-->

Quỹ bảo trì chung cư - Những bất cập trong quản lý và sử dụng

Chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm bảo trì phần sở hữu riêng và đóng góp kinh phí để thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư. Tuy nhiên, tại nhiều khu chung cư hiện nay, nhiều cư dân thậm chí không biết gì về khoản kinh phí bảo trì nhà chung cư này.

Chung cư sẽ có những phần thuộc sở hữu chung như: lối đi chung, hầm để xe,… và để duy trì hoạt động chung của chung cư cần có nguồn kinh phí nhất định - được gọi là kinh phí bảo.Một trong những vấn đề thường xuyên xảy ra tại các chung cư đó là các vụ tranh chấp khi chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư, sử dụng không đúng mục đích, chưa minh bạch trong sử dụng phí bảo trì, phí quản lý… gây bức xúc cho cư dân sống tại chung cư. Thông qua bài viết này, chúng tôi muốn làm rõ những quy định của pháp luật hiện hành về quỹ bảo trì chung cư nói chung. Đồng thời, cũng có chỉ ra một số bất cập trong quản lý và sử dụng quỹ bảo trì này.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Một là thực trạng trongquản lý và sử dụng quỹ bảo trì chung cư

Thực tế tại nhiều khu chung cư hiện nay, nhiều cư dân thậm chí không biết gì về khoản kinh phí bảo trì nhà chung cư. Điều này xuất phát từ một vài lý do như: Chủ đầu tư chưa bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban Quản trị theo quy định và không thông báo cho cư dân thông tin về khoản tiền này cũng như kế hoạch bàn giao; Tòa nhà chưa tổ chức Hội nghị nhà chung cư và chưa bầu Ban Quan trị nên chưa có đơn vị tiếp nhận kinh phí bảo trì trong trường hợp có sự bàn giao; Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư ký kết giữa cư dân với chủ đầu tư không có quy định rõ ràng về trách nhiệm của các bên liên quan đến việc nộp và quản lý khoản kinh phí này.

Theo đúng quy định hiện hành pháp luật về nhà ở, việc thu và quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư được quy định như sau:

- Trách nhiệm đóng góp: Bên mua và bên bán đều có trách nhiệm đóng góp khoản tiền 2% đối với phần sở hữu riêng của mình để phục vụ cho việc bảo trì phần sở hữu chung trong nhà chung cư;

- Quản lý: Bên Bán có trách nhiệm gửi khoản tiền này vào tài khoản riêng của ngân hàng thương mại trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày thu kinh phí của Bên Mua theo lãi suất không kỳ hạn để tạm quản lý;

- Bàn giao: Bên Bán có trách nhiệm bàn giao khoản kinh phí này (bao gồm cả tiền lãi) cho Ban Quản trị nhà chung cư quản lý sau khi Ban Quản trị nhà chung cư được thành lập theo quy định trong thời hạn tối đa là 30 ngày, kể từ ngày có Quyết định công nhận Ban quản trị của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có nhà chung cư để phục vụ cho việc bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận thống nhất để chủ đầu tư tạm quản lý kinh phí này.

Trong trường hợp kinh phí bảo trì không thu đủ thì huy động từ việc đóng góp của các Chủ sở hữu - tương ứng phần diện tích sở hữu riêng của từng Chủ sở hữu (tính theo m2) tại các kỳ họp của cư dân. Để bảo đảm quyền lợi của mình, người mua nên rà soát kỹ Hợp đồng và yêu cầu Chủ đầu tư chỉnh sửa Hợp đồng trong trường hợp không quy định hoặc quy định không rõ ràng các nội dung về kinh phí bảo trì như trên.

Bên cạnh đó, trong thời hạn không quá 12 tháng, kể từ ngày nhà chung cư được bàn giao đưa vào sử dụng và có 50% căn hộ được bán trở lên (kể cả số căn hộ mà Chủ đầu tư giữ lại), cần yêu cầu Chủ đầu tư tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu để bầu Ban Quản trị.

Hai là một vài bất cập trong quản lý và sử dụng quỹ bảo trì chung cư

- Thứ nhất, chủ đầu tư không bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị

Thời gian vừa qua, báo chí liên tục phản ánh những lùm xùm liên quan đến việc tranh chấp quỹ bảo trì chung cư, sử dụng và quản lý quỹ bảo trì chung cư giữa ban quản trị (BQT) với chủ đầu tư (CĐT) xảy ra tại nhiều nơi. Tình trạng tranh chấp quỹ bảo trì chung cư kéo dài, dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp. Vậy đâu là nguyên nhân khiến những tranh chấp trên vẫn chưa được giải quyết triệt để mặc dù đã có quy định rõ ràng trong Luật Nhà ở năm 2014 cùng những thông tư hướng dẫn đi cùng về công tác quản lý sử dụng quỹ bảo trì chung cư?

Hiện nay ở nhiều chung cư, BQT đã được thành lập nhưng CĐT vẫn trì hoãn, chưa thực hiện nghiêm việc chuyển giao kinh phí bảo trì cho BQT với rất nhiều lý do khác nhau.

Theo những con số được công bố thời gian gần đây cho thấy, tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh hiện có hàng trăm chung cư đang được vận hành sử dụng, nhưng số chung cư được bàn giao phí bảo trì cho BQT lại chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Trong khi đó, với mức thu phí 2% giá trị căn hộ, thì tổng số tiền quỹ bảo trì mà CĐT nắm giữ và chưa thực hiện trao trả là rất lớn.

Rất nhiều chuyên gia, người có kinh nghiệm trong quản lý, kinh doanh bất động sản cho rằng, việc bàn giao phí bảo trì cho BQT đã có trong Luật, các chủ đầu tư phải làm đúng luật. Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2014, trong đó có quy định phong tỏa và cưỡng chế tài sản chủ đầu tư nếu không bàn giao phí bảo trì cho BQT tòa nhà có hiệu lực từ tháng 12 nhưng đến nay nhiều chủ đầu tư vẫn ngang nhiên chiếm dụng hàng trăm tỷ đồng khoản phí trên. Đáng nói, còn xảy ra tình trạng tranh chấp chồng chéo, nhiều chủ đầu tư vẫn cố tình chây ì không bàn giao quỹ bảo trì khiến cư dân các chung cư bức xúc, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi, cuộc sống của cư dân.

- Thứ hai, ai là người nộp phí bảo trìtrường hợp hợp đồng mua bán căn hộ được chuyển nhượng nhiều lần?

Vấn đề pháp lý đặt ra là người mua nào sẽ là người đóng khoản phí bảo trì này cho chủ đầu tư trong trường hợp hợp đồng mua bán căn hộ được chuyển nhượng nhiều lần? Trên thực tế có rất nhiều dự án nhà chung cư, bên mua sau khi mua bán xong với chủ đầu tư đã tiến hành sang nhượng lại các căn hộ chung cư này cho những người khác trước khi căn hộ được đưa vào sử dụng, thế nên người mua căn hộ nào sẽ là người phải đóng khoản phí bảo trì 2% này? Là người mua ký hợp đồng đầu tiên với chủ đầu tư hay là những người được chuyển nhượng tiếp theo?

Pháp luật hiện hành chưa quy định rõ về vấn đề này dẫn đến tình trạng một số chủ đầu tư đã áp dụng tùy tiện việc thu phí. Có chủ đầu tư thì thu một lần ngay khi ký hợp đồng với người mua đầu tiên, có chủ đầu tư lại thu khoản phí này đối với người sở hữu căn hộ trước khi căn hộ được đưa vào sử dụng, có chủ đầu tư lại cho người sử dụng căn hộ đóng nhiều lần sau khi chung cư được đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên theo khảo sát từ một số nhà đầu tư chuyên bán căn hộ thì hầu như các chủ đầu tư đều thu khoản phí này khi ký hợp đồng mua bán căn hộ với người mua đầu tiên. Trong hợp đồng thường có điều khoản bên mua sẽ đóng khoản phí bảo trì chung cư 2% khi nhận được thông báo từ chủ đầu tư về việc nộp phí bảo trì (khi tòa nhà đã hoàn thiện xong và đưa vào vận hành). Tức là người nào sở hữu căn hộ khi tòa nhà được đưa vào sử dụng sẽ là người phải nộp phí bảo trì. Việc người mua đầu tiên sau đó muốn chuyển nhượng lại cho những người tiếp theo thì phải chuyển nhượng luôn cả phần nghĩa vụ phải đóng phí bảo trì chung cư, chủ đầu tư chỉ việc xác nhận cho các bên ký kết hợp đồng.

- Thứ ba, quản lý và sử dụng phí bảo trì chung cư như thế nào cho hợp lý?

Theo Quyết định 08/2008 của Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư, trong thời hạn không quá 12 tháng, kể từ ngày nhà chung cư được bàn giao đưa vào sử dụng và có 50% căn hộ được bán trở lên (kể cả số căn hộ mà chủ đầu tư giữ lại) thì chủ đầu tư (đối với nhà chung cư nhiều chủ sở hữu) hoặc chủ sở hữu (đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu) có trách nhiệm tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu đề bầu ra Ban quản trị. Ban quản trị sẽ tiếp nhận số tiền bảo trì chung cư từ chủ đầu tư, quản lý công khai, minh bạch khoản tiền này. Quỹ bảo trì chung cư sẽ được gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Tiền lãi phát sinh hàng tháng được gộp vào tiền gốc để phát triển quỹ. Quỹ bảo trì này sẽ được đem vào sử dụng khi chung cư hết thời hạn bảo hành, sửa chữa khi phát sinh các hư hỏng, sự cố liên quan đến bảo trì phần sở hữu chung của chung cư.

Nghị định số 99/2015/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Nhà ởquy định đối với phần diện tích nhà mà chủ đầu tư giữ lại, không bán (không tính phần diện tích thuộc sử dụng chung) thì chủ đầu tư phải nộp 2% giá trị của phần diện tích đó; phần giá trị này được tính theo giá bán căn hộ có giá cao nhất của nhà chung cư đó. Quy định này nhằm bảo đảm các căn hộ khác khi không được chủ đầu tư bán hết, tức là không đưa vào sử dụng hay do chủ đầu tư sử dụng thì cũng phải đóng phí bảo trì chung cư như những căn hộ khác. Tuy nhiên, quy định này dường như khó thực thi trên thực tế vì khó mà đòi chủ đầu tư tự nguyện nộp các khoản này một cách dễ dàng.

Theo quy định, chủ đầu tư là người sẽ thu khoản phí bảo trì chung cư 2% trên giá trị mỗi căn hộ từ người mua. Chủ đầu tư sẽ được quản lý khoản tiền này trong thời hạn tối đa 1 năm. Sau khi bầu được Ban quản trị chung cư thì chủ đầu tư sẽ phải giao toàn bộ số tiền này cho Ban quản trị quản lý, cùng với 2% giá trị của phần diện tích mà chủ đầu tư giữ lại không bán.

Quy định là thế, tuy nhiên trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc tranh chấp giữa Ban quản trị và chủ đầu tư khi chủ đầu tư không chịu bàn giao số tiền phí bảo trì chung cư hoặc chậm bàn giao, cũng như không chịu nộp số tiền phí bảo trì chung cư 2% của phần diện tích mà chủ đầu tư giữ lại không bán. Khi chủ đầu tư không chịu bàn giao số tiền bảo trì chung cư cho Ban quản trị thì Ban quản trị cũng chỉ biết đòi chủ đầu tư hết lần này đến lần khác.

Trên thực tế trong một số trường hợp, do chủ đầu tư chây ỳ không chịu bàn giao, Ban quản trị chung cư đã phải gửi đơn đến các cơ quan chức năng để tố cáo chủ đầu tư cố tình chiếm dụng vốn. Xét về mặt pháp lý, khi thành lập được Ban quản trị mà chủ đầu tư không chịu bàn giao số tiền bảo trì chung cư thì Ban quản trị chung cư có quyền khởi kiện dân sự yêu cầu chủ đầu tư bàn giao số tiền bảo trì chung cư cùng với số tiền lãi tương ứng với việc chậm trả của chủ đầu tư theo quy định của Bộ luật Dân sự.

- Thứ tư, thu phí bảo trì khi hết thời hạn bảo hành chung cư hoặc giãn thu

Thông thường các chủ đầu tư khi đưa các chung cư vào sử dụng đều có bảo hành trong thời gian vài năm. Trong khi đó, khoản tiền bảo trì chung cư theo quy định chỉ được phép sử dụng vào việc bảo trì phần sở hữu chung của chung cư khi hết hạn bảo hành của chủ đầu tư. Do đó có thể thấy rằng, việc quy định thu phí bảo trì chung cư ngay khi mua bán căn hộ là chưa cần thiết, gây thêm khó khăn cho người dân. Nếu như tiến hành việc thu phí bảo trì chung cư khi hết hạn bảo hành có thể giảm gánh nặng cho người dân khi vừa phải mua chung cư với một số tiền lớn, việc đóng thêm 2% phí bảo trì chung cư trên giá trị mua thực sự là một số tiền không nhỏ. Giả sử căn hộ chung cư trung bình khoảng một tỷ thì người mua phải đóng phí bảo trì 20 triệu. Với người có mức thu nhập trung bình thì 20 triệu cũng là một khoản đáng kể. Hơn nữa nếu thu phí bảo trì chung cư khi hết thời hạn bảo hành sẽ tránh được việc chủ đầu tư cố tình chiếm dụng vốn của người dân làm của riêng hoặc dùng vào việc khác, tránh được các tranh chấp không cần thiết.

Chia sẻ khó khăn với người mua nhà, hiện nay, một số chủ đầu tư cũng đã cho phép người mua chung cư tiến hành đóng phí bảo trì chung cư làm nhiều lần trong nhiều năm. Điều này đã làm giảm thiểu phần nào khó khăn cho người mua nhà và được sự ủng hộ rất lớn từ người mua nhà. Thiết nghĩ, pháp luật nên quy định theo hướng cho phép người mua nhà được đóng khoản tiền phí bảo trì chung cư trong nhiều năm thành nhiều lần hoặc tiến hành đóng khi hết hạn bảo hành chung cư của chủ đầu tư. Việc quy định linh động như vậy sẽ tránh được các tranh chấp không cần thiết trong thời buổi khó khăn hiện nay cũng như giúp người dân giảm thiểu khó khăn tài chính, đóng nhiều lần thay vì một lần.

Luật gia Bùi Thị Phượng - Phòng Dân sự & Thương mại của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, tổng hợp.

Khuyến nghị:
  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected], [email protected].