội dung hoạt động của Nhà nước. Theo Lênin, “Bất kỳ một vấn đề nào cũng có thể trở thành vấn đề chính trị, nếu giải quyết vấn đề đó động chạm đến quyền lợi giai cấp, chính quyền nhà nước vì vậy chính trị chính là vấn đề thực hiện quyền lực nhà nước, quyền lực thuộc về ai và phục vụ, bảo vệ quyền lợi cho ai, cho giai cấp nào, tầng lớp nào trong xã hội”.
Ví dụ: Về việc giải quyết rác thải. Chỉ là một “cái rác thôi”, nếu như nó không được giải quyết thỏa đáng ở cơ sở - cấp phường/xã sẽ là một vấn đề của cấp quận, và tiếp tục quận không giải quyết được, nó sẽ lên thành phố. Và đến lượt mình thành phố cũng không giải quyết được giải quyết ở tầm quốc gia, cái rác đó sẽ trở thành cần phải giải quyết ở tầm quốc gia. Đó là vấn đề chính trị của “cái rác".
Như vậy, tất cả vấn đề đều có thể trở thành vấn đề chính trị, nếu chún được giải quyết ở tầm quốc gia, có liên quan đến quyền lợi của dân tộc, của giai cấp. Đó là những công việc của nhà nước ở tầm vĩ mô. Nhưng trong tất cả những vấn đề chính trị, thì vấn đề tổ chức nhà nước là cơ sở nhất và cơ bản nhất.
Chế độ chính trị là một bộ phận cấu thành chế độ xã hội. Vì chính trị là công việc của Nhà nước, công việc xã hội, mà trong xã hội có giai cấp, công việc của Nhà nước là công việc chủ yếu, nên chế độ chính trị là chế độ thực hiện quyền lực Nhà nước.
Chế độ chính trị tức là chế độ nhà nước, không có một chế độ chính trị nào có thể tách khỏi chế độ nhà nước. Chế độ chính trị trong “Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật” được hiểu là tổng thể các biện pháp dùng để thực hiện quyền lực nhà nước, một trong 3 hình thức tổ chức nhà nước: Chính thể, hình thức cấu trúc lãnh thổ và chế độ chính trị. Chế độ chính trị theo lý luận này là chế độ nhà nước được hình thành bằng các biện pháp mà giai cấp thống trị dùng để cai trị đất nước. Đó là những chế độ dân chủ, chế độ độc tài, chuyên chế….1 Trong một chường mực nào đó chế độ chính trị rất trùng với
chính thể.
Trong cuốn từ điển Bách khoa Việt Nam, thuật ngữ “chế độ chính trị” được hiểu là nội dung phương thức tổ chức và hoạt động của tổ chức chính trị quốc gia mà trung tâm là Nhà nước. Chế độ chính trị được cấu thành bởi sự kết hợp các yếu tố: chính trị, kinh tế- xã hội, tư tưởng văn hoá, pháp luật. Chế độ chính trị được biểu hiện rõ nét nhất trong mô hình tổ chức Nhà nước, trong Hiến pháp của mỗi một Nhà nước quy định về nguồn gốc và tính chất của quyền lực, sự phân bổ và tổ chức các cơ quan quyền lực Nhà nước và mối quan hệ giữa các cơ quan quyền lực, về những quan hệ của Nhà nước với công dân, các đảng phái chính trị, các tổ chức xã hội, giữa các giai cấp và tầng lớp xã hội giữa
các dân tộc trong nước và trên thế giới.
Nhưng nếu xem xét dưới góc độ là một chế định của luật Hiến pháp Việt Nam thì chế độ chính trị là tổng thể các quy định của Chương I, chương đầu tiên của bản hiến văn, quy định những vấn đề có tính chất nguyên tắc chung làm nền tảng cho mọi chương sau này. Nếu chúng ta hình dung Hiến pháp cũng là một trong những bản văn pháp luật, thì bao giờ một văn bản pháp luật hoàn chỉnh cũng bắt đầu bằng chương quy định những nguyên tắc chung, thì chương chế độ chính trị cũng là chương quy định những nguyên tắc chung.
Dưới góc độ này chúng ta có thể hiểu rằng: Hiến pháp Việt Nam là bản văn có hiệu lực pháp luật cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam quy định chế độ chính trị dân chủ, tức là chế độ nhà nước, mà quyền lực của nhà nước đó thuộc về nhân dân, một chế độ nhà nước có mục tiêu bảo dảm những quyền con người cho mọi người dân Việt Nam và những người sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam, tạo nên một chế độ dân chủ được gọi là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa .
Đó là những quy định nói về bản chất Nhà nước, nguồn gốc Nhà nước của nhân dân dân, vì nhân dân và do nhân dân. Nhà nước này được tổ chức và hoạt độngdưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là những quy định về những nguyên tắc cơ bản, tổ chức, hoạt động bộ máy Nhà nước. Ngoài đối tượng điều chỉnh cơ bản này, khác với hiến pháp của các nhà nước khác, hiến pháp Việt Nam còn quy định cả các chế khác làm nền tảng, đồng thời cũng là mục đích của chế độ nhà nước. Đó là những quy định liên quan đến việc xác định chế độ kinh tế, văn hóa, xã hội.
Những vấn đề này quy định hình thức tổ chức quyền lực Nhà nước theo hình thức cấu trúc bề ngoài Nhà nước, cơ cấu lãnh thổ, và hình thức tổ chức Nhà nước bên trong, chính thể Nhà nước. Đối với Nhà nước ta là Nhà nước đơn nhất, được tổ chức theo mô hình chính thể Cộng hoà xã hội chủ nghĩa. Như điều kiện đã phân tích thì khái niệm trong từ điển Bách khoa Việt Nam đưa ra gần với Hiến pháp hiện hành hơn.
“Chế độ chính trị” được dùng trong các Hiến pháp Việt Nam là thuật ngữ được khái quát hoá cao tất cả các hoạt động chính trị của xã hội Việt Nam. Hoạt động chính trị được thể hiện rất nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là thông qua hoạt động của các bộ phận cấu thành Nhà nước Việt Nam. Nếu chúng ta phân tích xã hội hay chế độ xã hội được hình thành bằng hoạt động của rất nhiều chế độ khác nhau theo các lĩnh vực của hoạt động xã hội như kinh tế, văn hoá, giáo dục, an ninh, quốc phòng..., thì chính trị cũng là một lĩnh vực không thể thiếu được của xã hội. Những hoạt động này cấu thành chế độ chính trị. Một khi chế độ kinh tế, chế độ văn hoá... đều được quy định bằng pháp luật, thì chính trị cũng phải được quy định bằng pháp luật. Bản quy định chế độ này chủ yếu bằng Hiến pháp. Luật Hiến pháp là luật quy định hoạt động chính trị, tức là luật quy định chế độ chính trị.
Chế độ chính trị là đối tượng điều chỉnh quan trọng bậc nhất của Hiến pháp. Mỗi một bản Hiến pháp xác định (quy định) cho xã hội một chế độ chính trị tương ứng. Khi thay đổi chế độ chính trị là cũng cần thay đổi Hiến pháp. Nếu chế độ chính trị không thay đổi, mà thay đổi Hiến pháp, thì sự thay đổi đó chẳng qua là sự chỉnh lý sửa đổi mà thôi.
Qua các quy định của hiến pháp về chế độ chính trị chúng ta thấy rõ mô hình: Cơ cấu Nhà nước, bản chất Nhà nước, nguồn gốc Nhà nước, mục tiêu của Nhà nước, và mức độ tham gia của nhân dân vào việc tổ chức Nhà nước. Nhà nước có nguồn gốc quyền lực thuộc về nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền lực đó một cách trực tiếp hoặc thông qua cơ quan đại diện do nhân dân trực tiếp bầu ra, hoàn toàn không như quyền lực nhà nước phong kiến chuyên chế, nhân dân không có quyền tham gia vào các công việc của nhà nước.
Thông qua các quy định của ngành luật Hiến pháp Việt Nam, cho phép chúng ta thấy được mô hình cơ cấu Nhà nước Việt Nam, một nhà nước đơn nhất, theo thể chế cộng hòa xã hội chủ nghĩa, với bản chất là nhà nước của dân, do dân và vì dân, một kiểu nhà nước cuối cùng của các kiểu nhà nước. Nhà nước Việt Nam qua các quy phạm của ngành luật này được khẳng định là Nhà nước thể hiện ý chí của đa số nhân dân, không phải là Nhà nước của giai cấp quan lại, thống trị phong kiến tổ chức theo nguyên tắc cha truyền, con nối; và cũng chẳng phải là Nhà nước của giai cấp tư sản, chỉ có người giàu mới có quyền tham gia, mà là một nhà nước của tất cả nhân dân Việt Nam, không phân biệt giàu nghèo, trai gái... Đó là một Nhà nước được tổ chức để bảo vệ nhân dân, nhân dân tự tổ chức thành Nhà nước.
Như chúng ta đã biết luật pháp bao gồm tổng thể các quy phạm được nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm mục đích điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, tạo nên sự ổn định trật tự và an toàn cho xã hội tồn tại và phát triển . Vậy thì những quan hệ xã hội nào cần phải được điều chỉnh / quy định bởi những quy định của Hiến pháp.
Các mối quan hệ xã hội cần phải được luật hiến pháp Việt Nam điều chỉnh có thể phân thành những loại cơ bản sau:
- Những mối quan hệ xã hội liên quan đến nguồn gốc của quyền lực nhà nước và bản chất quyền lực nhà nước. Qua mối quan hệ này cho phép chúng ta xác định nguồn gốc của quyền lực nhà nước không xuất phát từ thiên đình, mà xuất phát từ nhân dân. Đây là mối quan hệ quan trọng bậc nhất của ngành luật. Trong những mối quan hệ này hiến pháp được xác định như là một đảm bảo cho dân chủ. Hiến pháp và Dân chủ gắn liền với nhau, cùng là những thành tố phủ nhận chế độ phong kiến độc tài chuyên chế, cũng đồng thời khẳng định dân chủ, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Đó là những quy định xác định mối quan hệ giữa nhân dân và nhà nước, trong đó chủ quyền nhà nước phải thuộc về nhân dân. (Xem thêm về Lịch sử lập hiến Việt Nam)
Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nhà nước dân chủ. Những mối quan hệ xã hội liên quan đến nguồn gốc bản chất nhà nước của nhân dân, vì nhân dân, do nhân dân đươc quy định trong một bản pháp luật có hiệu lực pháp lý tối cao. Đó là Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Những mối quan hệ này cho phép xác định ra cơ cấu, tổ chức các cơ quan Nhà nước, và mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với nhau.
- Những mối quan hệ xã hội liên quan đến cơ sở kinh tế, văn hoá, xã hội của việc tổ chức nhà nước Việt Nam. Những mối quan hệ này đặt nền tảng cho việc tổ chức quyền lực Nhà nước. Theo quan điểm duy vật biện chứng của K. Mac thì việc tổ chức quyền lực Nhà nước phải phù hợp với nền tảng này. Và ngược lại đến lượt mình chính những quy định này lại cso tác động làm kinh tế - xã hội phát triển.
- Những mối quan hệ xã hội giữa các cơ quan nhà nước với các công dân Việt Nam...Đó là những mối quan hệ xã hội phát sinh trong việc các cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải quyết và cung cấp những quyền lợi của người dân được hưởng.
-Những mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với các cơ quan nhà nước. Đó là những mói quan hệ hình thành trong quá trình sử dụng quyền hạn của các cơ quan nhà nước, để đảm bảo các cơ quan này hoạt động có hiệu quả trong sự phục vụ nhân dân, và ngăn cản sự lạm dụng quyền lực của bất kể cơ quan nhà nước nào, cũng như của những nhân viên nhà nước.
Với tư cách là dấu hiệu cơ bản cho việc hình thành ngành nên người ta thường dựa vào đối tượng mà nêu lên khái niệm ngành luật. Vì vậy, Luật Hiến pháp Việt Nam là một ngành luật bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật được chứa đựng rải rác trong các văn bản pháp luật khác nhau, từ văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất là Hiến pháp, cho đến các văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý thấp hơn, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội có liên quan đến việc tổ chức Nhà nước của nước CHXHCN Việt Nam, một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Ngành luật này quy định chế độ chính trị, tức là chế độ nhà nước, mà ở đó quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân Việt Nam - chế độ chính trị dân chủ.
Trên đây là định nghĩa có tính chất khái quát về luật Hiến pháp. Định nghĩa này tương đối phù hợp với những hiến pháp trước đây của Nhà nước tư bản. Khi mà lúc đó ngự trị một quan điểm, Hiến pháp là văn bản có mục đích hạn chế quyền lực của Nhà nước. Hiến pháp là một con đường giới hạn giữa hoạt động của Nhà nước và hoạt động xã hội, Nhà nước không được vượt ra ngoài đường ray giới hạn đó mà can thiệp sâu vào hoạt động xã hội khác của xã hội, khi mà Nhà nước không được phép can thiệp vào lĩnh vực kinh tế. Kinh tế là lĩnh vực hoạt động của tư nhân, thể hiện quyền tự nhiên của con người, Nhà nước không được phép can thiệp.
Trải qua hơn 200 năm, kể từ ngày có Hiến pháp đầu tiên thành văn của thế giới (Hiến pháp Mỹ) nhận thức trên đã thay đổi. Nhà nước không thể không can thiệp vào các lĩnh vực khác của xã hội. Vì vậy, Hiến pháp cũng vượt ra khỏi khuôn khổ hạn hẹp trên, không những chỉ quy định về việc tổ chức quyền lực Nhà nước, mà còn quy định những mục tiêu của phát triển của xã hội. Vì vậy có thể có định nghĩa khác hơn và cụ thể hơn về luật Hiến pháp được lưu hành một cách phổ biến trong lý thuyết của các nước xã hội chủ nghĩa trước kia và hiện nay. Đó là khái niệm cho rằng:
Luật Hiến pháp là một ngành luật cơ bản của hệ thống pháp luật bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật được Nhà nước thông qua (ban hành), điều chỉnh các mối quan hệ xã hội quan trọng có liên quan đến việc xác định chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh, quốc phòng, chính sách ngoại giao, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và những nguyên tắc tổ chức hoạt động của bộ máy Nhà nước.
Định nghĩa này đang được các nhà luật học Việt Nam hiện nay thừa nhận. Đây cũng là định nghĩa có tính chất chính thức của luật Hiến pháp Việt Nam, được nghi nhận/chứa đựng các Lời nói đầu của Hiến pháp 1959, 1980 và của Hiến pháp 1992. Việc lấy đối tượng điều chỉnh của luật Hiến pháp làm đối tượng điều chỉnh của ngành luật Hiến pháp là hoàn toàn đúng đắn, bởi lẽ nó thể hiện tính thống nhất của các văn bản quy phạm hợp thành ngành luật, đồng thời cũng thể hiện tính hiệu lực tối cao của bản thân Hiến pháp đối với các văn bản quy phạm pháp luật khác tạo nên ngành luật. Đây là định nghĩa có tính diễn giải liệt kê tất cả những gì được Hiến pháp quy định (các chương của Hiến pháp Việt Nam 1959, 1980, 1992).
Việc phân tích này theo quan điểm hiện nay của chúng tôi có mấy điều cần phải cân nhắc sau đây: Thứ nhất không cho phép chúng ta quy kết hiến pháp là một ngành luật độc lập. Không có một ngành luật nào điều chỉnh nhiều mối quan hệ xã hội rộng đến như vậy, cho dù những quan hệ đó đều là cơ bản. Thứ hai, nó lại giúp chúng ta liệt kê được hầu hết đối tượng, phạm vi cần phải điều chỉnh của Hiến pháp đương đại.
Thứ ba, sự liệt kê ở phần trên có một số chỗ trùng lặp. Nếu chúng ta đi sâu vào việc phân tích cụ thể từng chương của hiến văn thì có thể thấy ngay rằng, chính chế định chế độ chính trị, cũng là chế định nói về nguyên tắc tổ chức hoạt động bộ máy Nhà nước. Có chăng sự khác nhau ở đây chế định thứ nhất là những nguyên tắc chung, có tính định hướng cho các chế định sau này của các Hiến pháp nói về từng bộ phận (cơ quan) trong bộ máy Nhà nước.
Thứ tư, các chế định về chế độ kinh tế, văn hóa, xã hội được phân tích là cơ sở kinh tế, xã hội của Nhà nước. Đối với những nước chậm phát triển đây là mục tiêu hướng tới, cần phải bảo vệ của việc tổ chức quyền lực Nhà nước. Các nhà nước tư bản phát triển thường không có những quy định này. Vì những quy định này mà Hiến pháp của các nước xã hội thường được mệnh danh là “hiến pháp xã hội”, mà không phải là hiến pháp thuần khiết chỉ quy định về chế độ nhà nước.
Nếu Hiến pháp của Nhà nước tư bản là hiến chương về tổ chức quyền lực Nhà nước, thì đối với các Nhà nước chậm phát triển, Hiến pháp lại là hiến chương không chỉ về việc tổ chức quyền lực Nhà nước, mà còn là hiến chương cho cả xã hội.
Đi theo quan điểm này, trong Lời nói đầu của Hiến pháp Việt Nam 1980, và 1992 nói rõ định nghĩa của Hiến pháp Việt Nam như sau: “Hiến pháp này quy định chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước".
Toàn bộ những quy định chứa trong ngành Luật Hiến pháp Việt Nam như nêu trên được khái quát hoá thành cơ chế: Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ và Nhà nước quản lý. Đó là cơ chế chính trị của Nhà nước Việt Nam hiện nay.
.
Luật Hiến pháp với tư cách là một ngành luật chỉ được các nhà luật học của các nước xã hội chủ nghĩa công nhận. Bên cạnh đa số các giáo trình của hệ thống các Trường Đại học Tổng hợp, Khoa Luật của Liên xô cũ đều có xu hướng ghi nhận quan điểm trên, còn có những quan điểm phủ nhận Hiến pháp với tư cách là một ngành luật. Với lý do của sự phủ nhận này nằm ở chỗ: Trong hệ thống quy phạm của luật hiến pháp về cơ bản là không chứa đựng các chế tài – hình phạt. Và nhất là việc không tồn tại một loại hình tòa án nào xét xử các hành vi vi phạm các quy định của hiến pháp. Vì lẽ đó theo những quan điểm này hiến pháp vẫn chỉ tồn tại dưới dạng một đạo luật mà không thể là một ngành luật. Nhưng nói chung đa phần các học giả Xô viết vẫn có chung một quan điểm Luật Nhà nước là một ngành luật riêng.
Ở các nước tư bản phát triển thường không có quan điểm thừa nhận hệ thống pháp luật thành các ngành luật, riêng chỉ các các nhà nước thuộc hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa hệ thống pháp luật của họ được chia thành 2 ngành luật chính là công pháp và tư pháp. Công pháp là những tổng thể các quy phạm điều chỉnh các mối quan hệ liên quan đến cộng đồng quốc gia. Hiến pháp là mọt phần quan trọng của công pháp. Tư pháp là tổng thể các quy phạm điều chỉnh các mối quan hệ liên quan đến những quyền lợi của tư nhân. Các nhà nước theo hệ thống luật án lệ (Common law) không chia hệ thống pháp luật của mình thành công pháp và tư pháp với quan điểm cho rằng, hệ thống pháp luật là thống nhất không có chuyện tư pháp phải nhường bước trước quyền lợi của cộng dộng quốc gia (Công pháp).
Bên cạnh việc về cơ bản các nhà luật học xã hội chủ nghĩa trước đây đều cho rằng hiến pháp là một ngành luật độc lập như đã được phân tích ở phần trên, còn không ít nhà khoa học cho rằng hiến pháp không là một ngành luật độc lập, vì một lẽ rằng hiến pháp không có những quy định tố tụng và xét xử kèm theo.
Bài viết được thực hiện bởi: thạc sĩ, luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Everest, Giảng viên khoa Luật kinh tế - Trường Đại học Hòa Bình
Xem thêm:
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest quaTổng đài tư vấn pháp luật19006198, E-mail:[email protected],[email protected].
Bình luận