-->

Thủ tục giải quyết bồi thường tại tòa án, những điểm mới theo luật năm 2017

Những quy định về thủ tục giải quyết bồi thường tại tòa án có nhiều hạn chế, tuy nhiên Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đã sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc giải quyết bồi thường.

Quy định về trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường còn nhiều hạn chế, thủ tục hành chính rườm rà, thời hạn giải quyết không phù hợp, chưa tạo điều kiện cho cơ quan giải quyết bồi thường chủ động ra quyết định giải quyết bồi thường đối với thiệt hại đã rõ ràng, tính được ngay theo quy định của pháp luật nên chưa kịp thời đảm bảo quyền lợi của người bị thiệt hại. Khắc phục những bất cập nêu trên, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 (Sau đây gọi tắt là Luật TNBTCNN năm 2017) đã sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc giải quyết bồi thường.
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Thứ nhất, về khởi kiện và thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại Tòa án.

Điều 22 Luật TNBTNN năm 2009 chỉ quy định hai trường hợp khởi kiện:

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn ra quyết định giải quyết bồi thường quy định tại Điều 20 của Luật này mà cơ quan có trách nhiệm bồi thường không ra quyết định

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày người bị thiệt hại nhận được quyết định nhưng không đồng ý thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra Toà án có thẩm quyền theo quy định tại Điều 23 của Luật này để yêu cầu giải quyết bồi thường.

Để tạo bảo đảm tối đa quyền lợi của người dân, Điều 52 Luật TNBTCNN năm 2017 đã bổ sung 03 trường hợp người bị hại có quyền khởi kiện và quy định cụ thể về thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại Tòa án.

Người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện trong các trường hợp sau:

Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, người yêu cầu bồi thường chưa yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại giải quyết yêu cầu bồi thường;

Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, người yêu cầu bồi thường đã yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại giải quyết yêu cầu bồi thường, nhưng sau đó người đó rút đơn trước thời điểm cơ quan này tiến hành xác minh thiệt hại;

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại;

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có biên bản kết quả thương lượng thành giữa cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại với người yêu cầu bồi thường mà cơ quan đó không ra quyết định giải quyết bồi thường;

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có biên bản kết quả thương lượng không thành giữa cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại với người yêu cầu bồi thường.

Luật TNBTCNN năm 2017 cũng quy định rõ trường hợp người yêu cầu bồi thường không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường trong trường hợp quyết định giải quyết bồi thường quy định tại Điều 47 của Luật TNBTCNN năm 2017 đã có hiệu lực pháp luật.

Việc giải quyết bồi thường tại Tòa án được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Trường hợp vụ việc đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì thủ tục giải quyết bồi thường tại Tòa án được áp dụng theo thủ tục rút gọn.

Luật cũng bổ sung quy định về các trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự làm cho người yêu cầu bồi thường không thể khởi kiện đúng thời hạn thì khoảng thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không được tính vào thời hạn khởi kiện. Đồng thời quy định tư cách (là Bị đơn) của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại khi tham gia tố tụng dân sự tại Tòa án.

Thứ hai, về thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án.

Theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2009, toà án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường là Toà án nhân dân cấp huyện nơi cá nhân bị thiệt hại cư trú, làm việc, nơi tổ chức bị thiệt hại đặt trụ sở, nơi thiệt hại xảy ra theo sự lựa chọn của người bị thiệt hại hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Luật TNBTCNN năm 2017 quy định rõ hơn nữa thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp huyện và Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo từng trường hợp cụ thể:

Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú, làm việc của người yêu cầu bồi thường hoặc nơi đặt trụ sở của bị đơn theo lựa chọn của người yêu cầu bồi thường là Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm yêu cầu bồi thường trong trường hợp bị đơn là các cơ quan sau đây:

Cơ quan quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 33 của Luật này; (Gồm Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã là cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của mình)

Cơ quan quy định tại các khoản 5, 6 và 7 Điều 33 của Luật này ở cấp huyện và cấp xã; (Gồm các cơ quan: Cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin; Cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo theo quy định của Luật Tố cáo; Cơ quan ra quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức)

Cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện, cơ quan thi hành án cấp huyện.

Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú, làm việc của người yêu cầu bồi thường hoặc nơi đặt trụ sở của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại theo lựa chọn của người yêu cầu bồi thường là Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

Thứ ba, về thi hành bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường

So với Luật TNBTCNN năm 2009, Luật TNBTCNN năm 2017 đã bỏ quy định về yêu cầu thi hành án dân sự đối với bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường tại khoản 5 Điều 54 của Luật TNBTCNN năm 2009. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm chi trả tiền bồi thường cho người yêu cầu bồi thường theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người có liên quan phải thực hiện việc khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác cho người bị thiệt hại theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường.

Đối với yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án.

Luật TNBTCNN năm 2017 đã bổ sung 01 Điều luật mới (Điều 55) quy định riêng đối với việc giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án. Theo đó việc giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính có nội dung yêu cầu bồi thường được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, tố tụng hành chính. Thời điểm chấp nhận yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính là thời điểm Tòa án có thẩm quyền thụ lý yêu cầu bồi thường.

Việc xác định thiệt hại được bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính được thực hiện theo quy định của Luật này sau khi Tòa án có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Luật cũng quy định rõ những nội dung cần phải có của bản án, quyết định của Tòa án trong trường hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính.

Trong trường hợp người yêu cầu bồi thường không đồng ý với nội dung giải quyết bồi thường trong bản án, quyết định của Tòa án hoặc bản án, quyết định của Tòa án không có nội dung giải quyết bồi thường thì chỉ được tiếp tục thực hiện quyền yêu cầu bồi thường theo thủ tục tố tụng. Luật cũng quy định rõ Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điều luật này.

Luật sư Nguyễn Thị Yến - Trưởng nhóm tư vấn trực tuyến - Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp.



Khuyến nghị:

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], [email protected].