Bảo lãnh là việc người thứ ba (say đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ...
Hỏi:Đơn vị tôi có chứng thư bảo lãnh cho một doanh nghiệp (DN) vay vốn dài hạn tại một ngân hàng thương mại (NHTM) để đầu tư tài sản, tài sản sau khi hình thành sẽ thế chấp cho đơn vị tôi. Giai đoạn đầu, sau khi tài sản hình thành DN hoạt động có trả được một phần lãi và vốn vay có bảo lãnh cho NHTM nhưng sau đó do hoạt động không hiệu quả nên DN đãkhông trả được nợ. Đơn vị tôi đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (TH NVBL) 01 lần, trả phần nợ vay quá hạn của DN cho NHTM. Thời gian sau đó, DN vẫn tiếp tục không trả được phần nợ vay có bảo lãnh còn lại tại NHTM và cũng không trả lại cho đơn vị tôi phần tiền đơn vị tôi đã trả nợ thay cho DN đồng thời không đồng ý bán tài sản thế chấp tại 02 đơn vị để trả nợ nên NHTM và đơn vị tôi đã cùng khởi kiện DN để đòi nợ.NHTM đã khởi kiện DN cả 03 khoản vay. Đơn vị tôi khởi kiện DN phần tiền đơn vị tôi đã trả nợ thay cho DN tại NHTM. Do tài sản thế chấp cho 02 khoản vay riêng của DN tại NHTM có giá trị khá lớn nên tại phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm xử vụ kiện: NHTM kiện DN cả 03 khoản nợ vay và đơn vị tôi là “Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” đối với khoản nợ vay có bảo lãnh thì ông Giám đốc NHTM tự nguyện không yêu cầu Tòa án giải quyết về trách nhiệm bảo lãnh của đơn vị tôi cho DN trong vụ án này mà chỉ yêu cầu tòa án buộc DN trả nợ cho NHTM. Và Tòa án đã buộc DN phải có trách nhiệm trả cho NHTM cả tiền vốn và lãi của cả 03 hợp đồng vay (kể cả hợp đồng vay có bảo lãnh của đơn vị tôi), đồng thời duy trì các hợp đồng thế chấp tài sản của DN tại NHTM để đảm bảo cho việc thi hành án. Năm 2014, sau khi có bản án, cơ quan thi hành án đã bán được tài sản vay có bảo lãnh thế chấp tại đơn vị tôi để chuyển trả nợ cho đơn vị tôi, phần tiền bán tài sản còn lại thi hành án đã chuyển NHTM để trả phần nợ vay có bảo lãnh còn lại của DN tại NHTM. Khoản nợ gốc vay có bảo lãnh còn lại của DN tại NHTM sau khi chuyển trả là 800 triệu. Hiện nay, sau 2,5 năm bán tài sản của DN thế chấp tại đơn vị tôi để thi hành án cho 02 đơn vị, NHTM lại tiếp tục có văn bản yêu cầu đơn vị tôi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với khoản nợ còn lại và lãi với tổng số tiền yêu cầu là 5 tỷ đồng (trong đó vốn 800 triệu đồng) với lý do là tài sản thế chấp của 02 khoản vay ngắn hạn của DN bên NHTM không bán được và nếu bán được thì cũng không đủ thu nợ cho 02 khoản vay này của DN tại NHTM.
Kính đề nghị Quý Công ty hỗ trợ giải đáp giúp chúng tôi:
1/. Căn cứ nội dung tại 02 bản án của Tòa sơ thẩm và Tòa phúc thẩm thì trách nhiệm bảo lãnh của đơn vị tôi về việc bảo lãnh cho DN vay vốn tại NHTM có còn không ?
2/. Nếu đơn vị tôi từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì NHTM có quyền căn cứ chứng thư bảo lãnh trước đây để khởi kiện đơn vị tôi không ?
3/. Cách tính lãi của NHTM sau khi đã bán tài sản thế chấp tại đơn vị tôi để thi hành án có đúng không ? (Khánh Linh - Hà Nam)
Luật Dân sự 2005 quy định như sau
"Điều 361. Bảo lãnh
Bảo lãnh là việc người thứ ba (say đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.
Điều 363. Phạm vi bảo lãnh
Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh.Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Điều 366. Quan hệ giữa bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh
1. Bên nhận bảo lãnh không được yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh khi nghĩa vụ chưa đến hạn.
2. Bên bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp bên nhận bảo lãnh có thể bù trừ nghĩa vụ với bên được bảo lãnh.
Điều 367. Quyền yêu cầu của bên bảo lãnh
Khi bên bảo lãnh đã hoàn thành nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi bảo lãnh, nếu không có thoả thuận khác.
Điều 369. Xử lý tài sản của bên bảo lãnh
Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh, mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để thanh toán cho bên nhận bảo lãnh".
Căn cứ theo các quy định trên, khiđã đến hạn thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh, mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để thanh toán cho bên nhận bảo lãnh. Nghĩa là khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ thay choDoanh nghiệp trên mà đơn vị bạn không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì đơn vị bạn phải đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để thanh toán cho Ngân hàng. Về phạm vi bảo lãnh phụ thuộc theo thỏa thuận của các bên và đơn vị bạn phải có nghĩa vụ bapr lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại cho Doanh nghiệp đó.
Và sau khi đơn vị bạn hoàn thành nghĩa vụ bảo lãnh với doanh nghiệp trên lúc nàyđơn vị bạn sẽ sẽ có quyền yêu cầu doanh nghiệp đó thực hiện nghĩa vụ đối với mình.
Theo thông tin bạn cung cấp, doanh nghiệp trên có 3 khoản vay tại Ngân hàng và đơn vị bạn đã bảo lãnh 1 trong 3 khoản vay trên. Việc bảo lãnh được chấm dứt theo quy định dưới đây:
"Điều 371. Chấm dứt việc bảo lãnh
Việc bảo lãnh chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
1. Nghĩa vụ được bảo đảm bằng bảo lãnh chấm dứt;
2. Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác;
3. Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;
4. Theo thoả thuận của các bên".
Căn cứ theo quy định trên, việc bảo lãnh sẽ chấm dứt nếu đơn vị bạn thuộc một trong các trường hợp đó. Tuy nhiên theo như những gì bạn cung cấp không hề đề cập đến bất cứ thỏa thuận nào liên quan đến việc chấm dứt nghĩa vụ bảo lãnh đối với doanh nghiệp, mà chỉ có quyết định của Tòa án yêu cầu Doanh nghiệp phải thực hiện các nghĩa vụ trả nợ cho đơn vị bạn và Ngân hàng. Nên trong trường hợp này, nghĩa vụ bảo lãnh chưa chấm dứt và đơn vị bạn vẫn phải tiếp tục thực hiện việc bảo lãnh như đã thỏa thuận.
Trường hợp đơn vị bạn muốn từ chối việc bảo lãnh thì phải có sự thỏa thuận giữa các bên, trường hợp một trong các bên không đồng ý thì đơn vị bạn vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho tới khi việc bảo lãnh được chấm dứt.
Về câu hỏi liên quan đến cách tính lãi của Ngân hàng, Công ty chúng tôi chỉ hỗ trợ bạn liên quan đến lĩnh vực pháp luật chứ không tư vấn và hỗ trợ về nghiệp vụ chuyên ngành của Ngân hàng, do đó bạn có thể trực tiếp đến Ngân hàng đó để được hỗ trợ thêm.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận