-->

Quy trình tách công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Theo quy định của pháp luật, bạn có thể lựa chọn tách doanh nghiệp và tiến hành thủ tục tách doanh nghiệp tại Công ty bị tách.

Hỏi: Tôi đang cùng hai người bạn của mình điều hành một Công ty trách nhiệm hữu hạn. Tuy nhiên hiện nay chúng tôi xảy ra mâu thuẫn trong đường lối phát triển của công ty. Tôi muốn tách ra lập công ty riêng để hoạt động độc lập với Công ty cũ. Mong luật sư tư vấn về quy trình thủ tục tổ chức lại doanh nghiệp (Lưu Hồng - Hà Nam).

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thị Tâm - Tổ tư vấn pháp luật doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:


Quy trình thực hiện việc tách doanh nghiệp có thể gồm các bước:


(i )Lựa chọn hình thức tổ chức lại doanh nghiệp; (ii) Ra quyết định về việc tổ chức lại doanh nghiệp; (iii) Xây dựng phương án giải quyết các vấn đề liên quan đến tổ chức lại; (iv) Nộp hồ sơ tổ chức lại doanh nghiệp tại cơ quan có thẩm quyền; (v) Thực hiện thủ tục đăng ký mới cho doanh nghiệp mới (trường hợp tổ chức lại dẫn đến hình thành Doanh nghiệp mới.


Căn cứ Điều 193 Luật Doanh nghiệp 2014, “1. Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể tách bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền và nghĩa vụ của công ty hiện có (sau đây gọi là công ty bị tách) để thành lập một hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần mới (sau đây gọi là công ty được tách) mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách. 2. Tách công ty có thể thực hiện theo một trong các phương thức sau đây: a) Một phần phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp, cổ phần được chuyển sang cho các công ty mới theo tỷ lệ sở hữu trong công ty bị tách và tương ứng giá trị tài sản được chuyển cho công ty mới; b) Toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của một hoặc một số thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp của họ được chuyển sang cho các công ty mới; c) Kết hợp cả hai trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này. 3. Công ty bị tách phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ và số lượng thành viên tương ứng với phần vốn góp, cổ phần và số lượng thành viên giảm xuống đồng thời với đăng ký doanh nghiệp các công ty mới”.


Như vậy theo quy định của pháp luật, bạn có thể lựa chọn tách doanh nghiệp và tiến hành thủ tục tách doanh nghiệp tại Công ty bị tách. Sau khi đăng ký kinh doanh, công ty bị tách và công ty được tách phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, Hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị tách, trừ trường hợp công ty bị tách, công ty mới thành lập, chủ nợ, khách hàng và người lao động của công ty bị tách có thoả thuận khác.


Thủ tục tách công ty trách nhiệm hữu hạn


Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc Đại hội đồng cổ đông của công ty bị tách thông qua nghị quyết tách công ty theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty. Nghị quyết tách công ty phải có các nội dung chủ yếu về tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị tách; tên công ty được tách sẽ thành lập; phương án sử dụng lao động; cách thức tách công ty; giá trị tài sản, các quyền và nghĩa vụ được chuyển từ công ty bị tách sang công ty được tách; thời hạn thực hiện tách công ty. Nghị quyết tách công ty phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua nghị quyết; Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông của công ty được tách thông qua Điều lệ, bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và tiến hành đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật này. Trường hợp này, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải kèm theo nghị quyết tách công ty quy định tại điểm a khoản này(khoản 4 điều 193 Luật Doanh nghiệp 2014).


Căn cứ quy định pháp luật, hồ sơ tách Công ty TNHH đối với công ty bị tách bao gồm: (i) Biên bản cuộc họp của Hội đồng thành viên về việc tách công ty; (ii) Quyết định của Hội đồng thành viên về việc tách Công ty; (iii) Thông báo thay đổi vốn điều lệ do tách công ty; (iv)Danh sách thành viên, cổ đông sáng lập


Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với các công ty được thành lập trên cơ sở tách công ty

“Trường hợp tách công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, ngoài giấy tờ quy định tại Điều 22, Điều 23 Nghị định này, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của công ty được tách phải có Nghị quyết tách công ty theo quy định tại Điều 193 Luật Doanh nghiệp, bản sao hợp lệ biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc tách công ty và bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của công ty bị tách” (Điều 24 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP Nghị định chính phủ về Đăng ký doanh nghiệp).


Căn cứ quy định pháp luật, hồ sơ đối với doanh nghiệp mới: (i) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (doanh nghiệp mới tách); (ii) Điều lệ (doanh nghiệp mới tách); (iii) Danh sách thành viên; (iv)Biên bản họp về việc tách công ty; (v) Nghị quyết về việc tách công ty; (vi) Bản sao đăng ký kinh doanh của công ty bị tách



Khuyến nghị:


  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.