-->

Quyền góp vốn của người nước ngoài vào công ty cổ phần tại Việt Nam

Luật sư tư vấn về việc góp của người nước ngoài vào công ty cổ phần tại Việt Nam, hồ sơ góp vốn, mua cổ phần và một số điểm cần lưu ý khi Công ty cổ phần có cổ đông là người nước ngoài.

Hỏi: Đề nghị luật sư tư vấn về việc góp của người nước ngoài vào công ty cổ phần tại Việt Nam, hồ sơ, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp,một số điểm cần lưu ý khi Công ty cổ phần có cổ đông là người nước ngoài.

Tóm tắt yêu cầu của khách hàng:Công ty chúng tôi là Công ty cổ phần, hiện nay, do công ty đang thiếu vốn đầu tư nên chúng tôi muốn tiếp nhận thêm thành viên là người nước ngoài làm cổ đông của Công ty. Đề nghị luật sư tư vấn, cá nhân nước ngoài có quyền được góp vốn vào công ty cổ phần hay không? (Nguyễn Bình - Hải Dương)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198  Luật gia Nguyễn Bích Phượng - Tổ tư vấn pháp luật Doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Bích Phượng - Phòng Tư vấn doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Thứ nhất, về việc góp vốn vào công ty cổ phần tại Việt Nam của người nước ngoài.

Căn cứ theo Điều 46 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP có quy định về thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài như sau:

"Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.”

Khoản 1 Điều 26 Luật đầu tư năm 2014 quy định về việc thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn tại Sở kế hoạch và đầu tư như sau:"(a) Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài; (b) Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế”.

Như vậy, người nước ngoài có quyền đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong Công ty cổ phần mà không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, mặc dù không thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng đối với trường hợp Công ty cổ phần có Cổ đông được quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật đầu tư năm 2014, phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn tại Sở kế hoạch và đầu tư.

Thứ hai, về hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

Khoản 2 Điều 26 Luật Đầu tư năm 2014 quy định về hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp như sau:"(a) Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp gồm những nội dung: thông tin về tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế; (b) Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức.”

Thứ ba, một số điểm cần lưu ý khi Công ty cổ phần có cổ đông là người nước ngoài.

- Một là, về mức góp vốn, mua cổ phần:

Việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần được thực hiện theo Điều 3 Quyết định số 88/2009/QĐ-TTg quy định về mức góp vốn, mua cổ phần cụ thể như sau:

"1- Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các công ty đại chúng theo tỷ lệ quy định của pháp luật về chứng khoán và các văn bản hướng dẫn liên quan. 2- Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề thuộc pháp luật chuyên ngành theo tỷ lệ quy định của pháp luật chuyên ngành đó. 3- Tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh thương mại dịch vụ tuân theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 4- Đối với doanh nghiệp Việt Nam hoạt động đa ngành nghề, đa lĩnh vực, bao gồm cả một số ngành nghề, lĩnh vực có quy định khác nhau về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần không quá mức của ngành nghề, lĩnh vực có quy định tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thấp nhất. 5- Đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần theo tỷ lệ tại phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không vượt mức quy định nếu doanh nghiệp chuyển đổi hoạt động trong các lĩnh vực thuộc các trường hợp nêu tại khoản 2, 3, 4 Điều này. 6- Ngoài các trường hợp nêu trên, nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam với mức không hạn chế.”

- Hai là, về điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần:

Điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần được quy định tại Điều 6 Quyết định số 88/2009/QĐ-TTg như sau:

"2. Đối với nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân: (a) Có tài khoản cá nhân mở tại ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Mọi hoạt động mua, bán cổ phần, chuyển nhượng vốn góp, thu và sử dụng cổ tức, lợi nhuận được chia, chuyển tiền ra nước ngoài và các hoạt động khác có liên quan đến đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam đều thông qua tài khoản này. (b) Bản sao hộ chiếu còn giá trị; (c) Các điều kiện khác quy định trong điều lệ của doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ phần và bảo đảm không trái với quy định của pháp luật”.

Ba là, trường hợp thay đổi đối với cổ đồng là người nước ngoài, doanh nghiệp phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh thay đổi cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp đối với công ty niêm yết.

Điều 32 Luật Doanh nghiệp năm 2014:

"2- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thay đổi. 3- Công ty phải thông báo bằng văn bản đến Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở chính trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thay đổi đối với cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài được đăng ký trong Sổ đăng ký cổ đông của công ty. Thông báo phải có nội dung sau đây: (a) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính: (b) Đối với cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài chuyển nhượng cổ phần: tên, địa chỉ trụ sở chính của cổ đông nước ngoài là tổ chức; họ, tên, quốc tịch, địa chỉ của cổ đông là cá nhân; số cổ phần, loại cổ phần và tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện có của họ trong công ty; số cổ phần và loại cổ phần chuyển nhượng; (c) Đối với cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng: tên, địa chỉ trụ sở chính của cổ đông nước ngoài là tổ chức; họ, tên, quốc tịch, địa chỉ của cổ đông là cá nhân; số cổ phần và loại cổ phần nhận chuyển nhượng; số cổ phần, loại cổ phần và tỷ lệ sở hữu cổ phần tương ứng của họ trong công ty; (d) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty”.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected], [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.