Theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội thì Quốc hội nước ta có 03 chức năng chính là: thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Thứ nhất, quyền lập hiến, lập pháp
Quyền lực đầu tiên xuất phát từ vị trí cơ quan quyền lực cao nhất là quyền lập hiến của Quốc hội. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến. Điều này có nghĩa: Quốc hội là cơ quan làm hiến pháp. Cơ sở lý thuyết của quyền lập hiến của Quốc hội là học thuyết tập quyền xã hội chủ nghĩa.
Quyền lập hiến là quyền phân công quyền lực trong quốc gia. Theo học thuyết tam quyền phân lập, nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến và là người phân chia quyền lực. Bằng quyền lập hiến, nhân dân phân chia bình đẳng quyền lực cho các ngành lập pháp, hành pháp, và tư pháp. Ba ngành quyền lực này đều nhận quyền lực từ nhân dân, do nhân dân trao cho bằng quyền lập hiến của nhân dân. Chính vì vậy, ngành lập pháp không có thẩm quyền lập hiến.
Khác với học thuyết phân quyền, theo học thuyết tập quyền xã hội chủ nghĩa, để bảo đảm sự thống nhất của quyền lực nhà nước, nhân dân không phân chia quyền lực đều nhau cho các ngành quyền lực, mà trao chủ quyền cho người đại diện tối cao của mình là Quốc hội. Quốc hội là người nhận quyền lực từ nhân dân, và đến lượt mình, Quốc hội mới là chủ thể tiến hành phân công quyền lực. Quốc hội phân công quyền lực bằng hình thức lập hiến. Như vậy, quyền lập hiến của Quốc hội thể hiện sự thống nhất quyền lực về Quốc hội, và chứng tỏ Quốc hội là chủ thể phân công quyền lực.
Cùng với quyền lập hiến, Quốc hội cũng là cơ quan có quyền sửa đổi Hiến pháp. Quyền sửa đổi hiến pháp cũng xuất phát từ vị trí là cơ quan quyền lực tối cao của Quốc hội. Điều này thể hiện ở chỗ: việc sửa đổi Hiến pháp chỉ có một giới hạn duy nhất thuộc về bản thân chế độ làm việc của Quốc hội là phải được 2/3 đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua. Những giới hạn khác đối với quyền sửa đổi hiến pháp không được đặt ra. Chẳng hạn Hiến pháp không quy định bắt buộc phải thành lập ban sửa đổi hiến pháp, hiến pháp sửa đổi phải được đem trưng cầu dân ý, hay những vấn đề không được sửa đổi.
Quyền tiếp theo của Quốc hội là quyền lập pháp. Sau khi Điều 83 ghi nhận Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp, Điều 84 quy định về thẩm quyền của Quốc hội, trong đó có thẩm quyền là: “ Làm luật và sửa đổi luật”. Như vậy, căn cứ theo Hiến pháp, chúng ta chỉ có thể hiểu quyền lập pháp chính là quyền làm luật và sửa đổi luật.
Quốc hội là cơ quan duy nhất lâp pháp cũng có nghĩa là Quốc hội là cơ quan duy nhất làm luật. Hiến pháp không chỉ rõ làm luật là gì. Nếu hiểu làm luật là tất cả những hoạt động để xây dựng nên một đạo luật thì Quốc hội không phải là cơ quan duy nhất làm luật, vì ở nước ta cũng như ở nhiều nước khác, đa số luật do Quốc hội ban hành là do ngành hành pháp đệ trình. Trên thực tiễn, tham gia vào việc làm luật ở nước ta ngoài Quốc hội còn có Chính phủ, Toà án, Viện kiểm sát...
Quyền lập pháp là gì ? Thiết kế mô hình ứng xử cho xã hội không phải là nhiệm vụ của ngành lập pháp mà là của ngành hành pháp. Ngành hành pháp là ngành quan hệ một cách trực tiếp và thường xuyên nhất với các chủ thể trong xã hội. Ngành hành pháp nằm ở vị trí tất yếu để xây dựng mô hình ứng xử phổ biến cho xã hội. Phát hiện vấn đề, phân tích vấn đề, đưa ra giải pháp để xử lý vấn đế- tức là tìm một chính sách cho xã hội, xác lập một mô hình hành xử cho xã hội là chức năng tự nhiên của ngành hành pháp. Chính đó là lý do tại sao hơn 80% luật trên thế giới đều xuất phát từ ngành hành pháp.
Ngành lập pháp là ngành đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Các giải pháp lập pháp do hành pháp đưa ra cần phải được kiểm tra lại bởi ngành lập pháp. Ngành hành pháp không phải là ngành đại diện mà là một ngành điều hành xã hội. Để tiện ích cho việc điều hành, quản lý xã hội, về nguyên tắc chung của đời sống quyền lực, ngành hành pháp dễ có xu hướng thiết kế nên những quy tắc thuận tiện nhất cho việc thực thi quyền lực của mình. Điều này làm cho giải pháp lâp pháp của hành pháp dễ có nguy cơ ảnh hưởng đến lợi ích chung của dân chúng. Hơn nữa, các giải pháp lập pháp cũng thường xuất phát từ các bộ, các ngành chuyên môn cuả ngành hành pháp nên dễ có tính cục bộ. Chính vì điều này, những giải pháp thuần tuý của ngành hành pháp dễ có khả năng ảnh hưởng đến lợi ích phổ biến của xã hội. Do đó, giải pháp lập pháp do hành pháp xây dựng phải được kiểm tra trong môi trường đại diện cho lợi ích tổng thể của xã hội. Để tránh nguy cơ giải pháp lập pháp của ngành hành pháp vì những lợi ích cục bộ mà ảnh hưởng đến quyền lợi chung của toàn thể nhân dân nên giải pháp đó phải được thông qua bởi một mô hình thu nhỏ của nhân dân - Quốc hội.
Hoạt động lập pháp của Quốc hội thực chất là hoạt động kiểm tra, giám sát sự tương hợp giữa các giải pháp lập pháp do Chính phủ thiết kế với lợi ích, và nguyện vọng chung của xã hội. Việc kiểm tra này sẽ dẫn đến kết quả là: thông qua hay không thông qua chính sách của Chính phủ. Như vậy, lập pháp là quyền thông qua luật. Quyền lập pháp là quyền thông qua luật. Quốc hội lập pháp, Quốc hội làm luật không có nghĩa là Quốc hội làm mọi công đoạn của quy trình lập pháp. Quốc hội lập pháp, làm luật được hiểu Quốc hội là cơ quan thông qua luật. Với cách hiểu như vậy thì quyền lập pháp mới thực sự là quyền duy nhất của Quốc hội vì Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền thông qua hay không thông qua một đạo luật. Chính điều này thể hiện tính quyền lực tối cao của Quốc hội.
Sản phẩm của quyền lập pháp của Quốc hội là một đạo luật. Luật là ý chí chung của xã hội được nâng lên thành luật. Luật là ý chí của nhân dân. Rousseau viết: " Khi tôi nói luật bao giờ cũng là tổng quát chung cho mọi người, tôi hiểu luật coi tất cả thần dân là một cơ thể, mà trừu tượng hoá các hành động, không coi con người như một cá nhân hoặc như một hành động riêng lẻ."
Luật điều chỉnh những quan hệ xã hội nào? Phạm vị quyền lập pháp của Quốc hội là gì ? Hiến pháp hiện hành của nước ta quy định: “ Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế- xã hội của đất nước, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân.” ( Điều 83). Theo Điều 20 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật quy định các vấn đề cơ bản đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế- xã hội của đất nước, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân.
Như vậy, có thể nhận thấy rằng, phạm vi quyền lập pháp của Quốc hội là rất rộng, gần như không có giới hạn. Thông thường, trong một chính thể đề cao Quốc hội thì quyền lực của Quốc hội về lâp pháp không có giới hạn. Ví dụ, Anh quốc với chủ thuyết quyền tối cao của nghị viện, quyền lâp pháp của nghị viện là không có giới hạn. Học giả P.Bromkhet nhận định: “ Hiến pháp không hạn chế bất cứ vấn đề nào thuộc nội dung của văn bản do nghị viện ban hành và không có bất cứ một trở ngại nào đối với việc thông qua những văn bản đó.”2 Việc mở rộng phạm vi quyền lập pháp ở nước ta có cơ sở từ nguyên tắc thống nhất quyền lực nhà nước. Vì Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, là nơi thống nhất quyền lực nên quyền lập pháp của Quốc hội không bị giới hạn.
Loại thẩm quyền tiếp theo của Quốc hội là quyết định những vấn đề trọng đại của quốc gia. Loại thẩm quyền này xuất phát từ nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa.
Nghiên cứu thực tiễn của Công xã Paris, Mác viết: “ Công xã không phải là cơ quan đại nghị, mà là một cơ quan hành động, vừa lập pháp, vừa hành pháp...
...Không còn tình hình cứ ba năm hoặc sáu năm một lần phải quyết định cho cá nhân nào trong giai cấp thống trị được đại diện và chà đạp nhân dân tại nghị viện, mà thay vào đó là chế độ đầu phiếu phổ thông phải phục vụ cho nhân dân đã tổ chức thành công xã, để chọn lựa vào xí nghiệp của mình những công nhân, nhân viên đốc công, nhân viên kế toán cũng như những quyền cá nhân lựa chọn phục vụ cho mọi nghiệp chủ cũng
nhằm mục đích ấy.”
Sau này, bảo vệ quan điểm của Mác, Lênin đã viết trong Nhà nước và cách mạng rằng: “ Công xã thay chế độ bán mình và thối nát ấy của xã hội tư sản bằng những cơ quan, trong đó có quyền tự do ngôn luận và tự do thảo luận không biến thành lừa bịp, và các nghị sĩ phải tự mình công tác, tự kình kiểm tra lấy tác dụng của những luật pháp ấy, tự mình phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước cử tri của mình. Những cơ quan đại diện vẫn còn nhưng chế độ đại nghị, với tính cách là một hệ thống đặc biệt, một sự phân chia giữa những công tác lập pháp và công tác hành pháp, được coi như địa vi đặc quyền cho các nghị sĩ, thì không còn nữa.”
Như vậy, về nguyên tắc Quốc hội là “một cơ quan hành động, vừa lập pháp, vừa hành pháp...” Tuy nhiên, thực tiễn lao động quyền lực của bất cứ một chế độ nào cũng vậy, không một cơ quan nào có đủ điều kiện hành xử toàn bộ quyền lực. Phân công, phân nhiệm là một điều tất yếu.
Nhưng, như vậy không có nghĩa là phân chia quyền lực. Điểm khác biệt của tập quyền xã hội chủ nghĩa là tam quyền phân lập chính là ở chỗ: trong chế độ tập quyền xã hội chủ nghĩa không có sự chia tách độc lập giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp. Cơ quan đại diện tối cao của nhân dân thành lập nên Chính phủ, phân nhiệm cho Chính phủ quyền hành pháp nhưng không có nghĩa là trao toàn bộ quyền hành pháp cho Chính phủ: phân công, phân nhiệm, chứ không phải phân quyền. Điều đó có nghĩa Quốc hội vẫn còn giữa lại những thẩm quyền mang tính hành pháp. Những thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định những vấn đề hệ trọng của quốc gia, tức không phải trong lĩnh vực lập pháp, có tính chất hành pháp.
Đây có thể coi là nhưng quyền điều hành xã hội của Quốc hội được quy định ở Điều 84 của Hiến pháp hiện hành của nước ta: quyết định kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, đối ngoại, quốc phòng, an ninh. Theo Điều 20 của Luật ban hành văn bản quy phạm luật khi thực hiện những quyền này, Quốc hội sẽ ban hành văn bản dưới dạng Nghị quyết. Quyết định những vấn đề này không có tính chất tổ chức tổng quát xã hội- tức lập pháp, mà có tính chất điều hành xã hội- tức hành pháp.
Được thiết lập trên cơ sở nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa, quyền giám sát của Quốc hội nhằm đảm bảo sự thống nhất của quyền lực nhà nước, và tính tối cao của Quốc hội. Người phân công quyền lực phải có quyền tối cao trong việc giám sát tối cao xem đối tượng được phân công đã hành xử quyền lực có đúng ý chí của người phân công hay không. Với tư cách là một cơ quan phân công quyền lực, Quốc hội phải có quyền giám sát đối cao đối với những chủ thể đã nắm giữa những ngành quyền lực mà mình đã phân công bằng một bản hiến pháp.
Quyền giám sát tối cao của Quốc hội được khẳng định trong Hiến pháp. Gần đây Quốc hội khoá IX, tại kỳ họp thứ 3 đã ban hành Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội cụ thể hoá quyền giám sát hiến định của Quốc hội.
Chủ thể giám sát
Tập thể các đại biểu Quốc hội tại nghị truờng là chủ thể của quyền giám sát tối cao. Chỉ có tập thể Quốc hội mới có quyền giám sát tối cao. Còn các cấu trúc của Quốc hội là những chủ thể của quyền giám sát nhưng không phải là quyền giám sát tối cao. Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội quy định: “ Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao của mình tại kỳ họp Quốc hội trên cơ sở hoạt động giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.” ( Điều 1 ). Như vậy, chỉ riêng Quốc hội mới có quyền giám sát tối cao, còn các chủ thể giám sát của Quốc hội chỉ thực hiện hoạt động giám sát nhằm phục vụ cho hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội.
Điều 3 của Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội, đối tượng giám sát của Quốc hội là : Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Như vậy, đối tượng giám sát của tập thể Quốc hội là quyền lực nhà nước ở Trung Ương. Hiến pháp không quy định cụ thể điều này, chỉ ấn định: “ Quốc hội có quyền giám sát tối sao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước’’. Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội đã cụ thể hoá theo chiều hướng phân quyền giám sát : Quốc hội với tư cách là một tập thể của các đại biểu của toàn thể nhân dân chỉ giám sát ở cấp chính quyền tối cao. Sự cụ thể hoá này có những nguyên do nhất định.
Quốc hội với tư cách là một đại công quyền thực thi quyền giám sát tối cao thì chỉ giám sát các định chế thực thi các đại công quyền, tức là chỉ giám sát tâng cao nhất của chính quyền, mà không giám sát chính quyền địa phương.
Việc Quốc hội chỉ giảm sát chính quyền trung ương là triển khai nguyên tắc hiến định : «có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, và tư pháp ». Quốc hội chỉ tập trung giám sát ở tầng cao nhất của chính quyền là xuất phát từ khuynh hướng phân công quyền lực giữa Quốc hội với các cấu trúc của Quốc hội và những cơ quan nhà nước khác cũng có chức năng giám sát quyền lực, chẳng như Viện kiểm sát, Toà án (trong hoạt động giám đốc thẩm và tái thẩm). Sự phân công này đảm bảo sự không trùng lắp chức năng của các cơ quan nhà nước trong việc giám sát. Và từ đó cũng hạn chế sự sự thiếu minh bạch về trách nhiệm của các cơ quan thực hiện hoạt động giát sát quyền lực do tình trạng một công việc phân cho nhiều cơ quan ; hạn chế sự dựa dẫm, ỷ lại trong bộ máy nhà nước.
Hơn nữa, việc Quốc hội chỉ giám sát quyền lực nhà nước ở Trung ương cũng có cơ sở thực tiễn của nó. Trong điền kiện của một Quốc hội mà đa số các đại biểu là không chuyên trách, Quốc hội không thể làm được tất cả. Thực tễ là Quốc hội không thể giám sát được toàn bộ quyền lực nhà nước. Quốc hội cần sự hỗ trợ giám sát của các định chế khác, mà chỉ tập trung giám sát ở trung ương. Điều này làm cho Quốc hội thực hiện tốt hơn quyền giám sát tối cao của mình.
Nói cung việc quy định cho Quốc hội giám sát tối cao ở cấp cao nhất của quyền lực là hợp lý. Điều này phù hợp với nguyên lý tổ chức chính quyền ở Việt Nam và cũng phù hợp với điều kiện thực tiễn của Quốc hội Việt Nam
Nội dung của hoạt động giám sát
Theo Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội, nội dung hoạt động giám sát của Quốc hội như sau:
Thứ nhất là giám sát văn bản. Giám sát văn bản hoạt động theo dõi, xem xét, đánh giá tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản của các đối tượng bị giám sát. Văn bản của các đối tượng bị giám sát là những văn bản lập quy triển khai thực hiện hiến pháp và các đạo luật, nghị quyết, pháp lệnh của các chủ thể giám sát. Nội dung giám sát văn bản nhằm đảm bảo sự thống nhất cuả hệ thống pháp luật, tính tối cao của Hiến pháp. Nội dung cụ thể của giám sát văn bản như sau:
Quốc hội giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Hội đồng dân tộc, Uỷ ban phụ trách.
Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát văn bản quy phạm pháp luật Hội đồng nhân dân, và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đại biểu Quốc hội giám sát văn bản pháp luật ở địa phương
Thứ hai là giám sát hoạt động. Giám sát hoạt động được hiểu là hoạt động theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động thực tiễn của các đối tượng bị giám sát trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Đây thực chất là quá trình các chủ thể giám sát giám sát việc các đối tượng bị giám sát tổ chức thực hiện các văn bản của các chủ thể giám sát. Nôi dung giám sát này nhằm đảm bảo cho việc tổ chức và thực hiện các hoạt động thực tiễn của các đối tượng giám sát tuân thủ hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của các chủ thể giám sát trong việc giải quyết các công việc cụ thể thuộc thẩm quyền của mình. Cụ thể của nội dung giám sát hoạt động như sau:
Quốc hội giám sát hoạt động của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội .
Uỷ ban thường vụ Quốc hội giám sát hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình giám sát hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Đại biểu Quốc hội giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cao của công dân.
Các hình thức giám sát
Quyền giám sát tối của Quốc hội được thực thi tại các kỳ họp của Quốc hội bằng những công cụ sau đây:
Xem xét báo cáo hoạt động của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Đây là công cụ giám sát hoạt động của cấu trúc quyền lực trung ương. Quốc hội xem xét, thảo luận báo cáo công tác của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại kỳ họp cuối năm. Tại kỳ họp giữa năm, các cơ quan này gửi báo cáo công tác đến các đại biểu Quốc hội, khi cần thiết Quốc hội có thể xem xét, thảo luận. Việc xem xét, thảo luận các báo cáo hàng năm hoặc sáu tháng tại các kỳ họp cuối năm hay giữa năm được tiến hành theo một tình tự chặt chẽ do luật định, trong đó có thẩm tra, phản biện, thảo luận, tranh luận của các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội đối với các đối tượng thuộc quyền giám sát tối cao của Quốc hội. Theo quyết định của Chủ tịch Quốc hội hoặc của người điều khiển phiên họp, báo cáo của các đối tượng giám sát được chuyển cho Uỷ ban của Quốc hội thẩm tra, nghiên cứu trước. Trên cơ sở ý kiến tham gia, thảo luận báo cáo của các thành viên, Uỷ ban phải chuẩn bị báo cáo thuyết trình thẩm tra trước Quốc hội.
Việc Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo được diễn ra theo một trình tự nhất định: Người đứng đầu các cơ quan bị giám sát trình bầy báo cáo; Chủ tịch Hội đồng dân tộc hoặc Chủ nhiệm Uỷ ban của Quốc hội trình bầy báo cáo thẩm tra; Quốc hội thảo luận; người đứng đầu cơ quan bị giám sát trình bầy báo cáo có thể trình bầy thêm những vấn đề có liên quan mà đại biểu Quốc hội quan tậm; Quốc hội ra quyết định về công tác của cơ quan đã báo cáo khi xét thấy cần thiết.
Việc xem xét báo cáo buộc đối tượng giám sát phải báo cáo về công tác của mình. Trên cơ sở đó, Quốc hội có thể kiểm soát được tình hình thực thi hiến pháp và pháp luật trong thực tiễn của đời sống xã hội, tăng cường trách nhiệm cá nhân của những người đứng đầu Chính phủ và các ngành về công tác của họ trược Quốc hội.
Căn cứ vào kết quả giám sát tối cao đối với hoạt động của các đối tượng giám sát, hậu quả pháp lý của giám sát tối cao, có thể là một Nghị quyết của Quốc hội về việc bổ sung, sửa đổi một hay một số điều luật nhằm khắc phục lỗ hổng về mặt pháp lý để giải quyết những sai sót do hoạt động của nhà nước gây ra; hoặc yêu cầu Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành văn bản hướng dẫn giải quyết một vụ việc cụ thể nào đó để thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.
Xem xét văn bản quy phạm pháp luật của các đối tượng giám sát: Chủ Tịch nước Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có dấu hiệu trái hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.
Đây là công cụ để Quốc hội giám sát tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản pháp luật của các đối tượng giám sát thuộc thẩm quyền giám sát tối cao của Quốc hội. Quốc hội được coi là cơ quan có thẩm quyền bảo vệ hiến pháp tối cao. Đây là công cụ bảo hiến ở Việt Nam được hành xử bởi Quốc hội. Phục vu cho việc thực hiện công cụ giám sát này tại các kỳ họp của Quốc hội, thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, và từng đại biểu Quốc hội giữa hai kỳ họp phải thường xuyên thực hiện quyền giám sát các văn bản thuộc thẩm quyền để có đề nghị kịp thời tại kỳ họp của Quốc hội.
Các bước để Quốc hội tiến hành xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản của các đối tuợng bị giám sát được quy định như sau: Uỷ ban thuờng vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu bất hợp hiến, bất hợp pháp; Quốc hội thảo luận. Trong quá trình thảo luận, người đứng đầu cơ quan đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật có thể trình bầy bổ sung những vấn đề có liên quan. Hậu quả pháp lý của việc Quốc hội giám sát tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản của các đối tượng giám sát có thể là một Nghị quyết của Quốc hội bãi bỏ một phần hay toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Đương nhiên, nếu xét thấy không có sự bất hợp hiến, hợp pháp của các văn bản pháp luật thì Quốc hội ra Nghị quyết về việc văn bản quy phạm pháp luật luật không trái Hiến pháp, luật, Nghị quyết của Quốc hội.
Nghiên cứu so sánh về quyền giám sát của Quốc hội cho thấy đa số Quốc hội ở các nước có chức năng giám sát. Khác với ở nước ta, Quốc hội ở nhiều nước có đối tượng giám sát chủ yếu là hành pháp. Tư duy giám sát thể hiện ở đây là giám sát để bảo đảm cho hành pháp không lạm quyền, bảo vệ các quyền và tự do của người dân. Từ đối tượng và tư duy như vậy, Quốc hội chủ yếu tập trung giám sát hoạt động của hành pháp. Quyền giám sát của Quốc hội thường mang tính chính trị, tìm ra sự thực thi tốt hay không tốt các chủ trưng chính sách đã được Quốc hộị thông qua. Còn, giám sát văn bản của hành pháp thường được coi là thuộc địa hạt của tư pháp.
Học lý về hiến pháp quan niệm: Các toà án có bổn phận hiến định (mission constitutionelle) là giải quyết những vụ tranh tụng giữa mọi người, và trong những vụ tranh tụng đó, các toà án phải chỉ định các quy tắc luật nào, hay loại luật nào, hiến luật hay thường luật, được đem áp dụng. Cái sứ mạng dĩ nhiên của thẩm phán là áp dụng cho hai bên nguyên bị cái quy tắc luật có giá trị và trong trường hợp mâu thuẫn giữa hai quy tắc luật, là quyết định xem quy tắc nào ở địa vị ưu tiên, được tôn trọng.
Đây cũng là nguyên nhân của việc cần phải thành lập tòa án hiến pháp của nhiều nước trên thế giới, cũng như là việc trao quyền xét xử các văn bản luật phù hợp hay không phù hợp với các quy định của hiến pháp cho tòa án tối cao của một số quốc gia hiện nay. Ở Việt Nam hiện nay, ngành Tòa án không có quyền giám sát tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật. Đối với các văn bản do các định chế quyền lực ở trung ương do Quốc hội giám sát. Điều này xuất phát từ nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa trong việc tổ chức quyền lực nhà nước ở Việt Nam.
Thạc sỹ Phạm Ngọc Minh - Khoa Luật Trường Đại
học Hòa Bình, tổng hợp
Liên kết đào tạo và hợp tác việc làm giữa Trường
Đại học Hòa Bình và Công ty Luật TNHH Everest là hoạt động cần thiết để giải
quyết thực trạng chênh lệch giữa nhu cầu của doanh nghiệp và sự đáp ứng của nhà
trường. Hướng đến mục tiêu đào tạo 100% sinh viên có việc làm sau khi trường,
Trường Đại học Hòa Bình triển khai liên kết chặt chẽ với Công ty Luật TNHH
Everest trong công tác đào tạo sinh viên và tạo điều kiện việc làm cho sinh
viên mới ra trường. Để được tư vấn pháp luật, Quý khách vui lòng gọi tới tổng
đài tư vấn 19006198.
Bình luận