Việc tự nguyện bồi thường thiệt hại là một trong các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.
Hỏi: Anh trai tôi lái xe gây tai nạn làm chết 2 người và bị bắt. Gia đình đã tự nguyện bồi thường cho gia đình 2 nạn nhân hơn 100 triệu đồng nhưng họ không nhận. Xin cho biết như vậy, mức án của anh tôi có được giảm nhẹ không? (Nguyễn Vân - Hà Nam)
Luật gia Ngô Đức Cường - Tổ tư vấn pháp luật hình sự Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Theo quy định tại điểm 1 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả được hưởng tình tiết giảm nhẹ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Bị cáo (không phân biệt là người đã thành niên hay người chưa thành niên) hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận. Khoản này sau đó được giao cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác quản lý để thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.
- Bị cáo (không phân biệt là người đã thành niên hay người chưa thành niên) hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên xuất trình được chứng cứ chứng minh là họ đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận. Họ đã đem số tiền, tài sản đó về nhà cất giữ để sẵn sàng thực hiện việc bồi thường khi có yêu cầu...
Với quy định nói trên, việc gia đình bạn đã tự nguyện bồi thường hơn 100 triệu đồng nhưng cả hai gia đình nạn nhân từ chối (việc này có chính quyền sở tại chứng kiến và xác nhận) thì dù gia đình bạn giao số tiền đó cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án hay đem số tiền, tài sản đó về nhà cất giữ để sẵn sàng thực hiện việc bồi thường khi có yêu cầu thì anh của bạn đều được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự. Khi xét xử, tòa án sẽ xem xét và áp dụng tình tiết này khi quyết định hình phạt.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận