Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước

Chủ Tịch nước có hai nhóm các nhiệm vụ, quyền hạn chính là thẩm quyền liên quan đến chức năng đại diện, thay mặt nước về đối nội và đối ngoại và thẩm quyền liên quan đến việc phối hợp các thiết chế quyền lực Nhà nước trong các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Thẩm quyền của Chủ Tịch nước được Hiến pháp quy định ở Điều 103 (gồm 12 vấn đề) và ở một số điều khoản khác có liên quan (như Điều 135, và Điều 139). Có thể phân chia các nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ Tịch nước thành hai nhóm:
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Thứ nhất, nhóm các nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến chức năng đại diện, thay mặt nước về đối nội và đối ngoại. Hầu hết các Nguyên thủ Quốc gia đều được quy định quyền này. Đó là:

- Cử, đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt nam; tiếp nhận Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài.

- Tiến hành đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam với người đứng đầu Nhà nước khác.

- Quyết định phê chuẩn hoặc tham gia điều ước quốc tế, trừ trường hợp cần trình Quốc hội quyết định. Ở đây tùy mức độ quan trọng của điều ước hoặc theo quy định và điều ước mà quyết định Chủ tịch nước hay Quốc Hội phê chuẩn.

- Quyết định cho nhập, thôi hoặc tước quốc tịch Việt nam.

- Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân và giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh.

- Căn cứ vào nghị quyết của Quốc Hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc Hội công bố quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc từng địa phương.

- Quyết định phong hàm cấp sỹ quan cao cấp trong các lực lượng vũ trang nhân dân, hàm cấp ngoại giao và những hàm cấp Nhà nước khác.

Quyết định tặng thưởng huân huy chương và các danh hiệu vinh dự Nhà nước khác.

- Công bố quyết định đại xá và ra quyết định đặc xá.

Thứ hai, nhóm các nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến việc phối hợp các thiết chế quyền lực Nhà nước trong các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp:

Trong lĩnh vực lập pháp, Chủ Tịch nước có quyền:

- Trình dự án luật ra trước Quốc Hội, kiến nghị về luật thông qua việc kiến nghị ban hành luật mới hoặc sửa đổi, bổ xung luật hiện hành (Điều 62 Luật Tổ chức Quốc Hội).

- Công bố Hiến pháp, luật và pháp lệnh. Việc công bố các văn bản này là một phần của quá trình lập pháp. Đối với Hiến pháp, luật và một số nghị quyết có tính quy phạm do Quốc Hội thông qua thì Chủ Tịch nước công bố để thực hiện. Thời hạn công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày thông qua (Điều 50 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật). Văn bản có hiệu lực kể từ khi công bố hoặc theo quy định tại văn bản. Riêng đối với pháp lệnh và một số nghị quyết (do Uỷ ban thường vụ Quốc Hội thông qua) thì Chủ Tịch nước hoặc công bố trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày được thông qua hoặc đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội xem xét lại và sau khi xem xét lại vẫn không nhất trí thì trình Quốc Hội quyết định. Trong trường hợp đó thời hạn công bố chậm nhất là mười ngày kể từ ngày được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại thông qua hoặc từ khi Quốc Hội quyết định (Điều 51 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật).

Tại Hiến pháp chưa quy định rõ quyền của Chủ Tịch nước về công bố một số nghị quyết của Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc Hội cũng như quyền đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc Hội xem xét lại - pháp lệnh, nghị quyết có tính quy phạm thiết nghĩ Hiến pháp cần phải quy định rõ điểm này không nên để cho luật quy định.

Trong lĩnh vực hành pháp, Chủ Tịch nước tham gia thành lập Chính phủ (theo trình tự đã nói ở trên), giám sát hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, nghe báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt đối với hai vấn đề (thuộc lĩnh vực hành pháp) được hiến pháp quy định cho Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội giải quyết trong thời gian Quốc Hội không họp là: Phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức phó Thủ tướng, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ và quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh khi nước nhà bị xâm lược thì Chủ Tịch nước có quyền đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội xem xét lại các nghị quyết về vấn đề đó (trong thời hạn mười ngày); nếu nghị quyết đó vẫn được Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội biểu quyết tán thành mà Chủ tịch nước vẫn không nhất trí thì Chủ Tịch nước trình Quốc Hội quyết định tại kỳ họp gần nhất. (Khoản 7 Điều 103 Hiến pháp).

Cùng với mục đích tăng cường quyền lực cho cơ quan đại diện quyền lực nhà nước – Quốc Hội, Nghị quyêt số 51 năm 2001 về Sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 1992, những quyền nói trên của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội không còn, nên Chủ Tịch nước hiện nay cũng không còn quyền đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc Hội xem xét lại.

Việc quy định cho Chủ Tịch nước quyền đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc Hội xem xét lại pháp lệnh đã được thông qua được nhiều người coi giống như quyền phủ quyết của Nguyên thủ Quốc gia một số nước. Tuy nhiên, về bản chất không hẳn là như vậy. Quyền phủ quyết thường nảy sinh trong cơ chế Nhà nước có sự kiềm chế và đối trọng (cơ chế phân quyền), còn ở nước ta giữa Quốc Hội, Uỷ ban thường vụ Quốc Hội và Chủ Tịch nước là thống nhất không có sự đối trọng, nên không thể có vấn đề phủ quyết lẫn nhau ở đây. Thực chất vấn đề là ở chỗ do Hiến pháp quy định cho Uỷ ban thường vụ Quốc Hội được giải quyết những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền Quốc Hội nên cần phải thận trọng. Sự tham gia của Chủ Tịch nước phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng đó một cách chính xác nhất.

Trong lĩnh vực tư pháp và giám sát, Chủ Tịch nước giới thiệu để Quốc Hội bầu Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; bổ nhiệm các thẩm phán toà án nhân dân các cấp, các kiểm sát viên và điều tra viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Chủ Tịch nước xem xét và quyết định việc ân giảm án tử hình. Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc Hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Uỷ ban thường vụ Quốc Hội và Chủ Tịch nước.

Để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình Hiến pháp quy định Chủ tịch nước có quyền tham dự các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Khi xét thấy cần thiết có quyền tham dự các phiên họp của Chính phủ (Điều 105 Hiến pháp).

Hình thức văn bản của Nguyên thủ Quốc gia là lệnh và quyết định. Điều 103 Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: Chủ tịch nước ban hành lệnh, quyết định để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Thạc sỹ Phạm Ngọc Minh - Khoa Luật Trường Đại học Hòa Bình, tổng hợp


Liên kết đào tạo và hợp tác việc làm giữa Trường Đại học Hòa Bình và Công ty Luật TNHH Everest là hoạt động cần thiết để giải quyết thực trạng chênh lệch giữa nhu cầu của doanh nghiệp và sự đáp ứng của nhà trường. Hướng đến mục tiêu đào tạo 100% sinh viên có việc làm sau khi trường, Trường Đại học Hòa Bình triển khai liên kết chặt chẽ với Công ty Luật TNHH Everest trong công tác đào tạo sinh viên và tạo điều kiện việc làm cho sinh viên mới ra trường. Để được tư vấn pháp luật, Quý khách vui lòng gọi tới tổng đài tư vấn 19006198.