-->

Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm

Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm gồm nhiều hành vi, như: sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm; quy định dấu hiệu cấu thành cụ thể về tính chất, mức độ vi phạm để làm căn cứ phân biệt tội phạm với vi phạm hành chính, vi phạm kỷ luật.

Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm được quy định tại Điều 155 BLHS:
“1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng hoá mà Nhà nước cấm kinh doanh có số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại các điều 153, 154, 156, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Hàng phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc thu lợi bất chính rất lớn;
e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội trong trường hợp hàng phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc thu lợi bất chính đặc biệt lớn, thì bị phạt tù từ tám năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

Khách thể của tội phạm:

Xâm phạm đến chế độ độc quyền của Nhà nước trong quản lý, sản xuất, kinh doanh một số loại hàng hóa bị cấm.
- Đối tượng tác động của tội phạm:

Là hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, tàng trữ, sản xuất, không cho phép lưu thông trên thị trường, như: các loại pháo nổ, đồ chơi nguy hiểm, đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội,… Hàng hóa mà nhà nước cấm kinh doanh có nhiều loại, nhưng một số loại đã là đối tượng của các tội quy định tại các Điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của BLHS thì không còn là đối tượng của tội phạm này. Việc xác định hàng cấm, phải căn cứ vào qui định của Nhà nước tùy thuộc và hoàn cảnh cụ thể của tình hình hình kinh tế - xã hội và chính sách của Nhà nước về quản lý kinh doanh.
Mặt khách quan của tội phạm:

Thể hiện ở hành vi sản xuất, tang trữ, vận chuyển, buốn bán hàng cấm. Điều luật qui định nhiều hành vi khách quan khác nhau như: sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán. Vì vậy, khi định tội tùy vào từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội thực hiện hành vi nào thì định tội theo hành vi đó, mà không định hết tất cả các hành vi được liệt kê trong điều luật. Ví dụ: một người chỉ thực hiện hành vi vận chuyển hàng cấm thì không định tội là “Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm”. Nếu một người thực hiện hành vi tàng trữ và buôn bán hàng cấm thì định tội là “Tàng trữ, buôn bán hàng cấm”.
- Sản xuất hàng cấm là hành vi làm ra hàng cấm, bao gồm: việc làm mới hoàn toàn; lắp ráp từ những bộ phận của hàng hóa theo tính năng tác dụng của hàng hóa đó. Người sản xuất có thể tham gia vào cả quá trình làm ra hàng cấm hoặc chỉ tham gia vào cả quá trình làm ra hàng cấm hoặc chỉ tham gia vào một công đoạn của quá trình làm ra hàng cấm.
- Tàng trữ hàng cấm là hành vi cất giữ hàng cấm ở bất kỳ chỗ nào một cách trái phép. Nơi tàng trữ có thể là nơi ở, nơi làm việc, mang theo trong người, trong hành lý hoặc cách giấu bất kỳ một vị trí nào khác mà người tàng trữ đã chọn. Thời gian tàng trữ dài hay ngắn không có ý nghĩa đối với việc truy cứu trách nhiệm pháp lý.
- Vận chuyển hàng cấm là hành vi đưa hàng cấm từ nơi này đến nơi khác một cách trái phép. Hình thức vận chuyển có thể là trực tiếp mang hoặc gửi hàng cấm từ địa điểm này đến địa điểm khác bằng cứ đường nào (đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không, đường bưu điện).
- Buôn bán hàng cấm là hành vi mua đi bán lại hàng cấm dưới bất kỳ hình thức nào như mua bán thông thường, đổi, thanh toán công nợ bằng hàng cấm. Không đòi hỏi phải có đầy đủ cả hai hành vi mua và bán hàng cấm mà chỉ cần có một trong hai hành vi đó người thực hiện hành vi buôn, bán cũng phải bị truy cứu trách nhiệm pháp lý về tội buôn bán hàng cấm.
Hiện nay, căn cứ vào Văn bản hợp nhất số 19/VBHN-BCT ngày 09/5/2014 của Bộ Công thương, mà theo đó, Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh được quy định tại các nghị định của Chính phủ, như: Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, có hiệu lực kể từ ngày 09 tháng 7 năm 2006, được sửa đổi, bổ sung bởi các văn bản sau: Nghị định số 43/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh của Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 hướng dẫn thi hành Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 7 năm 2009 và Nghị định số 39/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ về vật liệu nổ công nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 22 tháng 6 năm 2009, được liệt kê đầy đủ theo thứ tự tại Phụ lục I ban hành kèm theo Văn bản hợp nhất số 19/VBHN-BCT ngày 09/5/2014 của Bộ Công thương, gồm:
1. Vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; quân trang (bao gồm cả phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu của quân đội, công an), quân dụng cho lực lượng vũ trang; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng;
2. Các chất ma túy;
3. Hóa chất bảng 1 (theo Công ước quốc tế);
4. Các sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy, mê tín dị đoan hoặc có hại tới giáo dục thẩm mỹ, nhân cách;
5. Các loại pháo;
6. Đồ chơi nguy hiểm, đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội (bao gồm cả cả chương trình trò chơi điện tử);
7. Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm hoặc chưa được phép sử dụng tại Việt Nam theo quy định tại Pháp lệnh Thú y, Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
8. Thực vật, động vật hoang dã (bao gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng đó được chế biến) thuộc danh mục điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên quy định và các loại thực vật, động vật quý hiếm thuộc danh mục cấm khai thác và sử dụng;
9. Thủy sản cấm khai thác, thủy sản có dư lượng chất độc hại vượt quá giới hạn cho phép, thủy sản có độc tố tự nhiên gây nguy hiểm đến tính mạng con người;
10. Phân bón không có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam;
11. Giống cây trồng không có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh; giống cây trồng gây hại đến sản xuất và sức khỏe con người, môi trường, hệ sinh thái;
12. Giống vật nuôi không có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh; giống vật nuôi gây hại cho sức khỏe con người, nguồn gen vật nuôi, môi trường, hệ sinh thái;
13. Khoáng sản đặc biệt, độc hại;
14. Phế liệu nhập khẩu gây ô nhiễm môi trường;
15. Các loại thuốc chữa bệnh cho người, các loại vắc xin, sinh phẩm y tế, mỹ phẩm, hóa chất và chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn trong lĩnh vực gia dụng và y tế chưa được phép sử dụng tại Việt Nam;
16. Các loại trang thiết bị y tế chưa được phép sử dụng tại Việt Nam;
17. Phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, thực phẩm có nguy cơ cao, thực phẩm được bảo quản bằng phương pháp chiếu xạ, thực phẩm có gen đã bị biến đổi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;
18. Sản phẩm, vật liệu có chứa amiăng thuộc nhóm amphibole;
19. Thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu;
Hậu quả của hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm gây ra là những thiệt hại vật chất và phi vật chất cho xã hội như: sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, những thiệt hại về tài sản cho xã hội và những thiệt hại khác về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Người thực hiện hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm với lỗi cố ý trực tiếp, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi sản xuất, tang trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm là trái pháp luật, là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện. Động cơ, mục đích của người phạm tội là vụ lợi.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt nghĩa là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đến độ tuổi nhất định theo quy định của pháp luật thì có thể là chủ thể của tội phạm này. Người từ đủ 16 tuổi (khoản 1) hoặc từ đủ 14 tuổi trở lên (khoản 2, 3) có năng lực trách nhiệm hình sự.
Như vậy, Tội sản xuất, tàng trữ,vận chuyển, buôn bán hàng cấm là tội xâm hại trực tiếp đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước và được quy định tại Chương XVI của BLHS. So với Điều 166 BLHS năm 1985, Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm quy định tại Điều 155 BLHS năm 1999 được sửa đổi, bổ sung một cách căn bản, toàn diện, triệt để thể hiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập kinh tế thế giới.
Khi người thực hiện hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm có số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc bị xử phạt về hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại các Điều 153, 154, 156, 157, 158, 159, và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236, và 238 của Bộ luật này thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm. Về chế tài xử phạt được quy định nhẹ hơn so với luật cũ. Nếu Điều 166 BLHS năm 1985 quy định mức hì nh phạt tối thiểu từ 06 tháng đến 05 năm và mức cao nhất đến 20 năm thì Điều 155 BLHS năm 1999 chỉ quy định mức tối thiểu phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm và mức phạt cao nhất chỉ đến 15 năm tù.

Luật gia Nguyễn Minh Hải - Công ty Luật TNHH Everest