Hàng cấm gồm hàng hóa cấm kinh doanh; hàng hóa cấm lưu hành, sử dụng; hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam.
Hỏi: Tôi có anh rể bên vợ ở gần biên giới. Mỗi lần anh rể tôi về bà, mẹ vợ chơi là đem theo thuốc lá lậu (Hero), số lượng dưới 150 cây và tập kết thuốc trong nhà bà vợ tôi (bà, mẹ vợ tôi biết chuyện nhưng không có ý kiến và không dính gì đến việc này), sau đó mới đem giao cho khách hàng. Tôi đã nhiều lần ý kiến rồi nhưng vẫn không thay đổi và gần đây số lần đi về càng lúc thường xuyên hơn.Nếu số lượng thuốc lậu mà anh Rể của tôi đi mỗi lầm dưới 150 cây thì bị phạt như thế nào? Nếu số lượng thuốc lậu anh rể tôi đi trên 150 cây thì sao và ba, mẹ vợ tôi có bị coi là đồng phạm không? (Minh Hà - Hà Nội)
Theo như thông tin bạn cung cấp: Mỗi lần về thăm Bố mẹ, anh rể bạn đem theo thuốc lá lậu, số lượng dưới 150 cây (khoảng 1500 bao) và tập kết ở nhà Bố mẹ bạn, sau đó mới đem giao cho khách hàng. Bố mẹ bạn biết chuyện nhưng không có ý kiến gì. Bạn muốn hỏi, trường hợp này pháp luật quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định:
“... 6. "Hàng cấm” gồm hàng hóa cấm kinh doanh; hàng hóa cấm lưu hành, sử dụng; hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam...”
Mặt khác, căn cứ vào Điều 20 Nghị định 76/2001/NĐ-CP và Điều 5 Nghị định 59/2006/NĐ-CP thì hành vi trên của anh rể bạn thuộc hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật.
Theo đó, Điều 25 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định:
“1. Đối với hành vi kinh doanh hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu, mức phạt tiền như sau:
n) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.400 bao đến dưới 1.500 bao;
o) Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Các mức phạt tiền quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng xử phạt hành chính đối với:
a) Chủ phương tiện vận tải hoặc người điều khiển phương tiện vận tải có hành vi vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu;
b) Chủ kho tàng, bến bãi, nhà ở có hành vi tàng trữ hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu;
c) Người có hành vi giao nhận hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b) Tịch thu phương tiện vận tải được sử dụng để vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu trong trường hợp tang vật có số lượng từ 600 bao trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh thuốc lá từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.”
Đối chiếu với quy định này: Anh rể và Bố mẹ bạn sẽ bị xử phạt hành chính từ 80-90 triệu đồng nếu số lượng thuốc lậu từ 1400 bao đến dưới 1500 bao.Trường hợp số lượng trên 1500 bao mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ áp dụng mức phạt từ 90-100 triệu đồng đối với hành vi này.
Hành vi trên chỉ được coi là tội phạm khi hàng cấm có số lượng lớn, thu lợi nhuận bất chính lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án và chưa được xóa án tích về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại các Điều 153, 154, 156, 157, 158, 159, 161 BLHS. Cụ thể:
- Tàng trữ hàng cấm: người phạm tội cất giữ trái phép hàng cấm trong người, nơi ở, nơi làm việc hoặc ở một nơi nào đó…
- Vận chuyển hàng cấm: là hành vi đưa hàng cấm từ địa điểm này tới địa điểm khác bằng các hình thức khác nhau.
- Hành vi buôn bán hàng cấm: là hành vi mua đi, bán lại hàng cấm dưới bất kì hình thức nào nhằm mục đích thu lợi.
Theo đó, Điều 155Bộ luật hình sự năm 1999quy định:
“1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng hoá mà Nhà nước cấm kinh doanh có số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại các điều 153, 154, 156, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Hàng phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc thu lợi bất chính rất lớn;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trong trường hợp hàng phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc thu lợi bất chính đặc biệt lớn, thì bị phạt tù từ tám năm đến mười lăm năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Theo như thông tin bạn cung cấp: Hành vi trên của anh rể bạn có tính chất thường xuyên, mỗi lần chừng 1500 bao. Trường hợp này, anh rể bạn có hành vi vận chuyển và buôn bán hàng cấm (thuốc lá nhập lậu); bố mẹ bạn mặc dù không tham gia vào việc mua và vận chuyển thuốc lá nhưng lại có hành vi tàng trữ. Do đó, bố mẹ bạn là đồng phạm đối với hành vi tàng trữ hàng cấm. Do vậy, tùy thuộc vào mức độ của hành vi mà áp dụng các khung hình phạt khác nhau theo quy định của pháp luật.
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận