-->

Tư vấn định tội danh: Tội trộm cắp tài sản hay tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

Tội trộm cắp tài sản hay tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được quy định ở Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.

Hỏi: Tôi có một tình huống mong luật sư tư vấn giúp: vì A, B,C là bạn bè nên B rủ A và C đến nhà B kéo cá nấu cháo nhưng vì cha B ở nhà nên B không dám bắt cá mà rủ A và C đến quán cafe gấn đó uống nước. A điều khiển xe mô tô biển kiểm soát XX của A chở B và C đi uống nước. Khi vào quán thì A vẫn để chìa khóa trong ổ khóa mà không rút ra. Sau khi uống xong thì cả 3 người đến quầy tính tiền. Do không có ai mang theo tiền nên B nói ông chủ quán nước cho thiếu, nhưng ông chủ quán nước không cho thiếu mà kêu B lấy xe của A đi mượn tiền đem lại trả. Lúc này A có điện thoại nên A quay lưng lại nghe điện thoại, còn B thì đi thẳng ra xe của A nổ máy và chạy đi. Khi B nổ máy xe chạy đi khoảng 10m thì A nhìn thấy và có kêu B nhưng B vẫn chạy đi mất. Hỏi hành vi của B là tội trộm cắp tài sản hay công nhiên chiếm đoạt tài sản? (Vĩnh Vì - Phú Yên)


>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Lương Thị Anh Thư - Tổ tư vấn pháp luật Hình sự Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Tội trộm cắp tài sản và tội công nhiên chiếm đoạt tài sản có hai điểm khác biệt cơ bản sau:

Thứ nhất, điểm khác biệt nhất là hành vi khách quan của tội phạm: hành vi khách quan của tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác, còn hành vi khách quan của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi công khai, ngang nhiên chiếm đoạt tài sản ngay trước sự chứng kiến của chủ tài sản.

Thứ hai, từ sự khác nhau về hành vi phạm tội có thể thấy một điểm khác nhau nữa giữa hai tội là về nhận thức chủ quan của chủ tài sản: ở tội trộm cắp tài sản, hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản được thực hiện bằng khả năng không cho phép chủ tài sản biết khi xảy ra hành vi phạm tội, trước khi xảy ra hành vi phạm tội thì tài sản vẫn đang trong sự kiểm soát của chủ tài sản nhưng khi xảy ra hành vi phạm tội chủ tài sản không hề biết tài sản của mình bị chiếm đoạt, chỉ sau khi mất tài sản chủ tài sản mới biết; còn ở tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, khi có hành vi chiếm đoạt tài sản chủ tài sản vẫn nhận biết được có hành vi chiếm đoạt nhưng do họ không có điều kiện bảo vệ tài sản của mình nên người phạm tội mới ngang nhiên chiếm đoạt tài sản mà không cần dùng bất kì thủ đoạn nào để đối phó với chủ tài sản.

Trong tình huống đó, B đã ngang nhiên chiếm đoạt tài sản của A. Bởi vì lúc B nổ máy chạy xe đi khoảng 10m A nhìn thấy và có kêu B, nhưng B vẫn chạy đi mất. Do lúc B chiếm đoạt tài sản là chiếc xe máy của A, A vẫn nhận thức được sự việc diễn ra xung quanh mình, vẫn nhận biết được có hành vi chiếm đoạt của B. Nhưng do A không có điều kiện để bảo vệ chiếc xe máy của mình lúc đó, nên B mới ngang nhiên chiếm đoạt tài sản của A mà không cần dùng bất cứ thủ đoạn nào để đối phó với A. Như vậy B đang công nhiên chiếm đoạt tài sản của A. Điều 137 Bộ luật hình sự 1999 quy định cụ thể về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản như sau:

"Điều 137. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Hành hung để tẩu thoát;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng."

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.