-->

Sự phát triển của pháp luật về tài sản trong luật Việt Nam

Tài sản là của cải được con người sử dụng. “Của cải” là một khái niệm luôn luôn biến đổi và hoàn thiện cùng với sự phát triển của quan niệm về giá trị vật chất.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Trong luật cổ và tục lệ

Luật cổ và tục lệ Việt Nam không biết đến sản nghiệp như là một tập hợp các tài sản có và tài sản nợ thuộc về một người hoặc tồn tại vì một mục đích nào đó. Vào thời kỳ đó, các tài sản đều thuộc về gia đình. Các quyền đối với tài sản của gia đình do người chủ gia đình thực hiện. Các nghĩa vụ về tài sản cũng do chủ gia đình xác lập một cách trực tiếp thông qua các thành viên của gia đình.

Thời nhà Lê, “gia đình” được hiểu là tập hợp những người có quan hệ thân thuộc về trực hệ hay quan hệ hôn nhân. Tài sản thuộc về tất cả thành viên trong gia đình nhưng việc quản lý tài sản do ông, bà, cha, mẹ, nói chung là người đứng đầu của gia đình quản lý. Khi ông, bà, cha, mẹ chết thì tài sản được giao lại cho con cháu. Khi còn sống, ông bà, cha mẹ cũng có thể phân chia một phần hoặc toàn bộ tài sản cho con cháu, nhưng có quyền lấy lại tài sản đã chia bất cứ lúc nào khi họ vẫn còn sống. Các khoản nợ của gia đình được thanh toán trước hết bằng các động sản; các bất động sản chỉ được dùng để thanh toán khi không còn động sản. Đây là điểm tương đồng của luật cổ Việt Nam với tục lệ một số vùng của miền Bắc nước Pháp và luật Germanique của nước Đức cổ xưa.

Thời nhà Nguyễn, “gia đình” được hiểu là tập hợp những người xung quanh người gia trưởng, gắn bó với người này do quan hệ thân thuộc về trực hệ, hôn nhân hoặc quan hệ nuôi dưỡng. Tài sản thuộc về tất cả các thành viên gia đình nhưng việc thực hiện quyền sở hữu thuộc về người gia trưởng. Khi người gia trưởng chết, người vợ góa cùng với các con và trưởng tộc bên nhà chồng thực hiện việc quản lý tài sản. Khi cả cha mẹ đều đã chết thì các con, đứng đầu là người con trai trưởng, cùng nhau quản lý tài sản của gia đình cho đến khi được trưởng tộc bên nội cho phép tiến hành phân chia tài sản. Khi còn sống, cha mẹ có quyền phân chia tài sản cho các con và khi họ vẫn còn sống vẫn có quyền lấy lại tài sản đó bất cứ lúc nào. Như vậy, những tục lệ này được tiếp tục duy trì từ thời nhà Lê cho đến sau này.

Luật cận đại

Thời kỳ nước ta còn là thuộc địa của Pháp, các nhà nghiên cứu luật học và thực hành luật đã nỗ lực xây dựng hệ thống pháp luật về tài sản ở Việt Nam trên cơ sở lý thuyết sản nghiệp của luật học Pháp. Tuy nhiên, do hạn chế về đặc điểm của trình độ phát triển kinh tế xã hội thời kỳ đó (sở hữu tư nhân mang tính chất cá nhân vẫn chưa thay thế được sở hữu gia đình đã trở nên phổ biến) nên việc vận dụng lý thuyết sản nghiệp của luật học Pháp thành lý thuyết sản nghiệp của luật Việt Nam có nhiều cải biên cho phù hợp. Theo đó, mỗi gia đình chỉ có một sản nghiệp; bất kỳ sản nghiệp nào cũng thuộc về một gia đình; mỗi yếu tố của tài sản có thuộc về sản nghiệp gia đình đều được dùng để thanh toán toàn bộ tài sản nợ của gia đình và mỗi yếu tố của tài sản nợ thuộc sản nghiệp gia đình đều được bào đảm thanh toán bằng toàn bộ tài sản có của gia đình.

Sắc lệnh ngày 21/7/1925 thiết lập chế độ điền thổ mới theo khuôn mẫu Alsace- Lorraine về đăng ký đất đai của Pháp. Chế độ điền thổ này thừa nhận rằng có những bất động sản thuộc sở hữu tư nhân mang tính chất cá nhân mà không phải thuộc sở hữu gia đình. Như vậy, một cá nhân có tài sản riêng sẽ phải tự mình chịu trách nhiệm đối với những nghĩa vụ tài sản do mình xác lập. Chế độ điền sản mới đã góp phần định hình cho lý thuyết về sản nghiệp cá nhân ở Việt Nam.

Trong luật cổ và tục lệ, di sản thờ cúng là một phần của khối tài sản gia đình, đặt ngoài lưu thông để phục vụ cho các mục đích tín ngưỡng. Trong luật cận đại, di sản thờ cúng là khối tài sản không có chủ sở hữu theo luật chung đặt dưới sự quản lý của tất cả những người có liên quan đến việc thờ cúng tổ tiên. Bên cạnh di sản thờ cúng, gia đình còn có một khối sản nghiệp khác. Hai khối sản nghiệp này hoàn toàn độc lập với nhau, trong đó di sản thờ cúng là một sản nghiệp đặc biệt vì không có tài sản nợ.

Luật hiện đại

Ngay từ những ngày đầu giành được độc lập, Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã chú trọng thiết lập các chế độ pháp lý của nhà nước dân chủ nhân dân. Quyền sở hữu tư nhân được thừa nhận ngay trong các văn bản pháp luật đầu tiên của nhà nước ta, trong đó ghi nhận quyền sở hữu về tài sản của cá nhân nói chung cũng như quyền để lại di sản thừa kế nói riêng. Mặc dù vậy, luật học thời kỳ này chưa xây dựng khái niệm sản nghiệp. Từ năm 1986, với chủ trương xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, việc tích lũy của cải của tư nhân được khuyến khích. Chính điều này đã góp phần tạo điều kiện cho các giao dịch về tài sản được xác lập đa dạng và phong phú hơn, là cơ sở để xây dựng lý thuyết về sản nghiệp của luật học Việt Nam trên cơ sở vận dụng có chọn lọc những thành tựu của các hệ thống luật tiên tiến và kế thừa có sáng tạo tinh thần luật học cổ điển của nước nhà.

Chưa có một văn bản nào của luật viết hiện hành ghi nhận những quy tắc cơ bản của sản nghiệp tư, song, thông qua một số văn bản pháp luật hiện hành chúng ta có thể rút ra được một số tư tưởng chủ đạo của nhà làm luật về vấn đề này. Trước hết, có thể ghi nhận rằng: sản nghiệp là tập hợp tài sản có và tài sản nợ của một chủ thể. Sản nghiệp phải thuộc về một chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự (cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác). Riêng đối với di sản thờ cúng, luật viết vẫn ghi nhận đó là khối tài sản không có chủ sở hữu theo luật chung và chịu sự quản lý của tất cả những người có liên quan đến việc thờ cúng. Đây là một loại sản nghiệp đặc biệt, trong đó các yếu tố tạo thành quyền sở hữu được phân chia giữa người quản lý di sản thờ cúng với những người thừa kế. Hay nói cách khác, đó là một “sản nghiệp uỷ thác” mà việc quản lý chịu sự giám sát của những người thừa kế. Một chủ thể có thể có một sản nghiệp thường và một hay nhiều sản nghiệp đặc biệt. Các thành viên của hộ gia đình chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài sản của hộ gia đình bằng tài sản riêng của mình khi tài sản của hộ không đủ để thanh toán các nghĩa vụ đó. Như vậy, sản nghiệp cá nhân đóng vai trò hỗ trợ cho sản nghiệp của hộ gia đình trong việc thanh toán các tài sản nợ khi tài sản của hộ gia đình không có khả năng thanh toán. Nhưng ngược lại, tài sản của hộ gia đình không được dùng để thanh toán các khoản nợ cá nhân. Đây chính là sự kế thừa quan niệm truyền thống về khối tài sản gia đình trong luật cổ và tục lệ cũng như quan niệm sản nghiệp gia đình của luật cận đại.

Tổ bộ môn Luật Dân sự - Khoa Luật Trường Đại học Hòa Bình,tổng hợp


  1. Nội dung trong bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (chú thích rõ trong bài viết).
  2. Bài viết được sử dụng không nhằm mục đích thương mại, chỉ nhằm mục đích giảng dạy, tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Khoa Luật Kinh tế - Đại học Hòa Bình và Công ty Luật TNHH Everest.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, quý Vị vui lòng liên hệ với các luật sư, luật gia của Công ty Luật TNHH Everest và Khoa Luật Kinh tế - Đại học Hòa Bình, qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], hoặc trực tiếp tại địa chỉ Khoa Luật kinh tế Đại học Hòa Bình, số 8 phố Bùi Xuân Phái, Nam Từ Liêm, Hà Nội.