Quá trình thành lập của pháp nhân

Pháp nhân có thể được thành lập trong khuôn khổ xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện bộ máy Nhà nước hoặc theo ý chí của các chủ thể của quyền và nghĩa vụ được luật thừa nhận.

Thành lập pháp nhân trong khuôn khổ xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa. Nhà nước và Ðảng cộng sản là những pháp nhân trung tâm trong nhóm các pháp nhân loại này. Các tổ chức thành viên của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa khá đa dạng: mặt trận tổ quốc, tổng liên đoàn lao động, đoàn thanh niên cộng sản, hội liên hiệp phụ nữ, hội liên hiệp thanh niên, hội cựu chiến binh, các tổ chức thành viên khác của mặt trân tổ quốc,... Trong hầu hết trường hợp, các tổ chức này hình thành như là kết quả sự vận động mang tính quy luật của phong trào cách mạng.

 Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Ở góc độ pháp lý, tư cách pháp nhân của các tổ chức này được thừa nhận một cách đương nhiên trong trường hợp tổ chức đã ra đời trước khi có Nhà nước XHCN và sự hiện hữu của tổ chức trong hệ thống chính trị được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp. Ví dụ điển hình là việc thừa nhận tư cách pháp nhân của Đảng cộng sản, Đoàn thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, Tổng công đoàn… Nếu tổ chức được thành lập sau khi có Nhà nước XHCN, thì thông thường, tư cách pháp nhân của tổ chức được thừa nhận trong văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập tổ chức đó. Ví dụ điển hình là việc thừa nhận tư cách pháp nhân của Hội cựu chiến binh.

Thành lập pháp nhân trong khuôn khổ xây dựng và hoàn thiện bộ máy Nhà nước. Các cơ quan Nhà nước được thành lập theo trình tự, thủ tục do pháp luật (chủ yếu là luật Nhà nước) quy định. Một khi thủ tục thành lập hoàn tất, tư cách pháp nhân của cơ quan Nhà nước cũng phát sinh. Chính luật tạo ra các pháp nhân loại này; còn cơ quan ra quyết định thành lập chỉ là một trong những người thực hiện các thủ tục cần thiết cho sự ra đời của pháp nhân. Thậm chí có trường hợp pháp nhân được thành lập do hiệu lực trực tiếp của luật chứ không phải của một văn bản áp dụng pháp luật. Ví dụ điển hình là việc thành lập các cơ quan Hội đồng nhân dân, UBND các cấp.

Cơ quan Nhà nước được phân loại thành cơ quan quyền lực, cơ quan xét xử, cơ quan kiểm sát và cơ quan quản lý. Trong các cơ quan quản lý còn có cơ quan quản lý thuần tuý (còn gọi là cơ quan hành chính) và cơ quan sự nghiệp (tức là cơ quan hoạt động có thu).

Thành lập pháp nhân theo ý chí của chủ thể của quyền và nghĩa vụ được luật thừa nhận. Các pháp nhân loại này có thể mang tính chất của pháp nhân tư pháp hoặc pháp nhân hỗn hợp hoặc quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Các pháp nhân này có thể sinh ra trên cơ sở hợp đồng giữa các chủ thể của quan hệ pháp luật (như trường hợp công ty nhiều thành viên) hoặc do hành vi pháp lý đơn phương (như trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, quỹ xã hội do một người lập). Việc thành lập pháp nhân loại này phải được sự cho phép hoặc công nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và, trong hầu hết các trường hợp, pháp nhân phải đăng ký hoạt động mới được hưởng tư cách đó trước người thứ ba.

Riêng về quỹ xã hội, quỹ từ thiện do một cá nhân thành lập. Sẽ không có vấn đề gì đặc biệt nếu quỹ được thành lập lúc cá nhân còn sống và đã hoàn tất các thủ tục cần thiết để được hưởng tư cách pháp nhân. Nhưng, nếu cá nhân thành lập quỹ bằng di chúc, thì sao? Theo BLDS Ðiều 635 “Trong trường hợp người thừa kế theo di chúc là cơ quan, tổ chức, thì phải là cơ quan, tổ chức tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”. Quỹ xã hội, quỹ từ thiện lập bằng di chúc chỉ có thể tồn tại sau khi mở thừa kế, rõ hơn là sau khi hoàn tất các thủ tục xin phép thành lập....

Tổ bộ môn Luật Dân sự - Khoa Luật Trường Đại học Hòa Bình,tổng hợp


  1. Nội dung trong bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (chú thích rõ trong bài viết).
  2. Bài viết được sử dụng không nhằm mục đích thương mại, chỉ nhằm mục đích giảng dạy, tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Khoa Luật Kinh tế - Đại học Hòa Bình và Công ty Luật TNHH Everest.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, quý Vị vui lòng liên hệ với các luật sư, luật gia của Công ty Luật TNHH Everest và Khoa Luật Kinh tế - Đại học Hòa Bình, qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], hoặc trực tiếp tại địa chỉ Khoa Luật kinh tế Đại học Hòa Bình, số 8 phố Bùi Xuân Phái, Nam Từ Liêm, Hà Nội.