Tài sản của pháp nhân

Trong quan hệ giữa pháp nhân và thành viên của pháp nhân, các tài sản của pháp nhân không phải thuộc sở hữu chung của các thành viên: pháp nhân có tài sản của mình; còn thành viên có một phần hùn và chính phần hùn đó là tài sản thuộc quyền sở hữu của thành viên.

 Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Pháp nhân công pháp. Trong luật hiện hành, tài sản gọi là thuộc về pháp nhân công pháp thực ra của Nhà nước. Các pháp nhân công pháp chỉ có quyền sử dụng các tài sản được giao cho mình phù hợp với mục đích hoạt động của mình. Pháp nhân công pháp không có tài sản có riêng, do đó, không thể có tài sản nợ riêng: các nghĩa vụ tài sản do pháp nhân công pháp xác lập được Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện.

Pháp nhân hỗn hợp. Các doanh nghiệp Nhà nước trong các lĩnh vực kinh tế trọng yếu được Nhà nước giao một số tài sản để khai thác. Các tài sản này thuộc về Nhà nước; còn doanh nghiệp Nhà nước có quyền quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp Nhà nước (BLDS Điều 203). Doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế trọng yếu cũng có tài sản nợ riêng; nhưng việc xác định khối tài sản bảo đảm cho việc thực hiện các nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp có vẻ không đơn giản trong luật thực định: các doanh nghiệp này thường được các định chế tài chính công hỗ trợ mỗi khi cần vượt qua khó khăn.

Pháp nhân tư pháp. Pháp nhân tư pháp có khối tài sản riêng, bao gồm các tài sản có riêng và các tài sản nợ riêng. Pháp nhân chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài sản của mình bằng các tài sản có của mình. Quy tắc này, thực ra, chỉ được áp dụng nghiêm ngặt đối với các pháp nhân tư pháp. Tài sản của pháp nhân công pháp và pháp nhân hỗn hợp không thể bị kê biên và bán để thực hiện các nghĩa vụ của pháp nhân. Theo BLDS Ðiều 101 khoản 2, cơ quan Nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang chịu trách nhiệm liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình bằng kinh phí được cấp từ ngân sách Nhà nước. Còn các pháp nhân hỗn hợp, nếu gặp khó khăn, thường được Nhà nước hỗ trợ để thực hiện các nghĩa vụ tài sản của mình.

Trong trường hợp pháp nhân được thành lập từ sự kết nhóm của nhiều chủ thể của quan hệ pháp luật, thì khối tài sản của pháp nhân độc lập với khối tài sản của mỗi thành viên: các chủ nợ của thành viên không có quyền yêu cầu kê biên và bán tài sản của pháp nhân để thực hiện nghĩa vụ riêng của thành viên; ngược lại các chủ nợ của pháp nhân không có quyền yêu cầu kê biên và bán tài sản của thành viên để thực hiện các nghĩa vụ của pháp nhân.

Trong quan hệ giữa pháp nhân và thành viên của pháp nhân, các tài sản của pháp nhân không phải thuộc sở hữu chung của các thành viên: pháp nhân có tài sản của mình; còn thành viên có một phần hùn và chính phần hùn đó là tài sản thuộc quyền sở hữu của thành viên.

Doanh nghiệp Nhà nước không độc quyền. Tính chất pháp lý của các quyền của doanh nghiệp Nhà nước không độc quyền đối với tài sản đầu tư vào doanh nghiệp chưa được xác định rõ trong khung cảnh của luật thực định Việt Nam. Tài sản đầu tư vào doanh nghiệp Nhà nước vẫn thuộc về Nhà nước, nhưng doanh nghiệp có các quyền sử dụng các tài sản ấy và thậm chí có quyền định đoạt đối với một số tài sản trong quá trình hoạt động của mình. Doanh nghiệp Nhà nước cũng có tài sản nợ riêng như bất kỳ pháp nhân tư pháp nào và các tài sản nợ ấy được bảo đảm thanh toán bằng các tài sản có được đầu tư vào doanh nghiệp cũng như bằng các tài sản mà doanh nghiệp tao ra trong quá trình hoạt động của mình. Các chủ nợ của doanh nghiệp Nhà nước, trên nguyên tắc, có quyền yêu cầu kê biên các tài sản thuộc quyền sử dụng và định đoạt của doanh nghiệp Nhà nước để thu hồi nợ, nhưng không có quyền kê biên các tài sản khác của Nhà nước.

Tổ bộ môn Luật Dân sự - Khoa Luật Trường Đại học Hòa Bình,tổng hợp


  1. Nội dung trong bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (chú thích rõ trong bài viết).
  2. Bài viết được sử dụng không nhằm mục đích thương mại, chỉ nhằm mục đích giảng dạy, tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Khoa Luật Kinh tế - Đại học Hòa Bình và Công ty Luật TNHH Everest.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, quý Vị vui lòng liên hệ với các luật sư, luật gia của Công ty Luật TNHH Everest và Khoa Luật Kinh tế - Đại học Hòa Bình, qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], hoặc trực tiếp tại địa chỉ Khoa Luật kinh tế Đại học Hòa Bình, số 8 phố Bùi Xuân Phái, Nam Từ Liêm, Hà Nội.