Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó được coi là lỗi vô ý
Hỏi: Khoảng 10 giờ ngày 10/6/2015 tại nhà máy Băm Dăm thuộc hợp tác xã Tiến Nam (Thôn 01, xã Cư Króa) băng tải máy 02 bị hở điện, anh Đào Sỹ Lâm (SN: 1989; HKTT: Thôn 02, xã Krông Jing) làm bộ phận cơ khí đi đến hạ cầu dao tổng (cắt điện) của nhà máy để sửa (nhưng không báo với Quản đốc nhà máy).Khi hạ cầu dao điện anh Lâm đã nói với mọi người trong nhà máy “Tôi đang sửa điện đừng ai bật cầu dao lên”, khi này có Việt, Hảo, Dương, Gạt và Mão nghe thấy, Lâm đi sửa điện thì có Văn Thế Mỹ (Lái xe tải chở keo đến nhà máy; SN: 1992; HKTT: P. Cam Phú, TP Cam Ranh, Khánh Hòa) đi theo để giúp. Đến khoảng 10 giờ 15 phút cùng ngày, Trương Thế Hảo tổ trưởng tổ cơ khí cùng Gạt và Dương đang sửa máy 01 (Cách cầu dao tổng 30 mét), do cần điện để sửa máy nên Hảo nói Dương đi đến cắt cầu dao phụ (cầu dao phụ đường điện đi ra băng tải máy 02 nơi Lâm đang sửa điện, cách chỗ Dương 30 mét) sau đó bật cầu dao tổng, khi Dương đang bươi đống dăm phủ lên hộp cầu dao phụ, chưa kịp cắt cầu dao thì Hảo nói Việt đang dọn vệ sinh khu vực gần cầu dao tổng lại bật cầu dao tổng lên (bật điện), lúc này Lâm đang sửa điện ở máy 02 nghe thấy nên nói “Bọn mày đừng bật cầu dao lên, thằng nào bật tao đánh chết thằng đó”. Do có máy ủi dăm đang hoạt động và nhiều ô tô tải ra vào nên bên trong xưởng không ai nghe được Lâm nói, chỉ có Mỹ và Dương ở gần chỗ Lâm sửa điện nghe thấy, Hảo và Gạt nghĩ rằng Dương đã cắt cầu dao phụ nên khi đóng cầu dao tổng thì sẽ không có điện ra chỗ Lâm đang làm. Gạt thấy Việt lưỡng lự không bật cầu dao thì Gạt nói “Không sao đâu có đông người ở đây mà”, nghe Gạt nói vậy nên Việt bật cầu dao tổng lên, ngay sau đó có tiếng nổ “Bụp” và tiếng của Mỹ hô to “Có người bị điện giật, cắt cầu dao đi”, Việt cắt cầu dao và cùng mọi người chạy ra chỗ Lâm sửa điện thì thấy Lâm đã tử vong. Ai là người có tội? (Thu Hà - Hà Nội)
Luật gia Ngô Đức Cường - Tổ tư vấn pháp luật hình sự Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Theo như những thông tin bạn cung cấp có thể xác định đây là trường hợp lỗi vô ý, cụ thể theo Bộ Luật hình sự 1999:
"Điều 10. Vô ý phạm tội
Vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
1. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xẩy ra hoặc có thể ngăn ngừa được;
2. Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó."
Trong trường hợp này, H biết rằng việc bật cầu dao tổng lên có thể gây chết người nếu L đang sửa điện trên đường dây đó. Nhưng vì nghĩ rằng cầu dao phụ đã được tắt nên H đã yêu cầu V bật cầu dao tổng lên. Lỗi ở đây được hình thành do việc H và V đã chủ quan, không xác nhận để đảm bảo việc cầu dao phụ đã được cắt để đảm bảo không gây hại cho L đang sửa điện. Ở đây ta không thể viện dẫn tình huống nhà máy ồn, không nghe được tiếng của mọi người để coi đây là sự cố bất khả kháng. H và V hoàn toàn có thể chạy ra chỗ cầu dao phụ để xác nhận và đảm bảo việc cầu dao này được tắt nhằm hạn chế rủi ro xảy ra. Như vậy, H và V đã không thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả mặc dù H và V có nghĩa vụ phải thấy trước và đã vô trách nhiệm khi không kiểm tra và xác định kĩ để đảm bảo không xảy ra sai xót.
Mặc dù vậy, H không phải là người trực tiếp bật cầu dao tổng gây ra cái chết của L mà V mới là người bật theo yêu cầu của H. Tuy nhiên, trong trường hợp này ta không xác định H và V là đồng phạm của vụ án do đồng phạm chỉ được xác định đối với tội phạm cố ý, không xác định với tội vô ý. Cụ thể:
"Điều 20. Đồng phạm
1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
3. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
Trong trường hợp này, tội phạm được xác định là tội vô ý làm chết người.
Điều 98. Tội vô ý làm chết người
1. Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm."
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận