Một số điểm mới của Luật Hợp tác xã 2012

Luật Hợp tác xã năm 2012 được Quốc Hội thông qua ngày 20/11/2012, với mục tiêu nhằm khuyến khích sự phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới, đồng thời định hướng phát triển các hợp tác xã hiện có hoạt động theo đúng bản chất hợp tác xã (HTX).

Luật Hợp tác xã năm 2012 có nhiều điểm mới so với Luật Hợp tác xã 2003. Bài viết của Luật sư Nguyễn Thị Yến - Trưởng chi nhánh Quảng Ninh của Công ty Luật TNHH Everest - sẽ phân tích: Một số điểm mới của Luật Hợp tác xã năm 2012.

Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Khái quát về hợp tác xã.

  • Sơ lược về sự xuất hiện và phát triển của hợp tác xã:

Mô hình HTX đầu tiên xuất hiện ở Vương quốc Anh cách đây đã được gần hai thế kỉ. “Ý tưởng HTX có thể xuất hiện sớm hơn, nhưng chính thức ghi nhận thì HTX đầu tiên trên thế giới được thành lập năm 1844 ở nước Anh. HTX do 28 người thợ dệt vùng Rochdale, tự nguyện thành lập theo tinh thần tự tìm cách cứu mình để tồn tại. Những người thợ dệt tự do đã sớm nhận thấy chỉ có liên kết, hợp tác với nhau họ mới có thể khắc phục những điểm yếu về quy mô, về vốn, về khả năng kinh doanh… để cạnh tranh được với các công ty lớn, các nhà máy công xưởng quy mô của các ông chủ công nghiệp, của nhà tư bản lớn”. Sau đó, mô hình hợp tác xã phát triển trên nhiều nước thế giới. Trải qua một thời gian dài phát triển, hiện nay mô hình hợp tác xã đã xuất hiện hầu khắp các quốc gia. Tại nước Anh, theo thống kê hiện này có 5450 HTX. Năm 2009 Ấn Độ có khoảng 583000 HTX. Ở Thái Lan, tính đến tháng 10-2010 có đến 5610 HTX….

Tại Việt Nam, những nền tảng lý luận về HTX đã xuất hiện từ rất sớm thể hiện trong tác phẩm “Đường Kách Mệnh” là tập hợp những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc để trang bị lý luận chính trị cách mạng cho đội ngũ Đảng Viên. Tháng 3/1948, HTX đầu tiên ở Việt Nam ra đời đó là HTX Thủy tinh Dân chủ ở Thái Nguyên. Tiếp sau đó là sự ra đời của nhiều hợp tác xã ở chiến khu Việt Bắc trong những năm 1948-1949. Trải qua một quá trình dài phát triển và đổi mới, mô hình HTX ở Việt Nam đã tăng về cả số lượng lẫn quy mô, đống góp vào quá trình xây dựng và phát triển kinh tế ở nước ta. Tính đến ngày 1/7/2008 cả nước có 14500 HTX đang hoạt động. Nhận thức được vai trò to lớn của HTX, cho nên ngay từ khi ra đời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhà nước ta đã ghi nhận trong các văn bản pháp lý khác nhau về hình thức kinh tế này. Trong giai đoạn hiện này, các quy định về mô hình HTX đã được thể chế hóa thành Luật.

  • Khái niệm hợp tác xã:

Khái niệm HTX được quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật hợp tác xã năm 2012: “Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã”.

Như vậy, chúng ta thấy rằng khái niện về HTX trong Luật hợp tác xã 2012 đã có những thay định nhất định so với luật hợp tác xã 2003. Không nhưng thay đổi về khái niệm về HTX mà mô hình liên hiêp hợp tác xã cũng được Luật hợp tác xã 2012 điều chỉnh với bản chất như một HTX của cá HTX : “Liên hiệp hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 04 hợp tác xã tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu chung của hợp tác xã thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý liên hiệp hợp tác xã.

  • Đặc điểm pháp lý của hợp tác xã.

Thứ nhất, về bản chất, HTX mang tính chất xã hội sâu sắc:Dựa trên nền tảng là chức năng tương trợ xã hội, các thành viên tham gia vào hợp tác xã cùng nhau lao động, góp vốn, góp sức để phục vụ các hoạt động kinh doanh của hợp tác xã . Với việc tạo điều kiện cho những người lao động, những người sản xuất nhỏ lẻ có thể dứng vững trên thị trường và đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giảm bớt gánh nặng thất nghiệp, ổn định chất lượng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thứ hai là Nguyên tắc hoạt động cơ bản của HTX: Nguyên tắc hoạt động được quy định tại Điều 7 Luật Hợp tác xã năm 2012. Trong đó ba nguyên tắc :nguyên tắc hợp tác, nguyên tắc tự nguyện, nguyên tắc dân chủ bình đẳng là những nguyên tắc cơ bản làm nền tảng cho sự vận hành của mô hình HTX.

Thứ ba, về thành viện hợp tác xã: Hợp tác xã có tối thiểu 7 thành viên, thành viên có thể là cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân. Các cá nhâ, hộ gia đình, pháp nhân muốn tham gia hợp tác xã thì phải có nhu cầu hợp tác với các thành viên và như cầu sử dụng sảm phẩm, dịch vụ của hợp tác xã; có đơn tự nguyện xin gia nhập và tán thành điều lệ, góp vốn , đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của điều lệ.

Thứ tư, về vốn của hợp tác xã:Vốn của HTX được huy động từ các nguồn vốn sau đây: vốn góp của thành viên; vốn góp huy động; vốn tích lũy; các quỹ của HTX; các khoản trợ cấp, hỗ trợ của Nhà nước, của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; các khoản được tặng, cho và các nguồn thu hợp pháp khác.

Thứ năm, về tư cách pháp lý:HTX có tư cách pháp nhân.

Thứ sáu, Chế độ trách nhiệm tài sản: HTX chịu trách nhiệm bằng tài sản của hợp tác xã, trừ những tài sản do nhà nước hỗ trợ không hoàn lại. Thành viên HTX chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp vào HTX.

  • Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hợp tác xã.

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của HTX được quy định tại Luật Hợp tác xã năm 2012:

“1- Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân tự nguyện thành lập, gia nhập, ra khỏi hợp tác xã. Hợp tác xã tự nguyện thành lập, gia nhập, ra khỏi liên hiệp hợp tác xã. 2- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kết nạp rộng rãi thành viên, hợp tác xã thành viên.3- Thành viên, hợp tác xã thành viên có quyền bình đẳng, biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vốn góp trong việc quyết định tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về hoạt động sản xuất, kinh doanh, tài chính, phân phối thu nhập và những nội dung khác theo quy định của điều lệ.4- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước pháp luật.5- Thành viên, hợp tác xã thành viên và hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có trách nhiệm thực hiện cam kết theo hợp đồng dịch vụ và theo quy định của điều lệ. Thu nhập của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được phân phối chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên, hợp tác xã thành viên hoặc theo công sức lao động đóng góp của thành viên đối với hợp tác xã tạo việc làm.6- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, hợp tác xã thành viên, cán bộ quản lý, người lao động trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và thông tin về bản chất, lợi ích của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. 7- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chăm lo phát triển bền vững cộng đồng thành viên, hợp tác xã thành viên và hợp tác với nhau nhằm phát triển phong trào hợp tác xã trên quy mô địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế” (Điều 7).

Tìm hiểu thêm về:Quan hệ pháp luật là gì

Một số điểm bất cập, hạn chế của Luật hợp tác xã năm 2003.

Luật Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã năm 2003 đã đạt được một số kết quả, tạo thuận lợi hơn cho các tổ chức kinh tế tập thể phát triển so với khung pháp luật thời kỳ trước đây, có đóng góp đáng kể trong việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, góp phần vào việc hoàn thiện quan hệ sản xuất, và vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, sau một thời giant hi hành, Luật hợp tác xã 2003 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập chủ yếu sau đây:

(i) Chưa thể hiện rõ bản chất tổ chức hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, sự khác biệt về bản chất giữa tổ chức hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với doanh nghiệp và với tổ chức xã hội - từ thiện; chưa quan tâm thích đáng nội hàm “hợp tác” của tổ chức hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; chưa làm thật rõ lợi ích và vai trò người chủ của xã viên khi tham gia hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, mục tiêu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và mối quan hệ giữa nghĩa vụ, trách nhiệm, lợi ích của xã viên và hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

(ii) Quy định về quản lý nhà nước đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã còn thiếu, hoặc chưa đủ rõ, cụ thể, hoặc không còn thích hợp.

(iii) Luật Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã năm 2003 chưa làm rõ tính chất phục vụ xã viên của tổ chức hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo tinh thần Nghị quyết số 13 Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa IX.

(iv) Chưa có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phù hợp với bản chất của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế, do vậy chưa góp phần thúc đẩy phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã một cách bền vững.

(v) Quy định pháp luật về trách nhiệm giám sát, kiểm tra thi hành Luật chưa rõ. Luật chưa quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trong việc giám sát, kiểm tra thi hành Luật. Tổ chức triển khai việc giám sát, kiểm tra thi hành Luật bị buông lỏng. Chế tài xử lí vi phạm chưa đủ mạnh để răn đe.

Luật sư Nguyễn Thị Yến - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư Nguyễn Thị Yến - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Một số điểm mới của Luật Hợp tác xã năm 2012 so với Luật hợp tác xã năm 2003.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII đã thông qua và ban hành Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13 (Luật Hợp tác xã năm 2012) ngày 20 tháng 11 năm 2012 có hiệu lực thi hành từ 01 tháng 7 năm 2013, thay thế Luật Hợp tác xã số 18/2003/QH12 (Luật Hợp tác xã năm 2003). Với mục tiêu nhằm khuyến khích và phát triển mô hình HTX kiểu mới, đồng thời định hướng phát triển các HTX hiện có hoạt động theo đúng bản chất HTX. Hoạt động nhằm mục đích tập trung mang lại lợi ích cho thành viên thông qua việc cam kết cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm theo nhu cầu của thành viên. Luật Hợp tác xã năm 2012, gồm 9 chương, 64 điều (Luật Hợp tác xã 2003, gồm 10 chương, 52 điều). So với Luật Hợp tác xã năm 2003 thì Luật Hợp tác xã năm 2012 có nhiều điểm mới:

  • Thay đổi khái niệm hợp tác xã, làm rõ bản chất của hợp tác xã.

Một trong những điểm mới đầu tiên mang tính đột phá của Luật Hợp tác xã năm 2012 đó là khái niệm hợp tác xã. Luật hợp tác xã năm 2012 đã thay đổi định nghĩa HTX so với Luật hợp tác xã năm 2003. Sự thay đổi này là một bước đột phá trong việc thể hiện bản chất của hợp tác xã. Không chỉ khắc phục được những hạn chế, thiết sót mà Luật hợp tác xã 2003 quy định về khái niệm HTX mà sự sửa đổi khái niệm này đã làm rõ sự khác biệt giữa hợp tác xã với doanh nghiệp, với tổ chức xã hội từ thiện, không coi hợp tác xã như doanh nghiệp.

Định nghĩa về HTX được quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Hợp tác xã năm 2012 như sau: “Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã”.

Nhìn vào định nghĩa, chúng ta thấy ngay được những điểm khác biệt hoàn toàn. Sự khác biệt đầu tiên đó là quy định khẳng định về số lượng thành viên tối thiểu của HTX là bảy (07), trong khi đó ở Luật Hợp tác xã năm 2003 không quy định về số lượng thành viên tối thiểu vào trong định nghĩa (số thành viên tối thiểu là bốn (04) theo Nghị định hướng dẫn của chính phủ). Đồng thời thay đổi tên gọi là xã viên chuyển thành là thành viên.

Luật Hợp tác xã năm 2012 đã bổ sung thêm cụm “từ tạo việt làm” đề làm rõ về mô hình HTX việc làm. Bổ sung thêm cá từ “bình đẳng”, “dân chủ” vào trong khái niệm mà trước đây Luật HTX 2003 ghi nhận trong quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của HTX.

Luật Hợp tác xã năm 2012 đã bỏ đi nội dung “… Hợp tác xã hoạt động như một loại hình doanh nghiệp…”(Luật Hợp tác xã năm 2003 ghi trong khổ 2 của khái niệm); nhằm tránh sự nhầm lẫn về mục tiêu hoạt động của hợp tác xã. Quy định trên của luật HTX 2003 là không chặt chẽ về pháp luật, không làm rõ được địa vị pháp lý của HTX trong nền cơ chế thị trường, gây hiểu nhầm coi HTX như doanh nghiệp. Ngoài ra còn bỏ quy định “… cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có nhu cầu, lợi ích chun, tự nguyện góp vốn, góp sức lập ra…” đã không còn phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, “quy định này đã hạn chế sự tham gia rộng rãi của các thành viên vào hợp tác xã, và cũng gây khó khăn trong việc huy động vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh”. Không những vậy, định nghĩa HTX theo Luật HTX 2012 còn ghi nhận mục đích thành lập của HTX là vì nhu cầu và nguyện vọng chung của các thành viên. Định nghĩa này đã làm rõ ràng bản chất của HTX tổ chức kinh tế thuộc thành phần kinh tế tập thể, được thành lập trên tinh thần tự nguyện, trên cơ sở nguyện vọng chung,thể hiện tính đối nhân sâu sắc.


Từ nhưng phân tích ở trên, chúng ta có thể đưa ra nhận định rằng, Luật Hợp tác xã năm 2012 đã làm rõ bản chất của HTX qua hai nội dung cơ bản sau đây:

(i) Mục tiêu của Hợp tác xã là mang lại lợi ích cho thành viên,phân phối của HTX chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên; theo công sức lao động, phần còn lại chia theo vốn góp. Cần lưu ý rằng bản chất HTX và Doanh nghiệp là khác nhau. Bản chất của Hợp tác xã là phục vụ lợi ích của thành viên; còn bản chất của doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận, phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp chia theo vốn góp.

(ii) Quan hệ sở hữu : thành viên HTX vừa là đồng sở hữu, vừa là khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX, đối tượng phục vụ chính của HTX là thành viên.

  • Thay đổi tên gọi người tham gia vào hợp tác xã.

Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định: “Luật này áp dụng đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, thành viên hợp tác xã (sau đây gọi là thành viên), hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã (sau đây gọi là hợp tác xã thành viên) ….”.Luật Hợp tác xã năm 2003 quy định: “Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể do các cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân (sau đây gọi chung là xã viên) có nhu cầu, lợi ích chung, tự nguyện góp vốn, góp sức lập ra …”.

Luật Hợp tác xã năm 2003 sử dụng tên/ gọi của người tham gia vào HTX là “xã viên”. Tuy nhiên, đây lại là một điểm hạn chế của luật HTX năm 2003, với tên gọi là xã viên thì vô hình chung đã ngăn cản, hạn chế việc thêm mọi người tham gia vào HTX. Trong khi đó, Luật Hợp tác xã năm 2012 đã thay thế khái niệm xã viên bằng khái niệm thành viên thể hiện nguyên tắc HTX kết nạp rộng rãi thành viên. Mở rộng đối tượng tham gia thành viên là người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; bãi bỏ đối tượng cán bộ công chức được tham gia HTX với tư cách là thành viên.

  • Phạm vi ưu đãi, hỗ trợ đối với hợp tác xã.

Luật Hợp tác xã năm 2012 đã quy lại về chính sách ưu đãi hỗ trợ đối với HTX. Đây là một trong những điểm mới nổi bật nhất của Luật Hợp tác xã năm 2012. Chính sách ưu đãi và hỗ trợ đối với HTX đã được cơ cấu lại một cách cơ bản hơn. Một mặt nó phù hợp với bản chất tổ chức HTX,mặt khác nó mạng lại lợi ích trực tiếp lợi ích cho cộng đồng thành viên thường là số đông của hợp tác xã.

Trong luật Hợp tác xã năm 2003 quy định:“1- Nhà nước thực hiện các chính sách sau đây đối với hợp tác xã: (a) Ban hành và thực hiện các chính sách, các chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã về đào tạo cán bộ; phát triển nguồn nhân lực; đất đai; tài chính; tín dụng; xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; áp dụng khoa học và công nghệ; tiếp thị và mở rộng thị trường; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; tạo điều kiện để hợp tác được tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước; (b) Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để hợp tác xã phát triển;
c) Bảo đảm địa vị pháp lý và điều kiện sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác; (d) Bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của hợp tác xã theo quy định của pháp luật; (đ) Tôn trọng quyền tự chủ, tự quyết, tự chịu trách nhiệm của hợp tác xã trong sản xuất, kinh doanh; (e) Không can thiệp vào công việc quản lý nội bộ và hoạt động hợp pháp của hợp tác xã.2- Đối với hợp tác xã nông nghiệp, Chính phủ quy định cụ thể chính sách ưu đãi phù hợp với đặc thù và trình độ phát triển trong từng thời kỳ” (Điều 3).

Luật Hợp tác xã năm 2012 mở rộng hơn phạm vi ưu đãi, hỗ trợ đối với HTX, Liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp như: đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; giao đất, cho thuê đất; ưu đãi về tín dụng, vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; chế biến sản phẩm.

  • Thành viên hợp tác xã:

Hiện này, xuất phát từ tình hình thực tế của nước ta đó là có rất nhiều người nước ngoài đang sống là vàm việc lâu dài, có nhu cầu mong muốn tham gia vào những loại hình HTX phù hợp.Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 17 Luật Hợp tác xã năm 2003 thì người nước không được phép tham gia HTX. Nhận thấy rằng đây là một điểm hạn chế của luật HTX 2003, Luật Hợp tác xã năm 2012 đã quy định mới về điều kiện trở thành thành viên: “1- Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân trở thành thành viên hợp tác xã phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: (a) Cá nhân là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hộ gia đình có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật; cơ quan, tổ chức là pháp nhân Việt Nam.Đối với hợp tác xã tạo việc làm thì thành viên chỉ là cá nhân; (b) Có nhu cầu hợp tác với các thành viên và nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã; (c) Có đơn tự nguyện gia nhập và tán thành điều lệ của hợp tác xã; (d) Góp vốn theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật này và điều lệ hợp tác xã; (đ) Điều kiện khác theo quy định của điều lệ hợp tác xã”.

Trên thế giới, đã có nhiều nước cho phép người nước ngoài tham gia vào HTX tại nước mình. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì quy định này mới được ghi nhận trong luật HTX năm 2012. Với quy định cho phép người nước ngoài tham gia vào HTX đã đáp ứng được nguyên tắc kết nạp rộng rại thành viên, đồng thời tạo điều kiện cho HTX thu hút nguồn vốn góp mở rộng thị trường.

Mặc dù cho phép người nước ngoài tham gia vào HTX sẽ tạo ra nhiều thuận lợi cho HTX phát triển, nhưng vấn đề gì cũng có tính ai mặt của nó. Với việc cho phép người nước ngoài thành lập HTX ở Việt Nam có thể tận dụng các lợi thế và chính sách ưu đãi đối với hợp tác xã để kinh doanh dẫn đếm gây thiệt hại cho các chủ thể trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Để giải quyết vấn đề nêu trên, trong Nghị định số 193/2013/ NĐ-CP đã quy định điều kiện trở thành thành viên của cá nhân là người nước ngoài:“Ngoài việc đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 13 Luật Hợp tác xã, cá nhân là người nước ngoài tham gia vào hợp tác xã ở Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau đây: 1- Đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam.2- Trường hợp tham gia hợp tác xã tạo việc làm thì phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam đối với lao động là người nước ngoài.3- Đối với hợp tác xã có ngành nghề kinh doanh hạn chế về tỷ lệ sở hữu vốn của người nước ngoài thì việc tham gia của người nước ngoài vào hợp tác xã phải tuân thủ các quy định của pháp luật đầu tư liên quan tới ngành nghề đó.4- Các điều kiện khác do điều lệ hợp tác xã quy định”.

  • Vốn góp của thành viên hợp tác xã.

So với quy định về vốn góp của thành viên HTX theo Luật Hợp tác xã năm 2003 thì Luật Hợp tác xãnăm 2012 đã có thay đổi, đó là:“Đối với hợp tác xã, vốn góp của thành viên thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ nhưng không quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã”. Trong khi đó, Luật Hợp tác xã năm 2003 thì lại quy định “… Góp vốn theo quy định của Điều lệ hợp tác xã; mức vốn góp không vượt quá ba mươi phần trăm vốn điều lệ của hợp tác xã…”. Sự thay đổi của quy định pháp luật về việc hạn chế vốn góp vào HTX từ không quá 30% xuống còn không quá 20% vốn điều lệ HTX là một quy đinh mang tính đúng. Bởi lẽ, bản chất của HTX là để có bình đẳng trong quản lý HTX cũng như đề cao nguyên tắc thu hút nhiều người tham gia đề có nhiều vốn hoạt động chứ không phải huy động vốn từ một người.

Với việc giảm mức góp vốn tối đa của một thành viên xuống còn 20% vồn điều lệ của HTX thì chúng ta đã giải quyết được một nguyên tắc có tính nền tảng đó là mỗi thành viên HTX chỉ có một phiếu biểu quyết. Như vậy, với quy định này, chúng ta sẽ khắc phục việc thành viên có số vốn góp cao có nhiều quyền hơn thành viên có số vốn thấp. Đông thời giải quyết mối nguy hại khi để cho một thành viên nắm giữ số vốn lớn trong HTX có thể làm cho HTX gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hoặc có thể sẽ bị giải thể nếu thành viên đó rút vốn.

Trong khi đó, quy định của Luật Hợp tác xã năm 2003 chưa quy định thực sự hợp lý. Với quy định này, thì vô hình chung HTX đang mang bản chất đối vốn chứ không phải mang bản chất đối nhân. “Thành viên có mức vốn góp cao thì sẽ được chia lãi nhiều hơn theo tỷ lệ vốn góp và được chia gần như toàn bộ lợi nhuân HTX, liên hiệp HTX có được, lúc này HTX hoạt động sẽ không còn mang tính chất đối nhân. Mặc khác, khi một thành viên góp vốn nhiều thì thái độ, trách nhiệm của thành viên đó có thể sẽ khác so với thành viên khác. Điều này vi phạm nguyên tắc phục vụ thành viên không phụ thuộc số vốn góp của HTX”.

  • Tổ chức và quản lí hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

So với luật hợp tác xã năm 2003 thì luật hợp tác xã năm 2012 đã thay đổi tên gọi đối với một số chức danh.Trước đây, luật HTX năm 2003 gọi là đại đội xã viên, ban quản trị và ban kiểm soát, chủ nhiệm, xã viên. Thì hiện nay, luật HTX 2012 đã thay đổi cách gọi như sau: sử dụng khái niệm hội đồng quản trị thay khái niệm Ban quản trị, Chủ tịch hội đồng quản trị thay khái niệm Trưởng ban quản trị. Tên gọi giám đốc, phó giảm đốc được thay thế cho chủ nhiệm, phó chủ nhiệm. xã viên HTX được đổi thành thành viên hợp tác xã. Hội đồng quản trị tối thiểu có 03 thành viên, tối đa có 15 thành viên. HTX có 30 thành viên trở lên thì bầu Ban kiểm soát; Ban kiểm soát tối đa có 07 thành viên; nếu HTX có số lượng thành viên ít (dưới 30 thành viên) thì có thể chỉ bầu 01 kiểm soát viên.

Việc thay đổi tên gọi này theo đánh giá của em là đã đưa vị thế hợp tác xã phát triển hơn. Bởi vì những tên gọi trước đây chỉ phù hợp vời điều kiện hoàn cảnh lịch sử nước ta trước đây, còn bây giờ khi nước ta đang hội nhập và phát triển, việc thay đổi tên gọi này đáp ứng được sự phát triển của HTX. Góp phần thay đổi cách thức quản lý và phát triển HTX.

Có nhiều người lo ngại rằng với cách gọi như vậy sẽ là trái với bản chất của HTX vì nhưng tên gọi đó sử dụng cho mô hình quản trị Doanh nghiệp. Nhưng theo nhiều chuyên gia thì việc thay đổi tên gọi của các cơ quan trong Hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 không phải là vấn đề có ý nghĩa đối với việc xác định bản chất của Hợp tác xã và cũng không thực sự có thể ảnh hưởng gì được nhiều đến sự thay đổi trong các quy định về quản trị Hợp tác xã.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều quan điểm cho rằng với việc quy định cách gọi như vậy là mâu thuẫn. Trong khi Luật Hợp tác xã năm 2012 đang cố gắng tách biệt giữa Doanh nghiệp và Hợp tác xã, khẳng định Hợp tác xã không phải là doanh nghiệp và cũng không hoạt động giống như doanh nghiệp. Tuy nhiên, chính cách đặt tên và cách cơ cấu tổ chức quản lý của Hợp tác xã theo Luật này lại làm cho Hợp tác xã giống hơn với mô hình quản trị của các công ty theo Luật doanh nghiệp.

Ngoài ra, trong mô hình quản trị theo luật Hợp tác xã năm 2003 thì “được thành lập một bộ máy vừa thực hiện chức năng quản lý vừa thực hiện chức năng điều hành”. Như vậy, ở Luật Hợp tác xã năm 2003 đã không tách thực hiện hiện chức năng quản lý và thực hiện chức năng điều hành ra mà để gộp vào nhau. Điều này gây nên những bất cập trong hoạt đông của hợp tác xã. Theo Luật Hợp tác xã năm 2012 thì mô hình quản trị trong HTX là mô hình đơn nhất, không có sự phân biệt giữu trường hợp quản lý và điều hành như Luật Hợp tác xã năm 2003. Đã tách biệt chức năng quản lí và chức năng điều hành, làm rõ trách nhiệm của từng thành viên trong HTX.

Luật Hợp tác xã năm 2012 đã làm rõ chức năng của nhiệm vụ quyền hạn của chức danh quản lý, người điều hành của HTX.

Bài viết thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Thị Yến - Trưởng chi nhánh Quảng Ninh của Công ty Luật TNHH Everest.


Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
  1. Bài viết nêu trên được các luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].